Người dự phiên tòa xét xử vụ cướp viên đá giả và chiếc điện thoại đều lắc đầu tiếc cho sự mù quáng của bị cáo B.K.N (sinh năm - SN 1992, trú Vạn Phú, Vạn Ninh).
Người dự phiên tòa xét xử vụ cướp viên đá giả và chiếc điện thoại đều lắc đầu tiếc cho sự mù quáng của bị cáo B.K.N (sinh năm - SN 1992, trú Vạn Phú, Vạn Ninh).
Chuyện bị cáo H.N.D (SN 1987, trú Vạn Khánh, Vạn Ninh) bán nợ gốc trầm cho khách vốn chẳng liên quan gì đến N. Nhưng khi D. biết người khách này đang rao bán một viên đá trên mạng và nhờ N. giúp vờ gặp hỏi mua để D. có cơ hội đòi nợ, N. đã sốt sắng nhận lời. Cũng từ đó, N. thành đồng phạm với D.
N. rầu rĩ khai nhận, bị cáo đồng ý giúp D. vì D. là bạn thân. Khi người khách đến quán cà phê gặp N. theo hẹn, D. liền tới đòi nợ và cầm chùm chìa khóa xe đánh người này, gây thương tích. Thấy vậy, người đi cùng người khách đứng dậy, N. cũng đứng lên luôn, cầm ly thủy tinh trên bàn và nói “đứng dậy làm gì”. Bị cáo nói làm vậy để hù cho người đó sợ mà ngồi xuống, vì bị cáo suy luận người này đứng dậy là có ý bênh bạn. Khi người này ngồi, bị cáo cũng bỏ ly, để D. tự giải quyết việc đòi nợ, không ai khác xen vào.
Thấy rõ bạn mình đánh người, nhưng khi D. sai N. cầm viên đá và chiếc điện thoại của 2 người khách, N. cũng nhất nhất nghe lời. Thậm chí, để “giữ gìn” tài sản bạn gửi gắm, N. nhất quyết không bán lại cho bị cáo N.N.T (SN 1991, cùng trú Vạn Phú, Vạn Ninh), là người được N. rủ đến uống cà phê và vô tình chứng kiến một phần sự việc. Lý do N. không bán cho T. cũng vì D. là bạn thân, khi bạn đã gửi giữ thì phải bảo quản. Giá như N. vẫn kiên quyết giữ, có lẽ T. đã không vướng vòng lao lý. Nhưng nghe T. năn nỉ từ xin mua sang xin cho mượn điện thoại, N. đã cho T. mượn với suy nghĩ “mượn sẽ trả, không mất”.
T. cũng phạm tội một cách đáng tiếc. Chơi thân với N. từ nhỏ, có đồ gì cả hai cũng xài chung, T. đến quán cà phê cũng do N. mời. Vốn chẳng biết chuyện gì, T. còn bỏ ra ngoài khi thấy hai bên cãi cọ. Tuy nhiên, chỉ vì ham “đồ xịn”, không cam chịu xài điện thoại “cùi bắp”, nên tuy biết chiếc điện thoại N. giữ là tài sản do D. chiếm đoạt của người khách đến quán cà phê, T. vẫn nằn nì xin mua lại, rồi chuyển sang xin mượn đỡ. Chỉ vậy thôi cũng đủ để T. trở thành bị cáo với tội danh chứa chấp tài sản do phạm tội mà có!
Vị thẩm phán nghiêm khắc nói với N.: “Cho dù thân đến mấy, khi người ta bảo mình làm trái pháp luật cũng không thể sống chết làm theo”. Nghe vậy, N. cúi đầu: Bây giờ bị cáo đã nhận ra lỗi của mình. Đồng quan điểm với đại diện viện kiểm sát, vị luật sư cũng xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, đặc biệt là N. Vị này phân tích, tuy là đồng phạm tội cướp tài sản, nhưng bị cáo N. chỉ tham gia với vai trò thứ yếu, phạm tội giản đơn, không có tính chất vụ lợi, phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự. Cốt lõi vấn đề là bị cáo N. chỉ muốn giúp D., hoàn toàn không tư lợi và đã giao nộp hết tài sản chiếm dụng. Bị cáo D. cũng rầu rĩ: “Qua phân tích, bị cáo đã nhận ra tội của mình, sau này không bao giờ tái phạm. Còn N. đồng ý giúp bị cáo vì là chỗ anh em thân thiết ngoài đời. N. không hề yêu cầu bị cáo phải cho gì. Do tội của mình, giờ đây, bị cáo để bạn phải chịu án 7 năm tù, thực lòng bị cáo vô cùng ân hận, áy náy”.
Phiên tòa phúc thẩm kết thúc với phán quyết giữ nguyên mức án 7 năm 3 tháng tù đối với D., giảm 1 năm tù cho N. và chuyển án treo cho T. Tuy được giảm 1 năm tù, nhưng với việc phải chấp hành 6 năm tù về tội cướp tài sản, bị cáo N. đã phải trả giá đắt cho việc giúp bạn không đúng cách của mình, để trọn gánh nặng chăm lo đứa con hơn 1 tuổi và người mẹ bị tật nguyền cho người vợ. Đây là bài học nhớ đời với bị cáo và cả những ai không tỉnh táo khi giúp đỡ bạn bè trái pháp luật.
TAM THUẬT