03:07, 27/07/2014

Chơi dao, có ngày…

Phiên tòa cuối tháng 7 có sự lạ: Người hối hận nhất không phải là 2 bị cáo phạm tội Cưỡng đoạt tài sản, mà là người phụ nữ đã thuê 2 bị cáo này đòi nợ.

Phiên tòa cuối tháng 7 có sự lạ: Người hối hận nhất không phải là 2 bị cáo phạm tội Cưỡng đoạt tài sản, mà là người phụ nữ đã thuê 2 bị cáo này đòi nợ.


Sụt sùi trong nước mắt, người phụ nữ này cho biết, chị cho một người vay 110 triệu đồng, nhưng đòi mãi không được. Vì vậy, chị quyết định nhờ Thắng và Hiệp “ra tay”. 2 đối tượng này mới đòi được 10 triệu đồng nhưng lại giữ luôn, tiêu xài hết. Do mâu thuẫn trong việc trả tiền nên chị không nhờ 2 đối tượng này đi đòi nợ tiếp. Nhưng khi biết người nợ đã trả thêm cho chị 15 triệu đồng và hứa gần 1 tháng sau sẽ trả tiếp 50 triệu đồng nữa, cả hai đã đòi công 15 triệu đồng!


Khoảng 10 giờ ngày 19-2-2014, Thắng và Hiệp hẹn gặp chị này tại một quán cà phê ở Nha Trang. Tại đây, cả hai uy hiếp, đe dọa, thậm chí đánh chị này để đòi công. Do sợ hãi nên mặc dù không mang theo tiền, chị đã vay tạm 10 triệu đồng của một người quen đưa cho 2 đối tượng. “Thấy bở đào mãi”, chiều cùng ngày, Thắng lại tiếp tục gặp chị này uy hiếp, buộc chị phải đi vay, đưa nốt 5 triệu đồng nhưng chưa thành thì bị bắt quả tang.


Tại Tòa, Thắng quanh co cho rằng đây là thỏa thuận tự nguyện giữa hai bên, do chị này không thực hiện nên cả hai mới phải đòi. Nhưng kiểu đòi tiền công bằng cách tát tai và cầm ly nước hỏi: “Chẳng lẽ bây giờ tôi lại đập cái ly này lên đầu bà?” của 2 gã đàn ông mặt mũi bặm trợn liệu có thể khiến một phụ nữ không sợ? Thắng kể lể hai vợ chồng đã bỏ nhau, một mình làm thợ hồ, phải nuôi mẹ già và 2 con. Nhưng lý lẽ đó không được Tòa chấp nhận.


Ân hận nhất chính là người phụ nữ nọ. Chị bảo không hề quen biết cả hai, nhưng do đòi nợ mãi không được, bí quá mới tính chuyện thuê người đòi nợ. Cái tên lóng Bảy “đầu lâu” và Hiệp “sói”, lại thêm dáng vẻ khá giang hồ đã khiến chị chủ quan cho rằng những điều đó có thể khiến người nợ tiền sớm thu hồi trả nợ gấp. Và quả là người kia sợ thật, nên cố xoay xở để trả. Nhưng cũng chính lúc này, chị mới hiểu một khi “dây” vào nhóm người như Thắng, Hiệp, thì dù nợ có đòi được, mình cũng cầm về chẳng bao nhiêu...


Không riêng chị phụ nữ trên, trong xã hội khá phổ biến chuyện nợ khó đòi. Do đó, chuyện đòi nợ cũng dễ hiểu, nhưng đòi cách nào cho đúng pháp luật, để mình không bị tai họa lại rất cần sự thận trọng. Một khi dùng đến cách thức đòi nợ kiểu “xã hội đen”, chủ nợ cần hiểu họ đang vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý.


Điều mà nhiều người thường bỏ qua trong giao dịch dân sự, đầu tiên là quá tin tưởng nhau nên không lập hợp đồng hợp pháp. Sau đó, khi không đòi nợ được, họ còn có nhiều cách lựa chọn, như gửi đơn khởi kiện đến Tòa án, nếu có căn cứ chứng minh. Chủ nợ cũng có thể lấy lại khoản vay thông qua việc tố giác tội phạm nếu có căn cứ người vay gian dối, lạm dụng tín nhiệm để vay, hoặc vay xong tẩu tán tài sản, bỏ trốn... nhằm chiếm đoạt hoặc sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng thanh toán, có tài sản nhưng cố tình không trả nợ...


Thắng và Hiệp đều đã lãnh án (Thắng 1 năm 6 tháng tù; Hiệp 8 tháng tù), nhưng với người phụ nữ thuê đòi nợ, chắc chị sẽ nhớ mãi bài học “chơi dao có ngày đứt tay”.


TAM THUẬT