Ngày 21-11, tại Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án "ăn chặn" trầm kỳ xảy ra tại huyện Khánh Sơn năm 2012 do có kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1968, nguyên Trưởng Công an huyện Khánh Sơn, nguyên Phó Giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh). Đây là 1 trong 5 bị cáo liên quan đến vụ án trên.
Ngày 21-11, tại Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “ăn chặn” trầm kỳ xảy ra tại huyện Khánh Sơn năm 2012 do có kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1968, nguyên Trưởng Công an huyện Khánh Sơn, nguyên Phó Giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh). Đây là 1 trong 5 bị cáo liên quan đến vụ án trên. Tháng 8-2015, bị cáo Thành Trung đã bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 9 năm tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; 4 bị cáo còn lại bị kết án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và không kháng cáo, gồm: Nguyễn Hồng Hà (nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Khánh Sơn), Vũ Anh Trung (nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường Công an huyện Khánh Sơn) cùng mức 5 năm 6 tháng tù, Trần Lệ Kiên (nguyên Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự - hỗ trợ tư pháp Công an huyện Khánh Sơn) 5 năm tù, Luân Văn Nam (trú Tô Hạp, Khánh Sơn) 2 năm 6 tháng tù.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Thành Trung tiếp tục kêu oan, cho rằng suốt tối 27-9-2012, bị cáo nhậu tại một quán nhậu ở Cam Ranh, cùng một nhóm từ Khánh Sơn xuống nên không thể có mặt tại quán cà phê ở Khánh Sơn và đưa ra tỷ lệ ăn chia khi bán được trầm kỳ.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử phúc thẩm đã bác bỏ bằng chứng ngoại phạm này. Tòa cho rằng, lời khai của các nhân chứng tuy xác định bị cáo Thành Trung có mặt tối 27-9-2012 tại một quán nhậu ở TP. Cam Ranh, nhưng không thống nhất về thời điểm bị cáo có mặt và xác định bị cáo tới muộn, khi cuộc nhậu đã gần tàn, khoảng 22 giờ. Lời khai này phù hợp với lời khai của các bị cáo khác về việc bị cáo Thành Trung có mặt tại quán cà phê ở Khánh Sơn từ khoảng 18 đến 20 giờ 30 để thỏa thuận việc mua bán và tỷ lệ ăn chia khi bán được trầm kỳ. Khoảng thời gian từ 20 giờ 30 đến 22 giờ đủ để bị cáo Thành Trung đi từ Khánh Sơn xuống quán nhậu ở Cam Ranh.
Hội đồng xét xử cũng cho rằng, đủ cơ sở xác định vào tối 26-9-2012, Anh Trung, Hà, Kiên và Nam đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, làm trái với quy định của pháp luật trong việc thu giữ 2 đoạn trầm kỳ mà người dân khai thác trái phép, không lập biên bản thu giữ, không giao nộp vật chứng cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; xác định giá trị tài sản bị thất thoát 4,35 tỷ đồng như bản án sơ thẩm đã tuyên. Hành vi khai thác trái phép 2 cục trầm kỳ phải bị xử phạt hành chính. Tổ liên ngành được người dân giao giữ hộ, nên không chiếm đoạt, do đó không phải tài sản có được do phạm tội mà có. Hành vi của bị cáo Thành Trung không đủ dấu hiệu cấu thành tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng có dấu hiệu đồng phạm giúp sức cho 4 bị cáo trên. Do tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nặng hơn nên cấp phúc thẩm không thể sửa mà phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.
N.V