Tôi là đương sự trong vụ kiện chờ xử phúc thẩm, tôi nghe nói kể từ ngày 1-7-2017, tòa án sẽ công bố công khai bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của tòa án. Xin hỏi pháp luật quy định như thế nào về quyền yêu cầu giữ bí mật thông tin của đương sự?
Hỏi: Tôi là đương sự trong vụ kiện chờ xử phúc thẩm, tôi nghe nói kể từ ngày 1-7-2017, tòa án sẽ công bố công khai bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của tòa án. Xin hỏi pháp luật quy định như thế nào về quyền yêu cầu giữ bí mật thông tin của đương sự?
Lê Thanh Th.
(phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang)
Trả lời: Theo Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của tòa án được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thông qua ngày 17-2-2017 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2017). Về nguyên tắc thì bản án, quyết định được công bố phải là bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Những bản án, quyết định không được công bố là những bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị (bị kháng cáo, kháng nghị toàn bộ hoặc một phần); bản án, quyết định có đương sự là người chưa thành niên; bản án, quyết định có chứa đựng nội dung thuộc danh mục bí mật Nhà nước; những bản án, quyết định liên quan đến việc xét xử các vụ án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia; bản án, quyết định có nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Pháp luật tố tụng; nghị quyết và hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao đã quy định về việc giải thích quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng: khi phổ biến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, Chủ tọa phiên tòa phải thông báo cho họ biết bản án, quyết định giải quyết vụ việc mà họ là người tham gia tố tụng thuộc diện được công bố trên Cổng thông tin điện tử của tòa án và quyền của họ được yêu cầu giữ bí mật một số thông tin theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu về giữ bí mật của người tham gia tố tụng có thể được thực hiện trước khi mở phiên tòa, phiên họp hoặc tại phiên tòa, phiên họp;
- Yêu cầu về giữ bí mật của người tham gia tố tụng trước khi mở phiên tòa, phiên họp phải được làm bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do để tòa án xem xét.
- Trường hợp người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa, phiên họp và tòa án xét xử vắng mặt họ theo quy định của pháp luật mà người vắng mặt không có văn bản yêu cầu tòa án giữ bí mật thông tin thì được xác định là trường hợp họ không yêu cầu giữ bí mật thông tin.
- Việc phổ biến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng; yêu cầu của người tham gia tố tụng về công bố hoặc không công bố bản án, quyết định phải được ghi vào biên bản phiên tòa, phiên họp.
Căn cứ các quy định về quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng nêu trên, ông nên làm đơn yêu cầu giữ bí mật thông tin gửi trước khi xử phúc thẩm, nêu rõ lý do để tòa án cấp phúc thẩm có căn cứ xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà