1. Trước giờ mở phiên tòa phúc thẩm, bị cáo T.M.P (sinh năm 1992, trú xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa) "ngây ngô" hỏi một người dự: Xử xong có đi trốn được không? Câu hỏi khiến người ta kinh ngạc, bởi bị cáo P. kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Người này hỏi lại: Không sợ bị công an truy nã? Nhưng bị cáo P. tỏ ra rất tự tin: Lên ở với đồng bào dân tộc thiểu số, tìm sao ra!
1. Trước giờ mở phiên tòa phúc thẩm, bị cáo T.M.P (sinh năm 1992, trú xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa) “ngây ngô” hỏi một người dự: Xử xong có đi trốn được không? Câu hỏi khiến người ta kinh ngạc, bởi bị cáo P. kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Người này hỏi lại: Không sợ bị công an truy nã? Nhưng bị cáo P. tỏ ra rất tự tin: Lên ở với đồng bào dân tộc thiểu số, tìm sao ra!
Với tâm lý đó, vào phiên xử, bị cáo P. chẳng ngại ngần thừa nhận, đến nay chưa bồi thường thêm đồng nào ngoài 13 triệu đồng trước đó, do bị cáo gặp khó khăn. Bị cáo cũng nhởn nhơ như không khi tòa hỏi có nghĩ đến cuộc sống lay lắt mà người bị hại đang phải chịu đựng do lỗi của bị cáo.
Bị cáo P. bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. P. đã tông vào người bị hại, gây ra thương tích 91% cho người này. Điều tra xác định, vụ tai nạn hoàn toàn do lỗi của P. Sau khi uống bia, P. (không có giấy phép lái xe) chạy xe lấn sang phần đường dành cho xe lưu thông chiều ngược lại, thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ tại khu vực có biển báo nguy hiểm; nồng độ cồn trong máu của P. lúc đó vượt quá mức quy định cho phép.
Nghe tòa tuyên y án, P. cũng chẳng buồn bã, nhảy từng bước trên bậc tam cấp, tươi cười rời tòa. Có vẻ như bị cáo đã quyết tâm thực hiện dự định “trốn” trước đó.
2. Cũng là một vụ án giao thông, nhưng thái độ của bị cáo V.V.Q (sinh năm 1965, trú tỉnh Tiền Giang) lại khác hẳn. Và điều đó khiến không ít người trắc ẩn.
Cả bị cáo và 2 người chị em ruột đều lặng lẽ, có vẻ lo âu, căng thẳng. Tại tòa, bị cáo thành khẩn khai nhận, tối đó, trên đường chở trái cây từ tỉnh Đồng Tháp ra Hà Nội, bị cáo (có giấy phép lái xe hạng FC) đã điều khiển ô tô tải đầu kéo kéo theo sơ mi rơ moóc rẽ vào đường nhánh bên trái hướng lưu thông (đường cấm xe trên 10 tấn) thuộc huyện Cam Lâm, để bốc thêm xoài. Sau khi bốc hàng, Q. điều khiển ô tô lùi ra Quốc lộ 1 để chuyển hướng về Hà Nội. Quá trình lùi xe, Q. đã bật đèn báo rẽ hai bên, nhờ phụ xe xuống làm tín hiệu cảnh giới. Tuy nhiên, khi phần sau của sơ mi rơ moóc lùi ra đến dải phân cách cứng cố định và nằm ngang đường một chiều hướng Diên Khánh - Cam Lâm thuộc Quốc lộ 1 thì từ hướng Diên Khánh, một thanh niên chạy xe máy đến, va chạm vào hông phải sơ mi rơ moóc, dẫn tới tử vong.
Điều duy nhất bị cáo Q. biện minh cho việc gây ra tai nạn là dẫu biết sai khi đánh xe vào đường nhánh, nhưng thân đi làm thuê, chủ yêu cầu đậu xe sát vựa xoài để tiện bốc hàng, bị cáo không thể từ chối! Lúc đại diện viện kiểm sát hỏi về khoản bồi thường 100 triệu đồng cho gia đình bị hại, bị cáo Q. thật thà khai nhận, bản thân chỉ góp vào đó 10 triệu đồng, còn lại chủ xe bỏ ra. Hỏi vì sao không bồi thường thêm, bị cáo mới trần tình: 10 năm trước, đứa con duy nhất của hai vợ chồng đã qua đời cũng vì tai nạn giao thông. Gạt đau buồn, hai vợ chồng gắng gượng nương vào nhau. Nhưng không may, đến lượt vợ bị cáo bị ung thư. 3 năm chạy chữa, nhà chẳng còn gì, bị cáo đành cho vợ về nhà nằm, chẳng biết cầm cự được bao lâu... Biết cảnh nhà bị cáo, lại biết bị hại cũng sai khi uống bia rượu say còn lái xe nên bên bị hại đã xin bãi nại cho bị cáo. Bị cáo Q. nói lời sau cùng: Không phải bị cáo không biết lỗi, nhưng bị cáo vẫn mong tòa chiếu cố cho bị cáo được giảm án, hưởng án treo, vì giờ bị cáo vào tù, chẳng có ai ở nhà chăm vợ. Chị em bị cáo đều túng thiếu, lo làm ăn cho gia đình, trong khi vợ bị cáo chỉ còn tính được từng ngày...
Nghe tòa tuyên giảm cho bị cáo 3 tháng tù, chỉ phải chấp hành 9 tháng tù, bị cáo khẽ cúi đầu, chị em bị cáo cũng im lặng. Phiên tòa kết thúc, vẫn thấy cả ba ngồi lặng. Lúc sau, bị cáo mới tìm gặp thư ký, hỏi thủ tục xin hoãn thi hành án rồi rời tòa. Nhìn theo dáng người lòng khòng của bị cáo Q., vị đại diện viện kiểm sát nói với thư ký: 55 tuổi còn ôm vô lăng làm thuê, đủ biết người này cũng cực lắm! Nhưng pháp luật không thể làm trái. Thôi thì hướng dẫn bị cáo xin hoãn thi hành một thời gian, chứ đi chấp hành ngay, khi về, chắc gì bị cáo còn được thấy vợ. Cuộc sống cô đơn sau này của bị cáo Q. đã thấy rõ từ bây giờ!
Tam Thuật