Phiên tòa xét xử bị cáo N.Đ.T (sinh năm 1971, trú phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) kết thúc với cảm giác trĩu nặng trong lòng người dự. Không phải bởi bản án 7 năm tù dành cho người chồng vũ phu, mà bởi sự lạnh nhạt của những đứa con dành cho bị cáo.
Phiên tòa xét xử bị cáo N.Đ.T (sinh năm 1971, trú phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) kết thúc với cảm giác trĩu nặng trong lòng người dự. Không phải bởi bản án 7 năm tù dành cho người chồng vũ phu, mà bởi sự lạnh nhạt của những đứa con dành cho bị cáo.
Anh D. (con bị cáo T.) trầm giọng nói, lúc đó anh đang lái xe thì nhận được tin nhắn giục về gấp, ba đang đánh mẹ. Khi anh về tới nơi thì sự việc đã xong, chỉ nghe mọi người kể lại ba đánh mẹ dữ lắm, nếu anh chứng kiến cũng nóng mặt. Cậu của D. cho biết, nghe em dâu báo tin can không nổi, ông chạy tới thì thấy T. đang nằm trong phòng khách. Ông kình T. sao không lo làm ăn, tối ngày nhậu nhẹt say xỉn, hành hạ vợ, T. quay sang chửi, mạt sát gia đình nhà vợ và cầm dao rượt, khiến tất cả bỏ chạy. Bị đưa lên công an phường, T. còn bỏ đi, không hợp tác.
Vậy nhưng ban đầu, bị cáo vẫn không thừa nhận tội lỗi. Bị cáo nói lúc đó say quá, không nhớ gì hết, hôm sau nghe mọi người kể bị cáo đã nắm tóc, đập đầu vợ thì cứ thế khai lại với công an. T. bảo chỉ nhớ nhậu xong về nhà gọi cửa, chờ mãi vợ mới ra mở và nói gì đó nên bị cáo đấm vợ, sau đó chẳng nhớ gì hết.
Ra tòa với dáng vẻ thiểu não, u uất, vợ T. cho biết, hơn 12 giờ đêm, T. về gọi cửa. Chị vừa mở cửa thì đã bị cú đấm trúng mặt, té ngửa. T. tiếp tục vớ đòn gánh phang chị nhưng không trúng. Chị bỏ chạy thì bị T. rượt theo túm cổ áo giật lại khiến chị bật ngửa. Chị van xin chồng đừng đánh nữa nhưng T. vẫn nắm tóc đập đầu chị vào tường. Chị bỏ chạy lần nữa nhưng cũng bị T. túm được, tiếp tục đập đầu. Có mấy người xung quanh tới nhưng không dám can vì sợ bị T. đánh. Chị cũng phải hô em gái chạy đi kẻo bị đánh và gọi hộ em trai tới can. Nhưng cậu em tới cũng bị T. cầm dao rượt...
Nghe mẹ kể lại, con gái bị cáo thổn thức cho biết, cha đã nhiều lần đánh mẹ. Cô gay gắt phản đối, cho rằng T. không say đến mức không biết gì, bởi khi bị công an đưa về làm việc, T. vẫn còn lên được xe chạy đi. Gây ra thương tích 36% cho vợ nhưng đến nay T. mới bồi thường được 14 triệu đồng, lại là tiền anh em họ hàng đóng góp vào.
Vị hội thẩm nghiêm khắc phân tích: Nhiều nhân chứng cho biết, ở làng, người ta gọi bị cáo là thằng quỷ sứ, cứ rượu vào là đánh vợ. Với cuộc hôn nhân bạo lực kéo dài 26 năm này, có khi nào bị cáo nghĩ có thể đánh chết vợ? Nghe vậy, T. lại cúi đầu thanh minh: Do lúc đó bị cáo say quá, không biết gì hết, còn bình thường, bị cáo cũng không đến nỗi nào. Những lần trước uống say bị cáo chỉ nói xàm, la lối chuyện nhà. Bị cáo cũng biết vợ thương yêu mình.
Nghe vậy, tòa chất vấn: “Cuộc sống ấm êm đó nhiều người mong không có, sao bị cáo không biết trân trọng? Đánh vợ phải nằm viện nhưng cũng không tới thăm?”. T. lại cúi đầu: “Bị cáo có vào nhưng lần nào cũng bị mấy người nhà ngăn cản. Bị cáo điện thoại nhờ mẹ vợ, con gái nhưng mẹ, con gái không chịu giúp. Bây giờ, bị cáo mới nhận thức được mình sai”.
Con gái bị cáo lại bức xúc: “Đập mẹ gần chết rồi giờ mới nói”. Dường như nỗi bất hạnh mà người cha gây ra quá lớn khiến chị không thể tha thứ, thậm chí không hề nhìn cha khi trình tòa tờ giấy nêu rõ yêu cầu đòi bồi thường cho mẹ, tổng cộng 161 triệu đồng. Nhưng tận lúc đó, bị cáo cũng chỉ nói ra được mấy lời khó nghe: Nếu bị cáo không vô tù thì còn đi làm, đi vay tiền trả, nhưng vô tù rồi thì tiền đâu mà trả?
Có lẽ, T. chưa thực sự hối hận về hành động của mình mà chỉ hối tiếc về việc phải đi tù! Nhưng điều đáng buồn nhất không phải án phạt tù hay khoản bồi thường tuyên buộc cho bị cáo, mà là việc T. đã đánh mất đi tình nghĩa vợ chồng, cha con, đánh mất đi sự tôn trọng của con cái dành cho mình. Nói cách khác, bị cáo đã tự đánh mất hạnh phúc gia đình.
TAM THUẬT