Những căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án dân sự có hiệu lực pháp luật?
Hỏi: Những căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án dân sự có hiệu lực pháp luật?
Phạm Đình Lê (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa)
Trả lời: Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm, khi có một trong những căn cứ quy định tại Điều 326 BLTTDS 2015, cụ thể như sau:
1) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
2 ) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
3) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Việc xác định thế nào là “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” và “có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật” quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 326 BLTTDS năm 2015 phải căn cứ vào các quy định pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung được áp dụng tại thời điểm ra bản án, quyết định bị đề nghị kháng nghị (theo Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 30-6-2016, hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành BLTTDS và Nghị quyết số 104/2015/QH 13 ngày 25-11-2017 của Quốc hội về việc thi hành Luật TTHC).
Luật sư Nguyễn Hồng Hà