Những người thừa kế của người bị giam oan trong vụ án giết người 41 năm trước vừa được Tòa án nhân dân tỉnh tuyên chấp nhận một phần yêu cầu, buộc bị đơn phải bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng.
Những người thừa kế của người bị giam oan trong vụ án giết người 41 năm trước vừa được Tòa án nhân dân tỉnh tuyên chấp nhận một phần yêu cầu, buộc bị đơn phải bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng.
Yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh bồi thường
Như Báo Khánh Hòa từng thông tin, 41 năm trước, ngày 18-10-1981, sau khi họp tại nhà ông Huỳnh Chiếm Phái (sinh năm 1931, trú xã Ninh Giang, nay là phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa), ông N. - Chủ tịch UBND xã Ninh Giang khi ấy bị bắn chết trên đường về. Tháng 12-1981, ông Phái và ông Trần Bê (sinh năm 1957) bị tạm giam vì tình nghi giết người. Quá trình giam giữ, ông Phái bị bệnh nặng nên năm 1983 được về nhà. Ngày 25-9-1984, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Phú Khánh quyết định đình chỉ điều tra về tội giết người đối với ông Phái và ông Bê vì không đủ căn cứ buộc tội. Ông Bê được trả tự do cùng ngày.
Từ năm 1990, ông Bê liên tục yêu cầu phục hồi danh dự và bồi thường oan sai, đến năm 2019 mới được phục hồi danh dự. Ông Phái khiếu nại và khởi kiện năm 2009, đến năm 2015 thì chết. Tháng 8-2019, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã xin lỗi công khai người thân của ông Phái bằng cách đăng trên Báo Khánh Hòa; niêm yết tại UBND phường Ninh Giang, sau đó thụ lý yêu cầu giải quyết bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
Sau nhiều lần thương lượng bất thành với VKSND tỉnh, ông Huỳnh Chiếm Hoạnh, đại diện theo ủy quyền của những người thừa kế của ông Phái, đã khởi kiện yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trong đó, ông Hoạnh yêu cầu bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất từ ngày ông Phái bị tạm giam (17-12-1981) đến ngày nhận bản phô tô quyết định đình chỉ điều tra (10-12-2009); thiệt hại về vật chất do sức khỏe của ông Phái bị xâm phạm; thiệt hại về tinh thần…; tổng cộng 4.409.045.272 đồng.
Tòa chấp nhận một phần yêu cầu
Ngày 10-3, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án trên. Tại phiên tòa, đại diện VKSND tỉnh đề nghị tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. VKSND tỉnh xác định, ông Phái chỉ bị giam từ ngày 17-12-1981 đến 10-2-1983, nhưng vẫn đồng ý bồi thường phần thu nhập bị mất từ khi ông bị tạm giam đến khi có quyết định đình chỉ điều tra (ngày 25-9-1984) là 133.506.153 đồng; bồi thường thiệt hại về tinh thần với thời gian tương tự, số tiền 142.227.272 đồng; không đồng ý bồi thường thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm do chưa đủ căn cứ. Hai bên cũng thống nhất bồi thường một số chi phí khác là 118.530.000 đồng. Tổng cộng, VKSND tỉnh chỉ đồng ý bồi thường 474.452.515 đồng.
Hội đồng xét xử nhận định, đối với khoản thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, ông Phái bị tạm giam từ ngày 17-12-1981 đến 10-2-1983 nhưng VKSND tỉnh vẫn tính bồi thường đến khi có quyết định đình chỉ điều tra (ngày 25-9-1984) là có lợi cho ông Phái. Ông Hoạnh yêu cầu bồi thường đến ngày 10-12-2009 là không phù hợp với quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và văn bản liên quan. Tòa chấp nhận đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần từ sau ngày 10-2-1983 đến 10-12-2009 (ngày ông Phái nhận được bản phô tô quyết định đình chỉ điều tra của VKSND tỉnh Phú Khánh) với số tiền 1.285.463.000 đồng. Tòa cũng ghi nhận thỏa thuận của hai bên về việc bồi thường các chi phí khác với số tiền 118.530.000 đồng. Tòa không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm do không có căn cứ.
Hội đồng xét xử đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc VKSND tỉnh bồi thường cho những người thừa kế của ông Phái mà ông Hoạnh đại diện tổng cộng 1.659.726.425 đồng.
N.VŨ