12:08, 10/08/2022

Phân định rõ về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

Thời gian gần đây hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp. Tuy nhiên quá trình xử lý tin báo về tội phạm này, cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền nên đã kéo dài thời hạn giải quyết...

Thời gian gần đây hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp. Tuy nhiên quá trình xử lý tin báo về tội phạm này, cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền nên đã kéo dài thời hạn giải quyết...


Để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trên, ngày 20-7 liên ngành Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông báo số 14 hướng dẫn công tác phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại Điều 290 (Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản) và Điều 174 (Lừa đảo chiếm đoạt tài sản)  Bộ luật Hình sự.


Phân định trách nhiệm rõ ràng


Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm tiếp nhận, thụ lý đầy đủ, kịp thời mọi tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại Điều 290 và Điều 174 BLHS. Quá trình tiếp nhận, thụ lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm phải thực hiện đúng các quy định pháp luật, trên các nguyên tắc sau: Trường hợp có căn cứ xác định “nơi xảy ra tội phạm”, “nơi phát hiện tội phạm, nơi người thực hiện hành vi vi phạm cư trú hoặc bị bắt” thì đơn vị, Cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý, giải quyết theo đúng thẩm quyền, quy định tại Điều 145 và Điều 163  Bộ luật Tố tụng hình sự.


Trường hợp “tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm”, chưa đủ căn cứ xác định “nơi phát hiện tội phạm, nơi người thực hiện hành vi phạm tội cư trú hoặc bị bắt” thì Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra nào đã tiếp nhận phải có trách nhiệm thụ lý và thực hiện ngay việc kiểm tra, xác minh giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Trường hợp nhiều cơ quan cùng tiếp nhận một nội dung tin báo, tố giác về tội phạm thì các cơ quan xác minh, phối hợp trao đổi, thông tin, tài liệu và giao cho cơ quan tiếp nhận đầu tiên thụ lý, giải quyết. Khi có căn cứ xác định thẩm quyền giải quyết thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; khi chưa có căn cứ xác định thẩm quyền giải quyết thì tiếp tục giải quyết đến khi kết thúc việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của pháp luật.


Một số ví dụ cụ thể:


Ví dụ 1:Bị hại mở tài khoản, đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại địa phương A (địa phương trong văn bản này được hiểu là cấp tỉnh hoặc cấp huyện) và đến địa phương B sử dụng dịch vụ điện tử hoặc trực tiếp đến các điểm giao dịch của ngân hàng để chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng chỉ định mở tại địa phương C. Sau đó, bị hại phát hiện bị chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đến Cơ quan Cảnh sát điều tra địa phương D để trình báo thì Cơ quan Cảnh sát điều tra địa phương D phải thực hiện ngay việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm.


Ví dụ 2: Bị hại mở tài khoản, đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại địa phương A, đến các địa phương B, C, D và sử dụng dịch vụ điện tử hoặc trực tiếp đến các điểm giao dịch của ngân hàng để chuyển tiền vào tài khoản của đối lượng chỉ định mở tại địa phương E. Sau đó, bị hại phát hiện bị chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên đến Cơ quan Cảnh sát điều tra địa phương H để trình báo, thì Cơ quan Cảnh sát điều tra địa phương H phải thực hiện ngay việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm.


Ví dụ 3: Bị hại mở tài khoản, đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử ở địa phương A tại Việt Nam. Trong thời gian ở nước ngoài (học tập, du lịch, công tác...), bị hại đã sử dụng dịch vụ điện tử của nước ngoài để chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng chỉ định mở tại các địa phương B, C, D ở Việt Nam. Khi về Việt Nam, bị hại mới phát hiện bi chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đến Cơ quan Cảnh sát điều tra địa phương E để trình báo, thì Cơ quan Cảnh sát điều tra địa phương E phải thực hiện ngay việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm.

Ví dụ 4: Bị hại cư trú tại huyện A, mở tài khoản, đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại huyện B và đến huyện C sử dụng dịch vụ điện tử chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng chỉ định mở tại huyện D (A, B, C, D cùng tỉnh E). Sau đó, bị hại phát hiện bị chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh E để trình báo thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh E phải thực hiện ngay việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm.


ĐẠI HƯNG