Để bảo đảm quyền lợi của người bị thiệt hại do hoạt động của cơ quan tổ chức Nhà nước gây ra, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã có một số điểm mới rất quan trọng và một trong các quy định ấy sẽ được áp dụng để giải quyết một trường hợp khá đặc biệt ở tỉnh.
Để bảo đảm quyền lợi của người bị thiệt hại do hoạt động của cơ quan tổ chức Nhà nước gây ra, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Luật TNBTCNN 2017) đã có một số điểm mới rất quan trọng và một trong các quy định ấy sẽ được áp dụng để giải quyết một trường hợp khá đặc biệt ở tỉnh.
Từ 1 vụ án cụ thể
Sắp đến, Tòa án nhân dân tỉnh sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện “Yêu cầu bồi thường theo Luật TNBTNBTC của Nhà nước” của ông Huỳnh Chiếm Hoạnh (con ông Huỳnh Chiếm Phái (đã chết) đối với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Cách đây 40 năm, ông Huỳnh Chiếm Phái và ông Trần Bê bị bắt tạm giam để điều tra về tội “Giết người” xảy ra tại Ninh Giang - Ninh Hòa. Sau khi được tạm tha vì không đủ cơ sở buộc tội, ông Huỳnh Chiếm Phái đã làm đơn kêu oan nhưng trong một thời gian dài ông vẫn không nhận được quyết định đình chỉ điều tra (15 năm - từ năm 1984 đến 2009) của VKSND tỉnh Phú Khánh. Điều này dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài.
Theo Luật TNBTCNN 2009, thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Trường hợp do trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng mà không thể khởi kiện đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu khởi kiện. Quy định này đã hạn chế quyền của người bị oan trong tố tụng hình sự (TTHS) vì nếu họ không biết, không nhận được quyết định, văn bản làm căn cứ yêu cầu giải quyết bồi thường thì vẫn bị tính vào thời hiệu. Trong khi đó, trách nhiệm giao quyết định, văn bản tố tụng thuộc về cơ quan, người có thẩm quyền trong TTHS. Đây chính là điểm mấu chốt khiến vụ việc trên bị kéo dài.
Điểm mới của Luật 2017
Luật TNBTCNN 2017 quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Đối với trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự thì không áp dụng thời hiệu vì đây là quyền nhân thân. Chính vụ ông Huỳnh Chiếm Phái và ông Trần Bê đã được áp dụng Luật TNBTCNN 2017 để giải quyết về vấn đề này. Cụ thể, tháng 8-2019, VKSND tỉnh đã đăng lời xin lỗi đối với ông Huỳnh Chiếm Phái trên Báo Khánh Hòa, cải chính và niêm yết lời xin lỗi trên tại trụ sở UBND phường Ninh Giang. Đến ngày 5-9-2019, lãnh đạo VKSND và Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã công khai xin lỗi, phục hồi danh dự cho ông Trần Bê tại UBND phường Ninh Giang.
Ngoài thay đổi quan trọng trên, Luật TNBTNN năm 2017 cũng đã điều chỉnh sửa thuật ngữ “Văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ” của Luật TNBTCNN 2009 thành “văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường”, đồng thời giải thích rõ hơn về loại văn bản này. Theo đó, văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường là văn bản đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Trong đó, xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động TTHS xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường.
Ngoài ra, Luật TNBTNN năm 2017 đã bổ sung phạm vi bồi thường của Nhà nước đối trong TTHS. Đó là trường hợp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (khoản 1 Điều 18); Người bị bắt mà có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động TTHS quyết định trả tự do, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Luật còn thay thế quy định “không thực hiện hành vi phạm tội” bằng “không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”. Theo đó, các trường hợp bị khởi tố, truy tố, xét xử thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành phạt tù mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định thuộc một trong các trường hợp không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Thời hiệu yêu cầu bồi thường tính từ ngày bị khởi tố oan nhận được quyết định tố tụng này.
Những điểm mới trên của Luật TNBTCNN 2017 là bước cụ thể hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước, góp phần đảm bảo quyền con người, quyền tự do, dân chủ theo Hiến pháp 2013 và các đạo luật tư pháp.
Hồng Hà