Cần khẳng định, trong luật hình không có tội danh này. Nhưng với một số thanh niên thừa tự ái, "nhìn đểu" là tội và họ cần ra tay trừng trị! Kết quả tất yếu là họ phải lãnh án. Hai phiên tòa xét xử tội cố ý gây thương tích gần đây là ví dụ.
Cần khẳng định, trong luật hình không có tội danh này. Nhưng với một số thanh niên thừa tự ái, “nhìn đểu” là tội và họ cần ra tay trừng trị! Kết quả tất yếu là họ phải lãnh án. Hai phiên tòa xét xử tội cố ý gây thương tích gần đây là ví dụ.
Chuyện bắt đầu khi bị cáo N.H.C (sinh năm - SN 1998, trú Ninh Ích, Ninh Hòa) đi mua thuốc lá và gặp 2 thanh niên đang ngồi chơi ở tiệm tạp hóa. Thoáng thấy một người nhìn mình, C. hỏi: “Nhìn gì anh?”. Tưởng câu hỏi xã giao thông thường, anh thanh niên cũng trả lời đơn giản: “Nhìn thấy quen quen”. Chỉ vậy thôi nhưng dường như cũng đủ khiến C. cảm thấy “bị xúc phạm” nên lập tức quay về, rủ H.V.T (SN 1997) đi đánh anh thanh niên. Tới tiệm tạp hóa, chẳng nói chẳng rằng, cả hai xông vào cầm ghế nhựa đánh liền. Khi anh thanh niên bỏ chạy, T. còn lấy chai thủy tinh đập lên đầu anh này. Ra tòa, 2 bị cáo mới ân hận và bồi thường tiếp cho người bị hại, thiết tha mong đổi lấy lời nói xin bãi nại, giảm án của người này.
Tương tự, 4 bị cáo trú Vĩnh Hải và Vĩnh Phước, Nha Trang cũng phải trả giá vì đã quá đề cao mình khi tấn công người khác chỉ vì tội… dám nhìn! Trước tòa, 2 bị cáo N.T.C (SN 1999) và N.L.V.H (SN 1999) lí nhí thanh minh, tới lúc nhậu hết đồ ăn và đứng lên đi mua tiếp, các bị cáo đã say, chẳng nhớ rõ điều gì. Nhưng thực tế là họ vẫn còn tỉnh táo nhận ra 3 thanh niên trong quán đang nhìn mình, và còn đánh giá đó là “nhìn đểu”, để rồi quay về, tức tối kể lại, rủ N.L (SN 1994) và N.V.T (SN 2000) đi “lấy lại danh dự”. Chưa hết, sau một hồi đuổi đánh cho nhóm nọ chạy tan tác, nhóm C. lại tiếp tục ngồi nhậu và lại vác hung khí đi chặn đánh tiếp chỉ vì nghe tin đồn nhóm bị đánh đang tập hợp vũ khí tìm cách trả thù. Vì vậy, nhóm C. đã gây thương tích tổng cộng 22% cho người bị hại.
Trên đây chỉ là 2 trong nhiều vụ án xuất phát từ nguyên nhân tương tự. Điều đáng nói là tận khi ra tòa, không bị cáo nào giải thích được khái niệm “nhìn đểu”, nhưng họ vẫn ra sức thanh minh về cảm giác khó chịu, thậm chí như bị… xúc phạm khi bị “nhìn đểu”. Dựng lại hoàn cảnh bắt đầu vụ án, các bị cáo đều thừa nhận các bị hại không có lời nói quá khích hay cử chỉ lỗ mãng. Về phần bị hại, tận khi ra tòa, có người vẫn ngỡ ngàng không hiểu vì sao họ chỉ nhìn các bị cáo cũng như đã nhìn mọi người ra vào quán nhưng lại bị đánh? Nếu nhìn như vậy là “nhìn đểu” thì tại sao những người “bị nhìn” khác không đánh họ?
Xem ra, “nhìn đểu” hay không cũng chỉ là cảm tính. Hoặc giả, các bị cáo đã quá coi trọng cái tôi cá nhân mà quên mất ứng xử thích hợp trong cộng đồng. Trong khi đó, chính các bị cáo cũng chưa nỗ lực thực sự để được người khác tôn trọng họ. Quăng quật bản thân, bỏ học khi chưa hết bậc phổ thông, mải mê chơi bời, ăn nhậu…, xem ra các bị cáo cũng chưa chứng tỏ được giá trị đích thực của họ ngoài cái cách đổ thừa cho người khác tội xem thường, “nhìn đểu”!
TAM THUẬT