11:11, 23/11/2013

Lạnh lùng!

Phiên tòa xét xử hai bị cáo ở Cam Ranh giết lái xe taxi để cướp tiền vừa diễn ra cho thấy cách suy nghĩ nông nổi, lối sống vô trách nhiệm của một số thanh thiếu niên.

Phiên tòa xét xử hai bị cáo ở Cam Ranh giết lái xe taxi để cướp tiền vừa diễn ra cho thấy cách suy nghĩ nông nổi, lối sống vô trách nhiệm của một số thanh thiếu niên.


Tối đó, sau khi rời quán game, Trọng rủ Hồi đi cướp tài sản lấy tiền tiêu xài. Cả hai mua 2 con dao rồi gọi điện thoại yêu cầu taxi tới đón. Lên xe, Trọng vờ yêu cầu lái xe chở đi tìm nhà người quen ở khu vực phía Bắc TP. Cam Ranh. Khi xe chạy tới gần khu vực đồi núi vắng vẻ và dừng lại, lợi dụng lái xe sơ hở, cả hai đã đâm nhiều nhát vào anh này. Lái xe cố thoát được khỏi xe và gục xuống chết cách xe khoảng 100m. Sợ bị phát hiện, Trọng và Hồi không dám tới lục túi nạn nhân mà bỏ trốn, hôm sau thì bị Công an phát hiện, bắt giữ.


Lời khai trước Tòa của hai bị cáo cho thấy lối suy nghĩ coi rẻ tính mạng người khác. Cha Trọng đã khóc khi cho biết vợ chồng ông tuy khó khăn nhưng vẫn cố gắng làm lụng để lo cho con ăn học, tiếc là Trọng lại bỏ học. Trọng cũng thừa nhận đi cướp là do muốn có tiền tiêu xài, chơi game, chứ thực ra cha mẹ vẫn lo đầy đủ chuyện ăn uống, sinh hoạt. Còn Hồi, chiều đó lẽ ra đi học, nhưng nghe Trọng rủ vào TP. Hồ Chí Minh làm công, được trả 5 triệu đồng/tháng, Hồi liền bỏ học đi luôn. Và Hồi cũng không thắc mắc gì mà gật đầu ngay khi Trọng rủ đi cướp tài sản. Cha Hồi cho biết gia đình lo cho con khá đầy đủ.


Chưa từng phạm tội, cũng không có tiền sự nhưng lần đầu ra tay, cả hai bị cáo đều thực hiện rất quyết liệt, tàn nhẫn. Ý định đi cướp nảy sinh rất nhanh, rồi được thực hiện ngay. Trọng và Hồi cũng bình tĩnh đi mua dao, gọi taxi, phân công người nào cầm loại dao gì, người nào ngồi ghế nào để dễ thực hiện việc khống chế hay lục soát, còn dàn cảnh đi tìm nhà người quen, vờ điện thoại hỏi đường rồi chuyển máy cho lái xe để gây tâm lý chủ quan cho người lái... Đáng nói hơn, từ lúc lên xe đến lúc ra tay xong, cả hai chưa từng một lần đe dọa, hoặc yêu cầu lái xe phải giao tiền cho mình mà dàn cảnh xong là đâm, chém nạn nhân tới chết, để từ đó dễ lấy tiền. Lý giải việc chỉ được phân công lục soát túi mà vẫn chém lái xe, Hồi khai, thấy lái xe bung cửa, do sợ lái xe thoát mất nên mới chém. Hôm sau, Hồi còn lên Facebook khoe “chiến tích”!?


Đáng thương cho người tài xế hơn 30 tuổi mới vào hãng taxi được hơn 1 năm sau khi lăn lộn nhiều nghề. Người mẹ của anh khóc ngất trước Tòa: “Con tôi mất cha năm mới 6 tuổi. 3 anh em nhờ cậu, cô, bác chăm sóc, nuôi dạy, nhưng đều ngoan ngoãn, thành người lương thiện, vậy mà...”. Cô của người tài xế cũng cho biết, mới đây, nhờ gia đình bên vợ hỗ trợ, vợ chồng anh đã xây được căn nhà mới trên đất nhà nội cho. Nhưng mới “an cư” được vài tháng thì anh xảy ra chuyện, để lại người vợ chưa có việc làm và đứa con trai hơn 2 tuổi. Vị Hội thẩm nhân dân nói: “Người lái xe này đang làm ăn lương thiện, các bị cáo không thù oán, cũng không nói tiếng nào đòi tiền mà lập tức đâm, chém người ta tới chết, chứng tỏ các bị cáo rất tàn nhẫn, coi thường tính mạng người khác”.


Dù nói thế nào, chuyện đau lòng cũng đã xảy ra. Pháp luật có chính sách dành cho người phạm tội chưa thành niên, chưa trưởng thành về tâm sinh lý, nhận thức hạn chế, nhưng nếu sự manh động, tàn nhẫn của hai bị cáo được lý giải do chưa thành niên, thì sự lạnh lùng của người thân các bị cáo thật khó biện minh. Trước Tòa, họ lý giải việc không tới thăm nom, thắp nén nhang cho người bị hại là do... sợ, do khó khăn. Khi Tòa nghỉ nghị án, họ lại tranh thủ với sang nói chuyện với bị cáo và cùng... cười khá thoải mái. Có thể, câu chuyện của họ không liên quan gì đến phiên xử, nhưng nhìn vào không thể không thấy phản cảm. Luật pháp có thể giảm một phần hình phạt cho hai bị cáo (Trọng lĩnh án 18 năm, Hồi 12 năm), nhưng sự giáo dục, tuyên truyền cho đối tượng chưa thành niên và ngay cả người trưởng thành đều phải làm riết róng hơn. Có như vậy, mới không có những suy nghĩ nông cạn, vin vào lý do độ tuổi để dễ dàng phạm tội.


TAM THUẬT