02:03, 21/03/2018

Lập luận sai!

Hiếm có phiên tòa xét xử án giao thông nào căng thẳng như phiên xử phúc thẩm bị cáo P.H.P (sinh năm 1974, trú xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa). Căng thẳng không phải vì bị cáo chối tội hay bị hại bức xúc, mà là do phía bị đơn dân sự (công ty sở hữu chiếc ô tô gây tai nạn và ký hợp đồng thuê P. lái) không tìm hiểu kỹ pháp luật.
 

Hiếm có phiên tòa xét xử án giao thông nào căng thẳng như phiên xử phúc thẩm bị cáo P.H.P (sinh năm 1974, trú xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa). Căng thẳng không phải vì bị cáo chối tội hay bị hại bức xúc, mà là do phía bị đơn dân sự (công ty sở hữu chiếc ô tô gây tai nạn và ký hợp đồng thuê P. lái) không tìm hiểu kỹ pháp luật.
 
Theo lập luận của đại diện theo ủy quyền của bị đơn dân sự, P. được công ty thuê vì đủ điều kiện lái xe theo quy định pháp luật, như giấy phép lái xe còn hạn, lái xe đúng hạng… P. lái xe gây thương tích 41% cho người bị hại và làm hư hại chiếc ô tô do bị hại điều khiển chứ không phải công ty gây ra. Như vậy, P. mới là người có lỗi và phải bồi thường, công ty không có trách nhiệm bồi thường. Cấp sơ thẩm buộc công ty phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự là không đúng. Mức bồi thường mà tòa sơ thẩm tuyên cũng quá cao: hơn 184 triệu đồng, riêng chi phí sửa chữa ô tô 164 triệu đồng. Xuất trình tại tòa 2 bản báo giá do 2 salon ô tô cung cấp, bà này nói, báo giá sửa xe dao động gần 90 đến 110 triệu đồng/xe; dù mua nguyên một chiếc ô tô cùng chủng loại, còn khoảng 85% giá trị cũng chỉ 70 - 80 triệu đồng. Bà cũng đề nghị, công ty đã mua bảo hiểm đầy đủ nên cơ quan bảo hiểm cũng phải được tham gia giám định thiệt hại. Sau khi nghe tòa giải thích, bà này lại đề nghị cho mang ô tô về công ty sửa. Bà còn than không ai hướng dẫn phía công ty khiếu nại khi không đồng ý với mức bồi thường, gây thiệt thòi cho công ty… 
 
Phiên tòa kéo dài cả ngày với những lập luận tương tự của đại diện bị đơn dân sự. Khi tòa nghỉ nghị án, nguyên đơn dân sự không chịu nổi, đã phản ứng gay gắt về cách hiểu luật của đại diện bị đơn dân sự. 
 
Phiên tòa kết thúc với lời phân tích của vị thẩm phán: Xuất phát điểm là do đại diện bị đơn dân sự không chấp nhận bồi thường. Vì vậy, suốt quá trình tố tụng, cho dù được thông báo các nội dung liên quan nhưng bị đơn đều không quan tâm nên không thể hiện ý kiến phản đối. Đây là thiếu sót cơ bản mà phía công ty cần rút kinh nghiệm. Đại diện bị đơn dân sự lập tức trả lời: “Công ty chúng tôi xin nhận thiếu sót này. Nhưng tòa có cho chúng tôi sửa thiếu sót này không?”! 
 
Lý luận của đại diện bị đơn dân sự cho thấy vấn đề cốt lõi là việc bóc tách trách nhiệm giữa người lao động và người sử dụng lao động (trong vụ án này là công ty ký hợp đồng lao động với bị cáo P.). Dưới góc độ pháp lý, một nguyên tắc được ghi nhận từ Bộ luật Dân sự 2005 đến Bộ luật Dân sự 2015 là chỉ cần xác định được người lao động gây thiệt hại trong khi thực hiện nhiệm vụ được công ty giao thì công ty có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, sau đó mới có quyền yêu cầu các bên có lỗi (gồm cả người lao động) hoàn trả. Bị cáo P. có lỗi trong khi điều khiển xe nên bị truy tố, xét xử. P. đã ký hợp đồng lao động với công ty và đang thực hiện việc công ty giao. Do đó, công ty này phải có trách nhiệm bồi thường trước. Báo giá của các salon không thể dùng làm căn cứ xác định bồi thường khi mỗi salon có mức giá khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việc xác định thiệt hại trong vụ án hình sự phải do cơ quan chuyên môn được thành lập đúng quy định, trình tự tố tụng và tòa phải phán quyết dựa trên kết quả này. Việc xác định mức độ thiệt hại trong vụ án này  liên quan đến yếu tố định khung hình phạt, nếu cho tự sửa chữa xe sẽ làm mất căn cứ xử lý hình sự, vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Cơ quan bảo hiểm cũng không buộc phải tham gia hội đồng thẩm định để xác định thiệt hại. Việc bồi thường bảo hiểm căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm và bản án có hiệu lực pháp luật. 
 
Phiên tòa kết thúc, một người dự lắc đầu: mải miết chối bỏ nghĩa vụ, so đo mức bồi thường, công ty đó quên rằng cuối cùng, việc bồi thường do bảo hiểm giải quyết. Nhưng chắc chắn, công ty phải nộp khoản án phí dân sự phúc thẩm do bị bác kháng cáo! Tất cả cũng chỉ vì không tìm hiểu kỹ pháp luật.
 
TAM THUẬT