Câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn nhất khi dự phiên tòa xét xử 2 bị cáo T.H.N.H (sinh năm 1982) và Đ.M.Q (sinh năm 1988, cùng trú Ninh Hòa) là lý do gì khiến các bị cáo đi cướp ngân hàng ngay tại địa bàn sinh sống trong khi khả năng sớm bị phát hiện rất cao.
Câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn nhất khi dự phiên tòa xét xử 2 bị cáo T.H.N.H (sinh năm 1982) và Đ.M.Q (sinh năm 1988, cùng trú Ninh Hòa) là lý do gì khiến các bị cáo đi cướp ngân hàng ngay tại địa bàn sinh sống trong khi khả năng sớm bị phát hiện rất cao. Lời khai của bị cáo H. không chỉ trả lời cho điều đó, mà còn cho thấy một hệ lụy khác từ tiền bạc.
Bị cáo H. khai nhận, H. sinh sống bằng nghề cho vay tiền góp nhưng lại bị chính những người vay “giật tiền” nên lại phải vay mượn khắp nơi. Cùng quẫn, bị cáo nảy sinh ý định cướp ngân hàng để có tiền tiêu xài và trả nợ. H. tự chế súng bắn đạn, rồi đi mua xe máy cũ, mài số khung, số máy, lên mạng xã hội mua đạn, mua cả quần áo, găng tay, khẩu trang… đề phòng lộ dạng. Biết một mình không thể cướp được, H. rủ Q. cùng thực hiện. Cả hai bàn bạc, thống nhất thời gian, địa điểm cướp, công cụ, phương tiện phạm tội, phân công nhiệm vụ, cách thức tẩu thoát cũng như tỷ lệ ăn chia. Sau khi trang bị kín bưng, cả hai vác súng xông vào ngân hàng uy hiếp, cướp 4,5 tỷ đồng và biến mất chóng vánh. Đúng kịch bản, sau khi chạy thoát, cả hai giấu tiền vào một nơi kín đáo, đốt chiếc xe máy vừa đi cùng quần áo, găng tay, khẩu trang; vứt bỏ súng đạn và sử dụng một chiếc xe máy giấu sẵn để về nhà.
Nhưng đến đây, “kịch bản” thay đổi. Trong khi Q. tuân thủ thỏa thuận, về nhà nằm chờ tình hình yên ắng mới cùng nhau chia tiền thì H. lại lẳng lặng đến nơi giấu tiền, lấy vài trăm triệu đồng đưa cho vợ tiêu xài, trả nợ và trực tiếp trả nợ một số người, đồng thời cho vay. Bị cáo cũng “hào phóng” mua vàng trang sức tặng những người thân trong gia đình. Riêng bị cáo tiêu xài cá nhân hơn 30 triệu đồng.
2 bị cáo phạm tội, tất nhiên phải bị pháp luật trừng trị. Nhưng ở góc độ xã hội, nhiều người đã lắc đầu trước lời khai của những người thân bị cáo H. Vụ án xảy ra tại khu vực thị xã, thôn quê, nơi sự quan tâm làng xã rất lớn, không thể nói không gây xôn xao, chấn động. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhận mấy trăm triệu đồng từ chồng, vợ H. vẫn khẳng định không nghi ngờ. Chị này cũng không chút nghi ngờ việc trước đó, người chồng mang máy mài và một số công cụ về nhà. Khi thẩm phán hỏi dồn, chị mới lúng túng “đính chính”: xưa giờ anh ấy cũng thường tự sửa đồ trong nhà nên không thấy có gì bất thường. Chị có nghe đồn đại chuyện cướp ngân hàng, nhưng nghĩ chắc chồng mình chẳng liên quan, vì khi chị hỏi tiền từ đâu ra, H. đã nói tiền làm ăn. Cha, mẹ của bị cáo H. cũng cùng có câu trả lời y hệt trước mọi câu hỏi của hội đồng xét xử: không biết con đi cướp; không biết con để súng tự tạo trong nhà; không biết con kiếm tiền cách gì mà đột nhiên mua sắm trang sức cho cả nhà…
Tất nhiên, để thanh minh về hành vi phạm tội, bị cáo H. có thể nêu lý do nợ nần thúc ép. Cũng chẳng ai cấm gia đình H. mặc sức nói không biết. Nhưng kiếm tiền phi pháp kiểu đó, H. đã sớm phải trả giá đắt bằng bản án tù chung thân, còn Q. cũng phải lãnh 20 năm tù. Chưa hết, để khắc phục đủ số tiền đã chiếm đoạt, ngoài nộp lại số tiền chưa sử dụng, gia đình H. còn phải vay mượn thêm để trả lại đối với phần tiền đã tiêu xài. Như vậy, những khoản nợ - lý do thúc bách khiến H. phải làm liều, như bị cáo thanh minh, chẳng những không hề giảm bớt mà còn tăng lãi theo thời gian, trở thành gánh nặng cả đời với gia đình bởi H. tù chung thân. Dân gian thường nói “tiền” đi liền với “bạc”, trường hợp này xem ra không sai.
TAM THUẬT