10:02, 19/02/2021

Cách đánh giá

Bị hại mặc áo của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tham gia phiên tòa xét xử bị cáo H.X.A (sinh năm 1988, trú TP. Nha Trang) về tội giết người. Ban đầu, điều đó không khiến người dự bận tâm bằng nội dung vụ án. 
 

Bị hại mặc áo của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tham gia phiên tòa xét xử bị cáo H.X.A (sinh năm 1988, trú TP. Nha Trang) về tội giết người. Ban đầu, điều đó không khiến người dự bận tâm bằng nội dung vụ án. 
 
Bị hại cho biết, trước đó, hai bên không hề mâu thuẫn. Tại bữa nhậu, cả hai có nói lớn tiếng và đã được can ngăn. Nhưng khi bị hại ra về, A. lại vác dao đuổi theo, yêu cầu bị hại dừng lại nói chuyện. Đang nói chuyện thì A. kẹp cổ, đâm 1 nhát vào bụng bị hại, gây thương tích 62%... Tuy vậy, bị hại vẫn xin giảm nhẹ cho bị cáo, cũng không yêu cầu bồi thường thêm, cho dù có quyền làm vậy. 
 
Trong khi đó, cha mẹ bị hại kiên quyết đòi A. phải bồi hoàn mọi khoản mà họ đã bỏ ra chăm sóc con, kể cả những khoản không có giấy tờ hợp pháp chứng minh. Họ còn giận dữ mắng bị hại không chịu yêu cầu bồi thường thêm và giải thích, họ phải nghỉ làm để chăm sóc bị hại sau phẫu thuật. Không nghe tòa giải thích về cách tính chi phí mất thu nhập do phải chăm sóc người bệnh, cha mẹ bị hại nằng nặc yêu cầu tòa phải tính đủ cho họ tiền công mỗi tháng 7 triệu đồng bị mất do phải nghỉ làm từ khi con họ bị đâm tới nay. Đồng thời, yêu cầu A. phải thanh toán thêm khoản tiền phòng hờ sau này chi trả khi phẫu thuật lại cho con họ. Người mẹ tuyên bố với con: “Nếu không yêu cầu thanh toán, mấy năm nữa phải mổ lại, lúc đó tốn kém thế nào chúng tôi cũng không liên quan, kệ tự lo!”.
 
Vị luật sư ôn tồn thừa nhận, việc truy tố bị cáo là đúng. Trong lúc ăn nhậu, chỉ vì bị hại đòi hát một bài, A. lại chê hát không nghe được, rồi giành hát, khiến bị hại tự ái, chửi bới. Đây chỉ là xích mích nhỏ, nhưng A. lại tức tối, đuổi theo đâm bị hại. Do đó, A. phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, sau đó, A. đã cùng mọi người đưa bị hại đi cấp cứu. Khi bị hại nằm viện, A. thường xuyên chăm sóc và đã bồi thường 31 triệu đồng. Sau khi bị hại xuất viện, A. lại đón về nhà, tiếp tục chăm sóc, bồi dưỡng hồi phục. Như vậy, chỉ từ sau khi A. yêu cầu bị hại trở về nhà, cha mẹ bị hại mới phải chăm sóc toàn bộ. Cha mẹ A. cũng đã bồi hoàn một phần cho cha mẹ bị hại. 
 
Luật sư nhấn mạnh, điều mà nhiều người chưa biết là bị cáo từ chối tiếp tục chăm sóc bị hại tại nhà mình không phải bởi thiếu trách nhiệm, mà bởi bị hại nghiện ma túy! Trong thời gian ở nhà A., bị hại thường xuyên xin tiền A. để sử dụng ma túy, khi 300.000 đồng, lúc 500.000 đồng, không thể nhớ hết. Tốn kém do điều trị hậu phẫu, phục hồi sức khỏe cho bị hại là nghĩa vụ của bị cáo, nhưng chu cấp cho bị hại giải quyết nhu cầu ma túy thì A. không kham nổi và không thể chấp nhận. Điều này, ngay cả cha mẹ bị hại còn không chịu được. Thực tế, chính người mẹ đã đề nghị đưa bị hại đi cai nghiện. 
 
Không còn bức xúc như ban đầu, cha mẹ bị hại yên lặng ra về sau khi nghe tòa tuyên phạt bị cáo 12 năm tù về tội giết người, bồi hoàn tiếp hơn 34 triệu đồng chi phí hợp lý cho họ. Vị thẩm phán còn giải thích thêm, họ có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường tiếp nếu sau này phát sinh chi phí điều trị cho con từ vết thương cũ. Lúc này, người dự mới thấy, vì ấn tượng xấu với người mang danh “bị cáo”, họ đã quên đánh giá thái độ ăn năn, hối cải của họ. Có lẽ, không nên vội vàng đánh giá tiêu cực về người khác, cho dù là người phạm tội. 
 
TAM THUẬT