11:05, 15/05/2020

Của chồng, công vợ...

Chị B. tới phiên tòa phúc thẩm với không ít lo lắng, bởi trước đó, chị đã xin trợ giúp pháp lý nhiều nơi nhưng ai cũng bàn lùi. Có người còn nói, nhiều khả năng chị sẽ bị bác kháng cáo, bởi căn nhà tranh chấp được mua bằng tiền của ba mẹ anh C., chồng cũ của chị; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cũng chỉ ghi tên anh C. Nhưng niềm tin nội tâm vẫn thôi thúc chị kháng cáo và mời luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình. 

Chị B. tới phiên tòa phúc thẩm với không ít lo lắng, bởi trước đó, chị đã xin trợ giúp pháp lý nhiều nơi nhưng ai cũng bàn lùi. Có người còn nói, nhiều khả năng chị sẽ bị bác kháng cáo, bởi căn nhà tranh chấp được mua bằng tiền của ba mẹ anh C., chồng cũ của chị; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cũng chỉ ghi tên anh C. Nhưng niềm tin nội tâm vẫn thôi thúc chị kháng cáo và mời luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình. 


Năm 2012, vợ chồng chị B. ly hôn, không yêu cầu chia tài sản. Cuối năm đó, chị B. khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng sau ly hôn. Tài sản là căn nhà do anh C. đứng tên. Tại tòa, chị B. và anh C. đều thừa nhận, căn nhà được mua từ nguồn tiền anh C. nhận thừa kế của mẹ, cộng với cha anh C. cho. Trong hồ sơ, cha anh C. xác nhận, ông chia thừa kế của vợ cho các con, phần anh C. được 20 cây vàng. Khi anh C. mua nhà, ông cho thêm 50 cây vàng. Theo anh C., khi cho vàng, cha yêu cầu anh đứng tên riêng vì không muốn cho chung 2 vợ chồng. Việc vợ chồng anh cùng ký vào hợp đồng thế chấp căn nhà để vay vốn ngân hàng chỉ do chị B. đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên cả hai phải cùng ký thế chấp thì ngân hàng mới cho vay. Do đó, căn nhà là tài sản riêng của anh, anh không đồng ý chia.


Luật sư cũng không chối bỏ sự thật căn nhà được mua từ nguồn tiền nhận thừa kế riêng, cho riêng; nhưng ông lập luận, quá trình sống chung, anh C. đã tự nguyện đưa căn nhà vào khối tài sản chung. Cụ thể, anh C. đã tự mang số vàng được cha cho riêng đưa chị B. cất giữ. Lúc mua nhà, khi chị B. lấy vàng đưa anh C. thanh toán, anh cũng không hề yêu cầu chị xác nhận số vàng mua nhà là tài sản riêng của anh. Khi thế chấp nhà để vay tiền kinh doanh, hai vợ chồng cùng vay, cùng có nghĩa vụ trả và cùng sử dụng chính căn nhà làm tài sản thế chấp. Điều đó có nghĩa anh C. đã xác định chị B. là đồng sở hữu. Điều này cũng thể hiện trong hồ sơ thế chấp ngân hàng. Hơn nữa, thu nhập từ việc sử dụng tiền vay cũng để phục vụ sinh hoạt gia đình và tích lũy chung của hai vợ chồng. Đến nay, số tiền trả nợ ngân hàng đã xong; chị B. đang giữ giấy tờ nhà do ngân hàng giao lại. Từ đó cho thấy, suốt quá trình chung sống đến khi ly hôn, anh C. đều thể hiện ý chí xác định căn nhà là tài sản chung của vợ chồng. Điều này cũng được trình bày trong đơn ly hôn anh nộp tòa. Ngoài ra, anh và chị đều xác nhận, 3 mẹ con chị B. đang ở nhà thuê của chị gái anh C. và anh C. không cấp dưỡng nuôi con, nên cũng cần được xem xét bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con chưa thành niên khi ly hôn theo quy định pháp luật.


Cuối cùng, tòa tuyên công nhận căn nhà là tài sản chung của vợ chồng và chia theo tỷ lệ 7/3 trên cơ sở cân nhắc công sức đóng góp phần lớn của anh C. vào căn nhà; quá trình sử dụng, ý chí của anh C. qua các giai đoạn đối với căn nhà; việc hai vợ chồng sử dụng căn nhà trong thời gian chung sống cũng như công sức đóng góp, giữ gìn tài sản của chị B. và điều kiện sống của mẹ con chị B.


Nghe tòa tuyên, chị B. rưng rưng xúc động cho biết, ai cũng nói chị không thể được hưởng gì khi chồng cũ đứng tên căn nhà nhưng chị vẫn gửi đơn kháng cáo với hy vọng được tòa xem xét lại theo nghĩa “của chồng, công vợ”, dù cũng không nhiều hy vọng. Thật xúc động khi tòa đã nhìn nhận công sức đóng góp, giữ gìn tài sản của chị và bảo vệ quyền lợi cho bên yếu thế hơn.


TAM THUẬT