Mẹ tôi không còn minh mẫn, chúng tôi đã giao cho người con út của bà làm người giám hộ. Gần đây, người này có nợ nần nên đã tự ý chuyển dịch một vài tài sản của bà không đúng mục đích. Xin hỏi trong trường hợp này phải xử lý thế nào?
Hỏi: Mẹ tôi không còn minh mẫn, chúng tôi đã giao cho người con út của bà làm người giám hộ. Gần đây, người này có nợ nần nên đã tự ý chuyển dịch một vài tài sản của bà không đúng mục đích. Xin hỏi trong trường hợp này phải xử lý thế nào?
Lê Hoài Anh (Thuận An, Bình Dương)
Trả lời: Khi cử người giám hộ, cần thiết cử người giám sát việc giám hộ. Trong chế định giám hộ của Bộ luật Dân sự có quy định về giám sát việc giám hộ. Theo đó, người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ. Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ.
Người giám sát việc giám hộ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nếu là cá nhân, có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám sát nếu là pháp nhân; có điều kiện cần thiết để thực hiện việc giám sát.
Người giám sát việc giám hộ có quyền và nghĩa vụ:
a) Theo dõi, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ;
b) Xem xét, có ý kiến kịp thời bằng văn bản về việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ;
c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giám hộ xem xét thay đổi hoặc chấm dứt việc giám hộ, giám sát việc giám hộ.
Nếu người giám hộ không còn đủ các điều kiện quy định để làm người giám hộ; người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ thì có thể được thay đổi.
Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG