11:06, 27/06/2014

Được lòng dân

Phiên tòa xét xử nguyên 4 cán bộ huyện Khánh Sơn và 1 người dân liên quan đến tố cáo của một số phu trầm đã kết thúc, nhưng dư luận vẫn còn râm ran.

Phiên tòa xét xử nguyên 4 cán bộ huyện Khánh Sơn và 1 người dân liên quan đến tố cáo của một số phu trầm đã kết thúc, nhưng dư luận vẫn còn râm ran.


Suốt 3 ngày diễn ra phiên xử, trời Khánh Sơn oi nóng, đặc biệt vào buổi trưa. Vậy mà trụ sở Tòa án nhân dân huyện Khánh Sơn vẫn luôn đông người tới dự, ngày sau nhiều hơn ngày trước. Tòa đã phải cho dựng mái che, bố trí loa, ti vi và chỗ ngồi cho người dân ở ngoài sân. Một phụ nữ ở thị trấn Tô Hạp cho biết, bà đã về hưu, chẳng biết gì về mấy bị cáo, nhưng nghe người dân bàn tán, bà rất muốn theo dõi phiên tòa để biết vụ việc thực hư ra sao. Còn một người đàn ông nói, anh ở cách nơi xử gần chục km, nhưng vẫn cố gắng đến Tòa và đợi tới khi tuyên án để nghe xem các bị cáo khai thế nào, để biết phán quyết của Tòa có nghiêm khắc không. Vì sao nhiều người dân quan tâm đến vụ án này? Câu trả lời nằm chính trong giờ phút trước khi Tòa nghị án.


Nói lời cuối cùng trước khi Tòa nghị án, hầu hết bị cáo đều tỏ ra ân hận. Bị cáo Vũ Anh Trung (nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường Công an huyện Khánh Sơn) tha thiết: “Mong Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, khoan hồng cho bị cáo”. Đau đáu những lời như rút từ gan ruột, bị cáo Nguyễn Hồng Hà (nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Khánh Sơn) ân hận: “Tôi đã phải trả giá quá lớn cho hành vi phạm tội của mình, mất mát quá lớn về danh dự của bản thân, gia đình. Tôi xin anh em đồng nghiệp lấy trường hợp của tôi làm bài học, đừng làm điều dại dột. Bị cáo thấy mình sai phạm và có tội, nhưng đã thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, mong Tòa xem xét giảm tội cho bị cáo”. Còn bị cáo Trần Lệ Kiên (nguyên Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Khánh Sơn) chỉ cúi đầu, không nói được lời nào. Bị cáo duy nhất kêu oan từ đầu đến cuối là Nguyễn Thành Trung (nguyên Trưởng Công an huyện Khánh Sơn) khẳng định: “Bị cáo vẫn bảo lưu quan điểm là bị oan, mong Hội đồng xét xử xem xét lại cho bị cáo”.


Xin chưa bàn đến tội của các bị cáo, bởi không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Phán quyết của Tòa cấp sơ thẩm mới tuyên được hơn 1 tuần, trong khi bản án sơ thẩm chỉ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày tuyên án nếu không có kháng cáo, kháng nghị. Nhưng ở góc độ xã hội, việc người dân gác chuyện nhà, đến Tòa chăm chú theo dõi phiên xử suốt 3 ngày cho thấy, họ rất quan tâm việc mấy cán bộ huyện – giờ là bị cáo - nói năng ra sao trước Tòa, trước dân. Với bị cáo Thành Trung, người duy nhất luôn kêu oan, khi Tòa tuyên án 10 năm tù, tất cả người dân trong và ngoài phòng xử đều nhất loạt vỗ tay! Phải chăng tất cả người dân đều nhẫn tâm với bị cáo? Không phải, chỉ là họ đã hết niềm tin vào nguyên những cán bộ đó. Và tất cả cũng cho thấy chân lý giản dị: Làm cán bộ, trước hết phải được lòng dân. Muốn vậy, phải làm gương, để dân tin, dân yêu.


TAM THUẬT