04:04, 22/04/2017

Thương con?

Cả hai bị cáo đứng trước vành móng ngựa về tội cướp giật tài sản đều là vị thành niên. Nếu không có dị tật, vẻ mặt của N.D.T (sinh năm 2001) trông cũng non nớt như N.Đ.H.Đ (sinh năm 2002, cùng trú phường Xương Huân, TP. Nha Trang). ...

Cả hai bị cáo đứng trước vành móng ngựa về tội cướp giật tài sản đều là vị thành niên. Nếu không có dị tật, vẻ mặt của N.D.T (sinh năm 2001) trông cũng non nớt như N.Đ.H.Đ (sinh năm 2002, cùng trú phường Xương Huân, TP. Nha Trang). Đến ngày ra tòa, hai bị cáo vẫn trong vòng tay nuôi nấng của cha mẹ. Vụ án xảy ra, một phần cũng từ cách chăm sóc, quản lý của các bậc phụ huynh. 

 
Thanh minh về chuyện giật giỏ xách của một phụ nữ đang dừng mua trái cây bên lề đường, T. cho biết, các bị cáo chỉ bất chợt nảy sinh ý định phạm tội, thực hiện mà trong lòng rất lo sợ. Khi biết tin công an đang truy lùng người giật giỏ, cả hai đã vét phần tiền còn lại đem gửi người quen để hoàn trả người bị hại, sau đó bỏ trốn vào TP. Hồ Chí Minh.


Lý do khiến cả hai thực hiện hành vi phạm tội cũng đơn giản: cùng ghiền game! T. thừa nhận, lâu nay “ăn cha mẹ lo, ở nhà cha mẹ”, hàng tháng còn được cha cho 1,5 triệu đồng tiêu vặt. Nhưng số tiền đó không đủ cho T. chơi game thâu đêm. 10 triệu đồng vừa cướp giật được, 2 đứa cũng đã kịp “nướng” vào quán net 3 triệu đồng, chỉ còn 7 triệu đồng gom trả lại người bị hại. Đ. thì khai nhận do ham chơi, bị cha mẹ la nên bỏ nhà đi làm ở quán nhậu được 100.000 đồng/ngày, đêm ngủ lại quán. Thu nhập đó không khiến Đ. túng tiền sinh hoạt, nhưng Đ. vẫn đi cướp giật do “phải chơi game”!


Nhưng không chỉ là chuyện các bị cáo phạm tội vì nghiện game. Việc 2 bị cáo ghiền chơi điện tử còn có căn nguyên từ cách thương con, quản lý con chưa chặt chẽ của hai gia đình. Mẹ Đ. thở dài cho biết, bà đi lượm nhôm nhựa, cuộc sống khá vất vả nhưng bà vẫn cố lo lắng cái ăn, cái mặc cho con chu đáo, gia đình cũng có nhà ở. Nhưng do Đ. ham chơi, cha Đ. lại nghiện rượu, cha con suốt ngày kình cãi, Đ. bực bội bỏ nhà đi 3 năm nay. Bà đã tìm gặp, động viên con quay về nhưng Đ. không chịu sống chung với người cha như vậy. Cha Đ. thì càng tức tối, chửi mắng, rượu chè nhiều hơn, cuộc sống ngày càng ngột ngạt. Đến lúc bà ly hôn chồng thì thật tiếc là con bà đã phạm tội. Tất cả những gì bà làm đều vì thương con, nhưng Đ. không hiểu. Còn cha T. giãi bày, bình thường T. là đứa con rất có hiếu. T. bị tật bẩm sinh, rất yếu, hồi nhỏ ra vào TP. Hồ Chí Minh chữa bệnh suốt, làm một chút cũng kêu mệt, phải nằm. Vì thế, khi T. lớn, ông bà cũng không bắt T. làm việc gì, dù là việc nhà. Ông bà đã xin cho T. làm ở chỗ ông anh, nhưng chỉ làm cho vui, thực tế, hàng ngày T. cứ ngồi quán net đến trưa, ăn xong lại ra quán net ngồi tới chiều. T. yếu vậy nên chính ông cũng không ngờ con ông đủ sức giật phăng giỏ xách của người đi đường.


Nghe vậy, vị thẩm phán nghiêm khắc phân tích: Việc cha mẹ T. chiều chuộng mà không chú ý rèn luyện cho con cả về thể lực, ý chí chống đỡ với bệnh tật đã khiến con ông bà hư lúc nào không biết. Sau này, ông bà cần quản lý con nghiêm khắc hơn. Mẹ Đ. cũng cần lấy đây làm bài học để giáo dục con chu đáo hơn. Gia đình có chuyện bất ổn, tất cả phải cùng tích cực giải quyết chứ không phải để tình trạng cha say rượu chửi mắng, bản thân không sửa đổi lối sống và lo giáo dục con, mẹ chỉ biết nai lưng làm rồi năn nỉ khi con bỏ đi, cuối cùng cha mẹ ly hôn, gia đình xáo trộn hoàn toàn…


Nghe Đ. thú nhận muốn về làm việc để nuôi mẹ nhưng không chắc khi ra tù có làm được không, mẹ Đ. tỏ ra hoang mang: “Không biết sau này nó có sửa được tính không? Trăm sự nhờ tòa xét xử, phân tích để cháu hiểu ra, chứ tôi cũng không biết giáo dục nó thế nào vì tôi không biết chữ”!


Xem ra, nếu hai gia đình còn tiếp tục thương con như trước đây, con đường hoàn lương của 2 bị cáo vẫn còn mờ mịt.


TAM THUẬT