12:12, 27/12/2018

Giao dịch dân sự vô hiệu khi phạm vào điều cấm của luật

Hợp đồng dân sự được cho là vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật. Vậy điều cấm của luật là những điều gì, và người dân làm sao để biết được điều cấm của luật.

Hỏi: Hợp đồng dân sự được cho là vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật. Vậy điều cấm của luật là những điều gì, và người dân làm sao để biết được điều cấm của luật.


Mỹ Duyên (Vĩnh Hòa, Nha Trang)


Trả lời: Tại Điều 123 của Bộ luật Dân sự về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội đã chỉ rõ: giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.


Có nhiều những điều pháp luật cấm làm, rất phổ biến trong quan hệ xã hội, nên gần như mọi người đều tự nhận biết, để không vi phạm, ví như hành vi vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, hủy hoại tài sản, mua bán hàng cấm...  Tuy nhiên, cũng có những việc phải tiếp cận với từng văn bản quy phạm pháp luật mới có thể biết được một cách chính xác điều cấm của luật.


Ví dụ, theo Nghị định 96/2015/NĐ-CP của Chính phủ, chủ doanh nghiệp được quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, tuy nhiên nội dung hoặc hình thức mẫu con dấu của doanh nghiệp không được sử dụng những hình ảnh, từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Hoặc Luật Di sản văn hóa nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan. Về thừa kế trong Bộ luật Dân sự, trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng…


Luật sư Nguyễn Thiện Hùng