07:02, 22/02/2018

Quá thận trọng

Không dưới 4 lần, đôi vợ chồng đó tới tòa theo giấy mời. Có lần, người con còn đi cùng để "thông dịch" giúp họ một số nội dung pháp lý mà tòa giải thích. Nhưng cũng từng ấy lần, họ ra về mà không viết đơn yêu cầu. Lý do đơn giản vì họ sợ "bút sa…", nên tuy họ vẫn đến tòa, vẫn nghe, nhưng… từ từ tính, cho chắc!

Không dưới 4 lần, đôi vợ chồng đó tới tòa theo giấy mời. Có lần, người con còn đi cùng để “thông dịch” giúp họ một số nội dung pháp lý mà tòa giải thích. Nhưng cũng từng ấy lần, họ ra về mà không viết đơn yêu cầu. Lý do đơn giản vì họ sợ “bút sa…”, nên tuy họ vẫn đến tòa, vẫn nghe, nhưng… từ từ tính, cho chắc!


Vụ án xảy ra đã nhiều năm trước, khi tổ tiên bà A. cho bà B. mượn một phần nhà đất để ở. Sau quá trình sử dụng và do quy định thời đó nên bà B. được cấp giấy tờ đứng tên. Bà B. bán đi một phần nhà đất được 40 chỉ vàng. Sau này, bà A. và con cháu biết, khởi kiện yêu cầu bà B. phải trả phần nhà đất còn lại cùng số vàng có được do bán đất. Cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên buộc bà B. phải trả lại theo yêu cầu của bà A. Sau khi có bản án phúc thẩm, bà B. làm đơn yêu cầu giám đốc thẩm, còn bà A. nộp đơn yêu cầu thi hành án. Nhưng sau khi cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành, bà B. lại tự nguyện trả lại nhà đất cùng số vàng cho bà A. Bản án đã được thi hành xong.


Mọi chuyện lẽ ra đã kết thúc nếu sau đó, vụ án không được xét xử giám đốc thẩm với phán quyết hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm xét xử lại.


Sau khi cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án, nhiều lần tòa triệu tập hợp lệ, bà A. đều vắng mặt. Có lẽ, sau khi đã nhận lại tài sản, bà A. không muốn hầu tòa cho thêm rắc rối. Nhưng bà B. thì khác, tuy muốn bà A. trả lại nhà đất và số vàng mà bà đã “trót” thi hành, nhưng bà lại kiên quyết không làm đơn yêu cầu điều này. Đã thế bà cũng không đồng ý đình chỉ vụ án, mặc cho thẩm phán phân tích, giải thích pháp luật nhiều lần. Tòa cũng đề nghị ông bà hãy tham khảo luật sư, hoặc mời luật sư đi cùng tới tòa cho an tâm, nhưng ông bà không thực hiện.


Số là, luật quy định, đối với vụ án được xét xử sơ thẩm lại sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án và các vấn đề khác có liên quan.


Vụ án này có điều kiện để đình chỉ bởi bà A. đã vắng mặt nhiều lần. Và nếu tòa đình chỉ giải quyết vụ án này, theo quy định trên tòa cũng sẽ xem xét, giải quyết luôn phần tài sản mà bà B đã thi hành bởi bản án án đã bị hủy. Tuy nhiên, bà B. lại không hiểu hoặc sợ nếu đồng ý đình chỉ, lỡ đâu tòa không giải quyết nữa thì coi như mất số tài sản đã thi hành. Do đó, bà B. vừa không chịu đình chỉ vụ án vừa giữ nguyên yêu cầu đòi tài sản nhưng lại không chịu làm đơn yêu cầu.


Xét trên góc độ pháp lý, trong vụ án này, bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã bị hủy, nên phán quyết buộc bà B. phải trả lại nhà đất và vàng không còn giá trị. Nếu bà B. có văn bản đồng ý đình chỉ vụ án, đồng nghĩa tòa án phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án và các vấn đề liên quan khác, trong đó có việc trả nhà, vàng cho bà B. Bà B. cũng có thể kiện đòi tài sản, với điều kiện bà phải có văn bản thể hiện ý chí đó. Có lẽ, bà B. không nhận ra, bà đang khiến vụ án bị kéo dài nhiều năm, tài sản chưa biết khi nào mới được thu hồi chỉ vì quá thận trọng, không tin tưởng ai.


TAM THUẬT