09:04, 05/04/2019

Chỉ là nhất thời?

Đã qua phiên tòa sơ thẩm, nhưng đến phiên tòa phúc thẩm, bị cáo L.V.H (sinh năm 1986, trú TP. Nha Trang) vẫn chưa thực sự hối hận. Đưa ra lý do xin giảm án và xin hưởng án treo, bị cáo "lý luận" chỉ nhất thời phạm tội, đã bồi thường một phần, được người bị hại bãi nại.

Đã qua phiên tòa sơ thẩm, nhưng đến phiên tòa phúc thẩm, bị cáo L.V.H (sinh năm 1986, trú TP. Nha Trang) vẫn chưa thực sự hối hận. Đưa ra lý do xin giảm án và xin hưởng án treo, bị cáo “lý luận” chỉ nhất thời phạm tội, đã bồi thường một phần, được người bị hại bãi nại. Bị cáo còn thêm, người cha có nhiều cống hiến trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, vừa rồi  mất do tai nạn giao thông, chỉ còn người mẹ cần bị cáo chăm sóc, phụng dưỡng…


Tuy nhiên, bị cáo đều im lặng trước hàng loạt chất vấn của vị đại diện Viện kiểm sát: Bị cáo vốn là một cán bộ tín dụng, biết rất rõ quy trình, quy định làm việc tại phòng giao dịch, nhưng khi biết có khách hàng kẹt trả tiền vay ngân hàng, H. vẫn chủ động liên hệ, hứa hẹn sẽ tháo gỡ để yêu cầu họ đến nộp tiền cho mình tại quán cà phê! “Nhất thời phạm tội” chỉ có thể do hồ đồ, thiếu suy nghĩ mà phạm tội một lần, trong trường hợp bị cáo là phạm tội H. gặp người khách thiếu vài tháng tiền lãi, mong muốn làm thủ tục xin giảm lãi. Nhưng tiếp sau đó, bị cáo lại liên tiếp hứa giúp làm thủ tục vay thêm và chiếm đoạt tiền của 2 khách hàng khác?


Về lý do đã khắc phục một phần, so ra, con số 30 triệu đồng khắc phục không nhiều so với tổng số tiền bị cáo chiếm đoạt 265 triệu đồng, và cũng đã được cấp sơ thẩm áp dụng. Cho đến phiên phúc thẩm, bị cáo chưa khắc phục thêm.


Xét về hoàn cảnh, có cuộc sống gia đình ấm êm nhưng bị cáo không giữ gìn, lại tiêu xài vô lối, thiếu  quan tâm đến gia đình, khiến người vợ mệt mỏi, vợ chồng ly hôn. Bị cáo phạm tội cũng có nghĩa đã tự đặt mình vào vị trí đối lập với mục đích làm nghề cả đời của người cha, nhưng khi phải ra tòa, bị cáo lại đem sự nghiệp của cha mình ra mong được nhận tình tiết giảm nhẹ, lại còn viện lý do phụng dưỡng mẹ. Điều đó liệu có công bằng? Cho dù có người bị hại bãi nại, không yêu cầu bồi thường, nhưng với những tình tiết như trên, mức án áp dụng cho bị cáo có phải vẫn nhẹ?


Tận đến khi tòa tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên mức án 2 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và nhận định hình phạt mà cấp sơ thẩm đã tuyên còn nhẹ, chưa tương xứng, do không có kháng cáo, kháng nghị theo hướng tăng nặng nên tòa không thể xem xét nhưng kiến nghị cấp trên xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Đến lúc này, H. mới thở dài lo lắng, vội chạy tới hỏi lại thư ký về phán quyết của tòa. Có lẽ, bị cáo đã hiểu ra, pháp luật chẳng thể khoan hồng với người phạm tội chỉ “nhất thời”… vài ba lần!


TAM THUẬT