Bước vào năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đã bước sang thời kỳ mới; sau giai đoạn cầm cự, phòng ngự để bảo toàn lực lượng, thế và lực của ta đã có sự phát triển, lực lượng vũ trang ba thứ quân đã lớn mạnh; bộ đội chủ lực đã đủ sức mở những chiến dịch quy mô lớn, phản công và tiến công, gây cho địch những tổn thất nghiêm trọng trên chiến trường, mở ra cục diện mới cho cách mạng nước ta.
Trên chiến trường Liên khu 5, các trung đoàn chủ lực của Liên khu đã đủ sức cơ động tác chiến trên khắp các địa bàn, nhất là cơ động vào cực Nam Trung bộ để hoạt động hỗ trợ cho phong trào cách mạng ở địa phương, tiêu hao, tiêu diệt, gây cho địch những tổn thất lớn, phá vỡ kế hoạch tập trung lực lượng của quân Pháp nhằm đánh bại xương sống của chủ lực ta. Thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Liên khu, điều động Tiểu đoàn 59 thuộc Trung đoàn 803 từ chiến trường Tây Nguyên xuống chiến trường Khánh Hòa hoạt động độc lập. Là một đơn vị ra đời trong cao trào chống Pháp trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng vào giữa năm 1950, trên cơ sở tổ chức lực lượng của hai địa phương Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, gồm những cán bộ, chiến sĩ biệt động, tự vệ chiến đấu trong lòng thành phố và đại đội bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam, do đồng chí Nguyễn Lựu làm Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Phạm Đạo làm Chính trị viên. Tiểu đoàn lúc đầu hoạt động độc lập trên chiến trường hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, đến cuối năm 1951 được điều vào Bình Định và biên chế trong thành phần Trung đoàn 803 chủ lực của Liên khu thay cho Tiểu đoàn 49 được tách ra để sang hoạt động giúp bạn trên Mặt trận Hạ Lào. Từ đây, Tiểu đoàn là một đơn vị thuộc Trung đoàn 803 cho đến ngày giải thể và liên tục được điều động hoạt động trên khắp các chiến trường Liên khu 5: 1951 - 1952 hoạt động ở chiến trường Nam Tây Nguyên, 1952 quay về hoạt động ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng và tại đây, Tiểu đoàn đã lập những chiến công xuất sắc như đánh tiêu diệt Khu hành chính Kỳ Lam, diệt cứ điểm Lệ Sơn, tiêu diệt Đồn Nhất trên đỉnh Đèo Hải Vân…, 1952 - 1953 lại cùng Trung đoàn quay lại hoạt động trên chiến trường Tây Nguyên và trong Chiến dịch Hè 1953, Tiểu đoàn 59 được giao nhiệm vụ vào hoạt động tác chiến độc lập ở chiến trường Khánh Hòa, với nhiệm vụ phối hợp cùng Lực lượng vũ trang Khánh Hoà, tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, phá thế uy hiếp của địch đối với vùng du kích, hỗ trợ phong trào chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, tham gia củng cố cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang địa phương.
Tại chiến trường Khánh Hòa, theo yêu cầu của Tỉnh ủy và Tỉnh đội Khánh Hòa, Tiểu đoàn đã giao nhiệm vụ cho Đại đội 11 do đồng chí Phan Quang Tiệp, Tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy vào hoạt động tại khu vực Hòn Hèo, huyện Ninh Hoà; còn lại các đại đội 4,6,8 cùng Ban Chỉ huy Tiểu đoàn đóng quân tại Khu căn cứ Đá Bàn. Tiểu đoàn có nhiệm vụ tiêu diệt các tháp canh của địch, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở địa phương phát triển, phá thế kìm kẹp của địch, mở rộng vùng tự do của ta và bảo vệ căn cứ Đá Bàn, nơi lãnh đạo Tỉnh ủy Khánh Hòa đứng chân.
Vào đến chiến trường mới, Tiểu đoàn đã tổ chức hàng loạt trận đánh, ngày 6/4 mở màn bằng hai trận xóa sổ hai tháp canh Tân Phong, Nhĩ Sự (xã Ninh Thân); ngày 8/4 tổ chức đánh tháp canh Cầu Lớn (xã Ninh Thọ) tiêu diệt, thu toàn bộ vũ khí, bắt sống 42 tên lính nguỵ, giải thoát 50 dân thường bị địch bắt tập trung; ngày 15/4 diệt tiếp hai tháp canh Mỹ Lệ (xã Ninh Đa) và tháp canh Hội Bình (xã Ninh Phú) khu vực Hòn Hèo, huyện Ninh Hòa, bắt sống hơn 40 tên lính ngụy, thu toàn bộ vũ khí.
Chỉ với thời gian chưa đến 10 ngày, Tiểu đoàn đã phối hợp với các lực lượng địa phương huyện và tỉnh tiêu diệt 5 tháp canh, bắt sống hàng trăm tên lính ngụy, thu rất nhiều vũ khí, tạo thuận lợi cho phong trào địa phương phát triển, làm cho bộ máy kìm kẹp của địch hoang mang lo sợ, quần chúng nhân dân vùng dậy đấu tranh chống tập trung người và lúa bắp vào các tháp canh, đồn bốt địch. Trước hình hình đó, chỉ huy quân đội Pháp nhận định: Bộ đội chủ lực của Liên khu đã về hoạt động trên chiến trường Khánh Hòa, nguy cơ Khánh Hòa sẽ bị cô lập, chúng quyết định nhanh chóng điều trung đoàn thiện chiến của Pháp từ chiến trường Bình Trị Thiên vào nhằm bao vây tiêu diệt Tiểu đoàn 59 và cơ quan lãnh đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa tại khu vực căn cứ Đá Bàn, mở rộng vùng kiểm soát.
Sáng ngày 18/4, các đơn vị quân đội Pháp cùng quân ngụy hơn 4.000 tên do thiếu tướng LeBlanc chỉ huy, triển khai chuẩn bị tấn công vào khu vực Đá Bàn; rạng sáng ngày 19/4, được sự chi viện trực tiếp của trận địa pháo Xuân Sơn và máy bay từ Nha Trang, địch tiến công theo ba hướng: hướng Bắc từ Xuân Sơn, Vạn Ninh tiến vào Gò Trơ, dọc sông Đá Bàn, chặn đường rút lui của ta về Phú Yên; hướng Nam là hướng phối hợp từ Dốc Dài, Ninh Hòa đánh ra cùng với hướng chủ yếu từ phía Đông tiến vào khu vực Bến Ghe, Đá Bàn, hình thành thế gọng kìm nhằm phá vỡ Căn cứ và tiêu diệt đầu não lãnh đạo của tỉnh và Bộ đội chủ lực của ta.
Về ta, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 59 mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Lựu, Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Phạm Đạo, Chính trị viên Tiểu đoàn đã báo cáo đề xuất với lãnh đạo Khánh Hòa, với đồng chí Hà Vi Tùng, Trung đoàn phó Trung đoàn 803 chủ trương không chính diện chống địch tiến công vào Căn cứ mà chỉ sử dụng Lực lượng vũ trang địa phương cùng với dân quân, du kích tổ chức các trận địa kết hợp giữa xung lực với chông, mìn, cạm bẫy ngăn chặn làm tiêu hao sinh lực địch, gây cho địch nhiều thiệt hại, làm cho chúng hoang mang, dao động, không dám tiến vào Căn cứ, buộc địch phải rút lui; lúc đó, bộ đội Tiểu đoàn 59 sẽ chọn địa hình có lợi, tổ chức trận địa phục kích đánh địch khi chúng rút lui trở về hậu cứ…
Trong ngày 19/4, được pháo binh và không quân chi viện, quân địch từ ba hướng tiến đánh vào Căn cứ, ta chủ động tổ chức lực lượng bộ đội địa phương, phối hợp cùng lực lượng dân quân, du kích trong vùng đã tổ chức nhiều trận địa phục kích kết hợp với chông, mìn, cạm bẫy chặn đánh địch, gây cho địch nhiều tổn thất, không thể phát triển nhanh; đến đêm, địch co cụm phòng thủ, ta đã dùng hỏa lực tập kích một số địa điểm gây nhiều tổn thất, làm địch mất ăn, mất ngủ.
Rạng sáng ngày 20/4, địch đã dùng hỏa lực đánh phá mạnh mẽ kết hợp xung lực tiến vào Căn cứ, bị lực lượng bộ đội địa phương và dân quân, du kích chống trả quyết liệt, gây nhiều thương vong cho địch, làm chúng chỉ tiến đến rìa Căn cứ, đốt phá một số khu vực tăng gia sản xuất, một số nhà dân và bãi giao liên, sau đó dừng lại không dám tiến sâu vào Căn cứ; đến 11 giờ trưa, chỉ huy địch ra lệnh rút quân.
Lúc này, theo phương án chiến đấu ngay trong đêm 19/4, toàn bộ Tiểu đoàn 59 trừ đại đội 11, được tăng cường một trung đội thuộc Đại đội 700 địa phương Khánh Hòa đã bí mật luồn ra phía sau lưng địch, chọn vị trí Cầu Gỗ, Suối Sâu khu vực Vườn Gòn bố trí trận địa phục kích đánh địch, lấy Sở Thằng Lô làm khu vực quyết chiến điểm. Đúng như nhận định của ta, chờ cho toàn bộ đội hình địch đi qua, khi cánh quân cuối cùng còn lại nằm lọt trong trận địa phục kích, chỉ huy Tiểu đoàn ra lệnh nổ súng, dù cho địch đưa lực lượng phía trước quay lại phản kích giải cứu, song trước sự tập trung hỏa lực mạnh mẽ, cùng tinh thần chiến đấu dũng cảm của bộ đội ta, kết hợp với các bãi mìn được bố trí sẵn, ta đã gây thiệt hại nặng cho quân địch, làm chết và bị thương hơn 400 tên lính Âu Phi, thu hơn 100 súng các loại, trong đó có 1 khẩu đại liên, buộc chúng phải rút lui, làm thất bại âm mưu tấn công tiêu diệt đầu não lãnh đạo tỉnh và bộ đội chủ lực Liên khu, mở ra thế trận mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Từ chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn có thể khẳng định, thắng lợi này là sự kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cùng dân quân du kích; là sự nắm chắc địa bàn, tận dụng địa hình có lợi bố trí trận địa phục kích; đó là sự phát huy sức mạnh của cách đánh Việt Nam kết hợp giữa con người và vũ khí, nhất là dựng nên thế trận chông mìn, cạm bẫy, thiên la địa võng của chiến tranh nhân dân đánh địch hiệu quả; đồng thời, một yếu tố không thể không nói đến đó là tài chỉ huy của người Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu.
Là Tiểu đoàn trường ngay từ ngày đầu thành lập Tiểu đoàn 59. Ông là người chỉ huy Tiểu đoàn rất mưu trí, sáng tạo, anh dũng, gan dạ trong chiến đấu, gần gũi, thương yêu cấp dưới, gắn bó máu thịt với nhân dân và tôn trọng sự lãnh đạo của tổ chức Đảng; chính vì vậy mà mọi phương án tác chiến của Ông đều phù hợp với từng trận đánh, tạo ra hiệu suất tiêu diệt địch cao, được cấp dưới tin tưởng, đảng viên, cán bộ hăng hái đi đầu. Ngay trong trận thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, chúng ta càng thấy rõ tài trí của người chỉ huy, khi địch tiến công vào căn cứ, do tương quan so sánh lực lượng quá chênh lệch, địch nhiều hơn ta gấp nhiều lần, lại được pháo binh, không quân trực tiếp chi viện, tạo nên sức mạnh lớn hơn ta. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đã không sử dụng lực lượng Tiểu đoàn chặn đánh địch ngay từ đầu mà đề xuất sử dụng Lực lượng vũ trang địa phương có hỗ trợ hỏa lực của Tiểu đoàn chặn đánh địch trong suốt chiều dài phát triển của chúng, đánh cả ngày lẫn đêm, làm nhụt nhuệ khí và tiêu hao quân địch, gây cho địch tổn thất nặng nề không dám tiến sâu vào Căn cứ, buộc phải ra lệnh rút quân; để đến khi chúng rút lui tưởng sẽ an toàn, sơ hở, mất cảnh giác, bất ngờ lúc đó ta nổ súng tiến công vào đội hình rút lui của địch, làm cho chúng mất tinh thần, hạn chế khả năng chống trả; thứ hai, chọn địa hình phục kích tại Vườn Gòn là nơi phù hợp có thể bố trí trận địa chặn đầu, khóa đuôi, bố trí được các bãi mìn, phát huy được hỏa lực và các loại vũ khí tập trung vào khu vực trận địa quyết chiến điểm, buộc địch dù có quân đông, hỏa lực mạnh cũng không thể phát huy, bị ta gây cho thiệt hại nặng nề, gần một tiểu đoàn địch bị xóa sổ; thứ ba, là đã phát huy tốt yếu tố tinh thần chiến đấu, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, khi được lệnh xung phong, đảng viên xông pha lên trước, quần chúng tiến theo sau, giáp lá cà tiêu diệt địch, thu vũ khí, lấy vũ khí địch sử dụng tại chỗ diệt địch; thứ tư, là phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích cùng các lực lượng dân chính đảng tại căn cứ, sử dụng có hiệu quả các loại phương tiện vũ khí, chông, mìn, cạm, bẫy làm cho quân Pháp và ngụy binh đi đến đâu cũng bị chặn đánh, gây thiệt hại nặng nề, buộc phải rút quân ra khỏi căn cứ, tạo cơ hội thuận lợi cho lực lượng ta bí mật cơ động, luồn lực lượng Tiểu đoàn ra phía sau địch, tổ chức phục kích, bất ngờ nổ súng, đánh bại lực lượng địch đông hơn ta gấp nhiều lần, làm thất bại âm mưu tập trung quân tiêu diệt bộ đội chủ lực và cơ quan đầu não của tỉnh Khánh Hòa.
Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là một chiến thắng vang dội trên địa bàn cực Nam Trung bộ, khẳng định bộ đội chủ lực của ta có thể đánh bại chủ lực Pháp, khẳng định vai trò, hiệu quả của chiến tranh nhân dân, ta có thể đánh thắng quân đội Pháp dù cho chúng có lực lượng mạnh, đông, được trang bị vũ khí hiện đại cũng sẽ bị thất bại. Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn cũng nói lên sự tiến bộ trưởng thành của người chỉ huy và vai trò công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội ta, đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, cấp dưới tin tưởng cấp trên, cán bộ, chiến sỹ đoàn kết một lòng và cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, 14 cán bộ, chiến sỹ hy sinh tại trận này hầu hết là tổ trưởng trở lên, hầu hết là đảng viên, cán bộ, họ là những người đã thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn đến nay vẫn còn nhiều ý nghĩa thiết thực, là bài học truyền thụ kinh nghiệm cho chúng ta trong tổ chức xây dựng Lực lượng vũ trang, xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới, và cũng là bài học kinh nghiệm trong xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc, thế trận khu vực phòng thủ của địa phương.
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn
Nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin