10:07, 11/07/2014

Đánh mất niềm tin

Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn kết thúc với việc Tòa tuyên bác kháng cáo. Hậm hực trở về Cam Ranh, người chồng hẳn chưa hiểu vì sao mình cố níu kéo mà vợ vẫn nhất quyết ly hôn.

Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn kết thúc với việc Tòa tuyên bác kháng cáo. Hậm hực trở về Cam Ranh, người chồng hẳn chưa hiểu vì sao mình cố níu kéo mà vợ vẫn nhất quyết ly hôn.


Năm 1992, hai vợ chồng kết hôn và có 2 con chung. Người vợ cho biết, chị đi trông trẻ, thu nhập phải tằn tiện mới đủ cho sinh hoạt gia đình. Trong khi đó, chồng chị chạy xe thồ, thu nhập ngày có ngày không nhưng lại ham cờ bạc, phung phí số tiền gia đình tích cóp được. Chị đã nhiều lần khuyên ngăn nhưng anh cứ hứa rồi lại thất hứa. Con lớn đột ngột qua đời càng khiến chị thêm mệt mỏi, trong khi chồng vẫn chứng nào tật ấy. Cuối năm 2012, chị nộp đơn xin ly hôn. Sau khi được hòa giải, phân tích, chồng lại tha thiết hứa thay đổi nên chị đã xin rút đơn. Chị chỉ có một điều kiện là anh không được tái diễn cờ bạc; nếu không, chị sẽ kiên quyết ly hôn. Đồng ý vậy, nhưng người chồng vẫn không dừng được ham mê đỏ đen...
Trong đơn kháng cáo cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, người chồng liên tục thanh minh đã sửa sai, hối lỗi, nhưng lại thừa nhận mình vẫn cờ bạc, phải thế 2 chiếc xe! Mặc kệ người vợ nói không còn thương mình, không muốn chung sống với mình, anh vẫn khăng khăng rằng còn thương vợ, đề nghị Tòa xem xét. Có những vụ án ly hôn theo yêu cầu của một bên, đôi khi chỉ vì người vợ tự ái, mâu thuẫn trong sinh hoạt nhưng không chịu bỏ qua, hoặc do bị bên kia thách đố nên lấy chuyện ly hôn ra để dọa nhau. Qua các bước hòa giải, bên bị xúc phạm vẫn khăng khăng “hết thương rồi” và kiên quyết đòi ly hôn. Chỉ đến khi phán quyết tuyên xong, họ mới sững sờ nuối tiếc và hiểu rằng hạnh phúc đã tuột khỏi tầm tay...


Nhưng vụ án này lại khác, người vợ đã suy nghĩ kỹ. Chị từng rút đơn, tạo điều kiện cho chồng khắc phục, sửa sai, còn nêu rõ giới hạn chịu đựng của chị, nhưng người chồng đã bỏ qua cơ hội đó. Chính điều này đã làm mất niềm tin nơi người vợ. Hơn 20 năm chung sống là bấy nhiêu thời gian chị kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi ở chồng. Nhưng hết lần này tới lần khác, anh hứa hẹn rồi lại vi phạm. Giọt nước đã tràn ly, đã quá ngưỡng chịu đựng của chị. Trước Tòa, anh cũng chẳng chứng minh được thiện chí xây dựng gia đình, ngoại trừ một lời hứa sửa sai mà chị đã nghe nhiều và thực tế anh chưa làm được. Cuộc hôn nhân khi chỉ một bên có ý thức xây dựng thật khó đạt được hạnh phúc. Điều này chỉ có thể trách anh đã đánh mất niềm tin trong chị.


TAM THUẬT