22:33, 18/04/2023

Vang mãi những chiến công 

XUÂN THÀNH

Tháng 4-1953, tại chiến trường Khánh Hòa, Tiểu đoàn 59 (thuộc Trung đoàn 803) đã đánh chiếm, tiêu diệt hệ thống tháp canh, đồn bốt của thực dân Pháp, tham gia đánh trận Vườn Gòn - Đá Bàn bảo vệ vững chắc căn cứ Đá Bàn (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) - nơi đóng chân của cơ quan đầu não kháng chiến của Khánh Hòa. Trong số những chiến công của Tiểu đoàn 59 ở xứ Trầm Hương, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn đã được ghi vào sử sách, là trang sử hào hùng còn vang mãi đến hôm nay.

Liên tiếp diệt tháp canh của địch

Một ngày đầu tháng 4-2023, tôi về lại xã Ninh Sơn, nơi có căn cứ kháng chiến Đá Bàn nổi tiếng một thời. Vùng đất gian khó năm xưa nay đã đổi thay rất nhiều. Chứng tích một thời oai hùng có chăng chỉ còn lại ở tấm bia di tích lịch sử căn cứ cách mạng Đá Bàn và trong ký ức của lớp người già. Cách đây 70 năm, mùa xuân năm 1953, sau chiến thắng của quân chủ lực Liên khu V tại An Khê, Tiểu đoàn 59 do đồng chí Nguyễn Lựu chỉ huy được điều về hoạt động tại Khánh Hòa để hỗ trợ bộ đội địa phương bảo vệ căn cứ Đá Bàn (nơi đặt cơ quan đầu não của Tỉnh ủy), phá thế kìm kẹp của địch, mở rộng vùng tự do.

Tiểu đoàn 59 là đơn vị chủ lực cơ động, được thành lập tháng 6-1950 tại Tam Kỳ - Quảng Nam để thực hiện phương châm do Bộ Tổng tham mưu đề ra: “Đại đội độc lập, Tiểu đoàn tập trung”, cơ động chiến đấu tại chiến trường miền Trung và Tây Nguyên. Tiểu đoàn 59 được huấn luyện lối đánh đặc công để có thể thọc sâu vào sau lưng địch, tiêu diệt những mục tiêu quân sự được xây dựng kiên cố, có trang bị hỏa lực mạnh.

Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn 59 là đồng chí Nguyễn Lựu (1913-2005), nguyên chiến sĩ Đội Du kích Ba Tơ (Quảng Ngãi). Ông nổi tiếng là người mưu trí, dũng cảm, rèn quân nghiêm khắc nhưng vẫn giàu tình nghĩa, yêu thương đồng chí đồng đội. Trong chiến đấu vào sinh ra tử ông luôn đi đầu, trong sinh hoạt hàng ngày ông vô cùng giản dị. Nhờ sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu Chính trị viên Phạm Đạo, Tiểu đoàn phó Trần Ngọc Anh, Tiểu đoàn 59 đã lập được nhiều chiến công vang dội ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chân dung Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu
Chân dung Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu. 

Vừa đặt chân đến Khánh Hòa chưa lâu, Tiểu đoàn 59 đã phối hợp với bộ đội địa phương tấn công diệt các tháp canh Nhĩ Sự, Tân Phong (nay thuộc xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa) ngay trong đêm 3-4-1953. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng giành thắng lợi nên quân và dân ta rất vui mừng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, sự mưu lược và dũng cảm của lực lượng vũ trang địa phương và Tiểu đoàn 59. Nhờ đó, đã tạo nên phong trào đấu tranh chống chính sách dồn dân, tập trung lúa gạo của địch lan nhanh trên toàn địa bàn Ninh Hòa. Trong cuốn sách Tiểu đoàn 59 - Anh hùng của lòng dân, ông Lê Vĩnh Đề (nguyên Trợ lý tác chiến, Tiểu đoàn 59) cho biết: Ở Ninh Hòa thời ấy, giặc bắt dân ngủ ở đồn, bốt, lô cốt để làm lá chắn nên bộ đội gặp nhiều khó khăn khi tấn công mục tiêu. Nhưng sau đó, đợi đêm xuống, người dân đã ám hiệu cho trinh sát của ta vào đánh, phá tan đồn, bốt, tháp canh của giặc. Sau khi đánh xong, cán bộ chỉ huy vào tuyên truyền cho đồng bào, cả lính hương dõng về đường lối kháng chiến của Cụ Hồ, dặn dò đồng bào không nộp lúa, không đi lính cho Pháp.

Tiếp đó, Tiểu đoàn 59 diệt tháp canh Cầu Lớn (xã Ninh Thọ) nằm cạnh đường Ninh Hòa đi Hòn Khói. Trong trận đánh ấy, súng SKZ (súng không giật) của ta đã bắn xuyên tháp canh khiến địch rất hoang mang, lo sợ. Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh, sau khi các tháp Nhĩ Sự, Tân Phong, Cầu Lớn bị diệt, nhân dân nổi dậy đấu tranh không chịu ngủ đồn, đòi mang lúa gạo, tài sản về nhà. Hệ thống kìm kẹp như các tháp canh, đồn, bốt nhỏ lẻ, binh lính hoang mang không dám ngủ đêm trong đồn, lực lượng của địch ở tại địa phương cũng không còn đủ sức đàn áp, ngăn chặn nhân dân như trước. “Nhân dân một lòng tin tưởng, khí thế cách mạng lên cao, du kích được tiếp sức, tiếp lực, lớn mạnh dần lại. Nhân dân Khánh Hòa vì lẽ đó rất quý bộ đội chủ lực, họ đã cho chúng tôi rất nhiều lương thực, cả vũ khí họ lấy được của giặc cũng đem tặng bộ đội” - ông Đề cho biết.

Đầu tháng 5-1953, theo đề nghị của Tỉnh ủy, Tiểu đoàn 59 cử lực lượng vào phía Nam Khánh Hòa (huyện Diên Khánh) hoạt động hỗ trợ địa phương phát triển cách đánh du kích. Theo Đại tá Trương Công Vọng (sách Tiểu đoàn 59 - Anh hùng của lòng dân), người trực tiếp dẫn quân đi đánh các tháp canh ở Diên Khánh, thời điểm này, trên thực tế tại các xã ở Diên Khánh, lực lượng của ta còn mỏng, nhất là vũ trang địa phương tương đối yếu, bọn địch ít khi bị đánh nên chúng thường chủ quan, xem thường, ít cảnh giác với lực lượng nhỏ nên quân ta đã vận dụng lối đánh đặc công. Chỉ trong 1 đêm, lực lượng của Tiểu đoàn 59 đã phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt tháp canh: Phú Nẫm (xã Diên Sơn), Cầu Thành (thị trấn Diên Khánh), bức hàng tháp canh Phú Cốc (xã Diên Lâm), tiêu diệt và bắt sống toàn bộ tề, ngụy. 3 hôm sau, ta diệt tiếp 2 tháp canh: Am Chúa (xã Diên Điền) và Đảnh Thạnh (xã Diên Tân). Cùng lúc ấy ở Ninh Hòa, phong trào diệt tháp canh lên mạnh. Đêm 15-5-1953, Tiểu đoàn 59 phối hợp với Đại đội 900 tiêu diệt 2 tháp canh Mỹ Lệ (xã Ninh Đa) và Hội Bình (xã Ninh Phú). Chỉ trong vòng 2 tháng, Tiểu đoàn 59 đã diệt 10 tháp canh, tiêu diệt hàng trăm tên địch và bắt sống nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí, làm cho bọn địch khiếp sợ, ăn không ngon, ngủ không yên.

Cựu binh Tiểu đoàn 59 họp mặt trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn 59
Cựu binh Tiểu đoàn 59 họp mặt trong lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn 59.

Vang mãi trận đánh Vườn Gòn

Xen giữa 2 đợt diệt tháp canh ở Ninh Hòa và Diên Khánh, Tiểu đoàn 59 đã lập chiến công vang dội với trận đánh bảo vệ căn cứ Đá Bàn ở Vườn Gòn. Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh, giữa tháng 4-1953, Tiểu đoàn 59 nhận được tin trinh sát báo về: Giặc sẽ dốc toàn lực đánh vào Đá Bàn. Ngày 18-4-1953, địch huy động 4.000 quân, trong đó có lực lượng lính Âu - Phi thiện do Thiếu tướng Le Blance người Pháp chỉ huy, có máy bay và pháo binh yểm trợ, chia làm 3 hướng tấn công vào căn cứ Đá Bàn. Nắm được ý định của địch, ta đã chủ động lên kế hoạch chống càn. Tại căn cứ chiến khu, ta sử dụng 1 lực lượng nhỏ ngăn chặn địch, lực lượng còn lại vòng ra ngoài phục kích tại khu vực từ Sở “Thằng Lô” (đồn điền cũ của người Pháp) đến Vườn Gòn làm điểm quyết chiến. Bên trong căn cứ Đá Bàn, theo kế hoạch, ta đánh địch từ xa, dùng hầm chông, mìn gài sẵn gây cho địch nhiều tổn thất. Mãi đến xế chiều 19-4-1953, địch mới vào được rìa căn cứ Đá Bàn. Chờ đêm xuống, lực lượng Tiểu đoàn 59 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu chỉ huy đã bí mật hành quân qua hẻm Eo Gió, cách Bến Ghe 1 cây số, vòng ra ngoài phục kích. Không vào được trung tâm căn cứ, khoảng 11 giờ ngày 20-4-1953, địch bắt đầu rút quân, đến 13 giờ toàn bộ đội hình địch lọt vào Vườn Gòn - khu vực phục kích của ta đã bố trí sẵn.

Một góc phòng trưng bày tư liệu về Tiểu đoàn 59 ở Khu lưu niệm Vườn Gòn - Đá Bàn (ảnh Công Định)
Một góc phòng trưng bày tư liệu về Tiểu đoàn 59 ở Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn. (Ảnh Công Định)

 

Trận đánh kéo dài từ 13 giờ đến 16 giờ. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, được sự chỉ huy mưu trí, gan dạ của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu, quân ta đã gây cho địch thiệt hại nặng nề. Trận này ta giành thắng lợi lớn, tiêu diệt hơn 400 tên địch, thu 1 khẩu đại liên, hàng trăm súng các loại. Đêm đến, bọn chúng phải cho máy bay thả pháo sáng để thu gom số quân thiệt mạng và đưa số bị thương về Trường Tiểu học Ninh Hòa để cứu chữa. Sau trận đánh, quân ta rút về căn cứ an toàn, có 14 đồng chí hy sinh. Chiến thắng Vườn Gòn đã trở thành cơn ác mộng đối với quân Pháp, ngụy tại Ninh Hòa, tạo được tiếng vang lớn ở khu vực Nam Trung Bộ thời ấy.

Tuy đã 70 năm qua kể từ khi Tiểu đoàn 59 lập nên những chiến công trên địa bàn Khánh Hòa nhưng ý nghĩa lịch sử vẫn còn nguyên giá trị. “Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là một chiến thắng vang dội trên địa bàn cực Nam Trung Bộ, khẳng định bộ đội chủ lực của ta có thể đánh bại chủ lực Pháp, khẳng định vai trò, hiệu quả của chiến tranh nhân dân, ta có thể đánh thắng quân đội Pháp dù cho chúng có lực lượng mạnh, đông, được trang bị vũ khí hiện đại cũng sẽ bị thất bại”, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn - nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhận định.

XUÂN THÀNH