Hầu tòa, nhưng bị cáo T.N.H (sinh năm 1988, không nơi ở nhất định) có vẻ không mấy lo lắng. Người dự càng thêm hồ nghi về sự hối hận của BC khi H. "thành khẩn" đổ lỗi cho đồng phạm đã bị kết án và khai nhận như thể bản thân chỉ "tình cờ" tham gia vụ trộm.
Hầu tòa, nhưng bị cáo (BC) T.N.H (sinh năm 1988, không nơi ở nhất định) có vẻ không mấy lo lắng. Người dự càng thêm hồ nghi về sự hối hận của BC khi H. “thành khẩn” đổ lỗi cho đồng phạm đã bị kết án và khai nhận như thể bản thân chỉ “tình cờ” tham gia vụ trộm.
H. khai, năm 2008, đang làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, H. được mời dự đám cưới ở quê. Không có tiền mừng, H. hỏi vay N.X.Q., là bạn học nghề 1 triệu đồng. Q. không có nhưng bảo H. ra Nha Trang rồi tính. Ra Nha Trang, H. được Q. chở đi ăn uống và mua cưa sắt, không rõ để làm gì. Tối đó, Q. chở H. tới khu chợ, một mình vào trong, sau đó mang ra một bao to, H. đoán là đồ trộm cắp. Hôm sau, Q. đưa cho H. một túi vàng bảo đem bán và về quê dự đám cưới.
H. thanh minh, sau khi về quê, bán vàng, H. đã đưa lại trọn vẹn 50 triệu đồng cho Q. H. cũng không đòi hỏi thêm khi được Q. cho lại 20 triệu đồng cùng 1 dây chuyền (trị giá 8 triệu đồng), dù biết rõ túi vàng Q. đưa nhỏ hơn nhiều bao đồ lấy đêm trước. BC cũng không biết Q. đã bị xét xử và đang chấp hành án. BC cũng không trốn tránh pháp luật, vì khi lấy vợ, về quê làm đăng ký, công an không thông báo gì. Do thu nhập không cao nên nay BC mới bồi thường 10 triệu đồng cho bị hại và BC sẵn sàng bồi thường thêm 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, lời khai trong hồ sơ và các tài liệu được công bố lại cho thấy H. đã tham gia vụ trộm khá nhiệt tình. Khi Q. cho H. biết đang nhắm sẵn một tiệm vàng trong chợ và rủ H. ra tay, H. đồng ý. Cả hai cùng đi mua cưa sắt, tới chợ, chờ tới khi vắng người, rồi H. kê vai cho Q. trèo lên, dỡ mái tôn chui vào tiệm vàng, còn H. quay ra cảnh giới. Nhận vàng Q. đưa, H. để mấy ngày sau mới bán, và chia nhỏ bán cho nhiều tiệm. H. cũng không thuyết phục được vì sao dùng tên gọi khác.
Khác với vẻ bình tĩnh của H., chị và vợ H. trông rất héo hắt, lo lắng. Chị gái H. phân trần, hai chị em mồ côi cha mẹ từ nhỏ; chị lập gia đình ở TP. Hồ Chí Minh. Chị không hề biết gì về vụ án bởi H. giấu. Vợ chồng H. lấy nhau có liên tiếp 2 con, đứa 3 tuổi, đứa chưa đầy 1 tuổi, sống cũng khó khăn; vợ chồng chị cũng vậy. Vì vậy, sau khi biết chuyện, chị phải tích cóp trích một phần lương hỗ trợ vợ con H. và gom 20 triệu đồng mang tới tòa thay em bồi thường cho người bị hại.
Theo chủ tiệm vàng, việc trộm cắp phải được tính trước, bởi tiệm vàng của nhà ông ở ngay đầu chợ, gần phòng bảo vệ, ban đêm luôn sáng đèn, bảo vệ qua lại thường xuyên. Nhà ông chỉ cách tiệm vàng chừng 1km. Sau này ông còn biết, trước đó, Q. đã thuê trọ gần nhà ông để tìm hiểu. Không may, hôm đó có giải chung kết bóng đá, bảo vệ đi xem bóng đá... BC Q. đã bị tòa tuyên án 12 năm tù, bồi thường 398 triệu đồng, nhưng đến nay, vợ chồng ông chưa nhận được đồng nào. H. cũng mới bồi thường 10 triệu đồng. 325 chỉ vàng bị mất trộm, khi đó trị giá hơn 408 triệu đồng, là cả cơ nghiệp của vợ chồng ông. Sau khi vụ trộm xảy ra, chẳng còn hàng hóa, ông phải nghỉ bán 2 tháng liền. Hai vợ chồng còn bị nhiều người mắng là gian, vờ bị mất trộm để trốn nợ! Để giữ chữ tín, vợ chồng ông phải bán nhà lấy vốn khôi phục kinh doanh và trả nợ. Đến giờ, vợ chồng ông vẫn ở nhà thuê…
Chỉ thiếu 1 triệu đồng mà H. dễ dàng tham gia vào vụ trộm vàng giá trị lớn, nhưng gần chục năm trời H. vẫn bàng quan, chẳng nghĩ đến gia đình bị hại liêu xiêu hay chị gái phải khốn đốn lo giúp em bồi thường. Không bàn chuyện ăn năn hối cải, ở góc độ xã hội, đó là sự vô tâm.
TAM THUẬT