Tham gia hoạt động chiến dịch mùa hè năm 1953, Tiểu đoàn 59 Quân khu 5 đã cơ động vào tỉnh Khánh Hòa hoạt động, phối hợp với Lực lượng vũ trang địa phương, diệt hàng loạt tháp canh ở Tân Phong, Nhĩ Sự, Cầu Lớn, Mỹ Lệ, Hội Bình bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí, giải thoát nhiều dân thường bị bắt. Đánh bại cuộc càn quét lớn của địch vào khu vực Đá Bàn, tiêu diệt gọn hơn 1 đại đội Âu, Phi, thu nhiều vũ khí, trang bị của địch. Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn đã trở thành cơn ác mộng đối với quân Pháp, ngụy tại Ninh Hòa, đánh bại ý định hành quân, càn quét của địch, tạo tiếng vang lớn, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân cả nước, góp phần vào thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954.
Lực lượng của địch tại tỉnh Khánh Hòa, với hệ thống đồn bốt dày đặc (109 đồn bốt, 213 tháp canh và 12.793 lính canh giữ), thực dân Pháp và tay sai đã kiểm soát chặt nhân dân, chúng bắt nhân dân nộp lúa gạo, ban đêm dân phải ngủ đồn, việc làm ăn, đi lại bị hạn chế. Trong khi đó, thuế tăng cao, tổng động viên, bắt lính rầm rộ, khiến cho lòng dân sôi sục căm hờn. Sau khi nhiều tháp canh của địch bị ta tiêu diệt, để cứu vãn tình thế, ngày 18/4/1953, quân đội Pháp huy động trên 4.000 lính Âu - Phi thiện chiến, từ Bình Trị Thiên đổ bộ lên cửa biển Hòn Khói tiến vào Khánh Hòa, kết hợp với quân cơ động của Tiểu khu Khánh Hòa, từ Nha Trang theo quốc lộ 1 kéo ra khu vực Đá Bàn, có máy bay, pháo binh yểm trợ. Do Thiếu tướng Le Blanc trực tiếp chỉ huy trận càn.
Lực lượng của ta có Tiểu đoàn 59 của Quân khu 5 gồm có: Đại đội 4, Đại đội 6, Đại đội 8 và Đại đội 11; phối hợp với Đại đội 700 của tỉnh Khánh Hòa cùng với lực lượng dân quân du kích, cơ quan dân chính, đảng hình thành lực lượng chiến đấu tại chỗ; vũ khí trang bị chủ yếu là đại liên 7,62mm, trung liên, còn lại là tiểu liên và súng trường. Kết quả, Tiểu đoàn 59 cùng với nhân dân Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã tiêu diệt hơn 400 tên địch, thu 1 khẩu đại liên, hàng trăm súng các loại…
Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn và việc tiêu diệt được nhiều tháp canh đã giáng một đòn mạnh mẽ, làm thất bại kế hoạch bình định, chiêu an dồn dân, tập trung lúa gạo của địch; đánh bại cuộc hành quân càn quét của địch với quy mô lớn, hiệp đồng quân binh chủng, vũ khí, trang bị hiện đại… Thắng lợi của trận đánh có tác dụng phá tan ý định càn quét của địch cho đến khi Hiệp định Genève được ký kết.
Qua trận đánh, trình độ tổ chức chỉ huy, tác chiến của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên, gây được khí thế phấn khởi trong đơn vị, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân tham gia kháng chiến.
Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn đã củng cố niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nói chung và quân và dân tỉnh Khánh Hòa nói riêng, vui mừng phấn khởi, thoát cảnh tù túng, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, hăng hái tham gia công tác kháng chiến.
Để có được thắng lợi đó, có thể khẳng định mấy nguyên nhân sau đây:
Trước tiên, phải nói đến vai trò lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, đường lối quân sự độc lập, sáng tạo. Tháng 01 năm 1953, tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Để duy trì cuộc kháng chiến trường kỳ và đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, cần phải tập trung lãnh đạo thực hiện tốt hai vấn đề, một là lãnh đạo kháng chiến và chính sách quân sự, hai là phát động quần chúng giảm tô, tiến đến cải cách ruộng đất”, tháng 4 năm 1953 Liên khu ủy Khu 5 đã ra Nghị quyết “Tiêu diệt địch, bồi dưỡng ta, đẩy mạnh phong trào địa phương và tạo điều kiện cho chủ lực học tập nâng cao đánh vận động”. Chủ trương của Huyện ủy Ninh Hòa đẩy mạnh chống kế hoạch bình định của địch, lấy vùng Tây làm trọng điểm chính, Chi bộ xã Trí Hòa khẩn trương đề ra các biện pháp để thực hiện chủ trương “Tiến về làng” của cấp trên; tổ chức cán bộ tiếp tục bám dân, bám làng, đào hầm bí mật, xây dựng cơ sở cách mạng; tuyên truyền, giải thích kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh chống địch, bảo vệ bộ đội và cán bộ tăng cường về hoạt động; đồng thời, cử một bộ phận sản xuất lương thực nhằm đáp ứng nhu cầu tại chỗ.
Thứ hai, nhân dân Khánh Hòa có truyền thống anh hùng, cách mạng, bám đất, bám làng, nuôi dưỡng, chăm sóc, che dấu bộ đội, cùng bộ đội đánh giặc. Huyện ủy Ninh Hòa đã tổ chức các tổ công tác gồm cán bộ dân, chính, đảng xuống cơ sở xây dựng xã điển hình để bám trụ, đào hầm bí mật hỗ trợ phong trào kháng chiến, nhiều đoàn thể quần chúng được xây dựng và củng cố lại, tiếp tục hoạt động bám dân, nhiều gương cán bộ thanh niên xã bị địch bắt, bị tra tấn, đã anh dũng hy sinh “vì nước quên thân”. Sau đợt chống địch càn quét vào căn cứ Đá Bàn, ta đã giành thắng lợi lớn; các đội vũ trang tuyên truyền phá tề, diệt ác đã thúc đẩy phong trào cách mạng địa phương lên cao. Hình ảnh phụ nữ Ninh Hòa bất chấp hiểm nguy để cưu mang, dẫn đường, che giấu, chăm sóc vết thương, nuôi dưỡng chiến sĩ đã trở thành một kỷ niệm lịch sử thật đẹp.
Thứ ba, phải nói đến người chỉ huy tài ba Nguyễn Lựu - Cụ là niềm tin, sự trân trọng của chiến sĩ và được ví như linh hồn của Tiểu đoàn 59. Cụ Nguyễn Lựu xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân Cụ luôn ham học hỏi và siêng năng, đã từng tham gia phong trào du kích Ba Tơ. Được thừa hưởng truyền thống của một gia đình có gia phong, yêu nước và cách mạng. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu là con người giản dị, là người chỉ huy mẫu mực, nổi tiếng rèn quân, luyện cán, Ông đã nghiên cứu, tổ chức, hướng dẫn và huấn luyện cho bộ đội: kỹ thuật gói bộc phá, cách đánh thủ pháo, cách sử dụng thang tre, kỹ thuật vượt chướng ngại vật, vượt giao thông hào. Ngoài ra, tiểu đoàn còn được học các hình thức chiến thuật tập kích, phục kích... Trong chiến đấu, ông đích thân chỉ huy trận đánh, luôn gương mẫu xông pha đi đầu, khiến anh em rất nể phục. Tuy nhiên, ngày thường ông thương lính như con, như em. Theo quy định về chế độ tiểu đoàn trưởng được ăn bếp riêng, nhưng cụ Nguyễn Lựu vẫn ăn cùng với anh em, mặc dù có tiền lương nhưng cụ không tiêu pha gì cho bản thân mà gửi về cho gia đình ở quê vì có mẹ già, vợ và các con nhỏ. Phần còn lại một ít để dành cho chiến sĩ liên lạc cắt tóc và mua đồ dùng cá nhân. Chính những điều đó đã khắc họa nên hình ảnh một Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu - Người chỉ huy tài ba, thương lính như con, nghiêm khắc mà ấm áp nghĩa tình là vậy, đã góp phần tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi.
Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Một là, xây dựng ý chí quyết tâm và lòng tin đánh thắng quân địch là nhân tố quyết định thắng lợi. Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là chiến thắng của ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, tính tự hào dân tộc và truyền thống “bách chiến, bách thắng” của quân và dân ta. Đó là một trong những nhân tố cơ bản quyết định đến thắng lợi. Mọi hoạt động của đoàn thể chủ yếu dựa vào hoạt động của lực lượng vũ trang và du kích, phong trào các đoàn thể quần chúng được xây dựng và củng cố lại tiếp tục hoạt động bám dân, nhiều cán bộ thanh niên đã anh dũng hy sinh. Huyện ủy Ninh Hòa đã nhanh chóng kiện toàn các chi bộ, phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương lúc này có bước phát triển rất mạnh sau đợt chống địch càn vào căn cứ Đá Bàn; các đội vũ trang tuyên truyền phá tề, diệt ác đã thúc đẩy phong trào cách mạng địa phương lên cao. Tiểu đoàn 59, anh em chiến sĩ trước khi nhập ngũ đều là biệt động, hoặc cơ sở cách mạng, cho nên hầu hết họ đã được tôi luyện, rèn giũa phẩm chất trung kiên sẵn sàng “vì nước quên thân”, trong chiến đấu tính kỷ luật là hàng đầu, khi thực hiện nhiệm vụ tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh chỉ huy, nhưng trong sinh hoạt luôn thương yêu, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.
Hai là, xây dựng ý thức kỷ luật cao, độc lập tác chiến, tự giác, sẵn sàng chấp hành mọi mệnh lệnh của cấp trên và quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh. Tiểu đoàn 59 dưới sự chỉ huy của Cụ Nguyễn Lựu đã 2 lần được lệnh làm nhiệm vụ độc lập, hoạt động trong vùng tạm chiếm ở Quảng Nam - Đà Nẵng và Khánh Hòa. Tuy xa sự chỉ huy, chỉ đạo của trung đoàn, tự mình phải lo liệu, giải quyết mọi vấn đề, nhưng Tiểu đoàn 59 đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu và chiến thắng. Đại đội 11 cũng 2 lần được giao nhiệm vụ nghi binh chiến dịch ở Nam Tây Nguyên nhằm thu hút lực lượng địch, để toàn trung đoàn tiêu diệt các cứ điểm ở Kon Tum. Đến hè 1953, Tiểu đoàn 59 được lệnh vào Bắc Khánh Hòa, xuống sâu vùng Đông Ninh Hòa tiêu diệt hàng loạt tháp canh, phá thế kìm kẹp của địch, hỗ trợ, phát triển phong trào chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch. Chính nhờ có ý thức kỷ luật cao, độc lập tác chiến chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên, sức chiến đấu của Tiểu đoàn được nâng lên nhiều so với thực lực, bộ đội chiến đấu ngày càng dũng cảm và mưu trí. Nhiều tấm gương hy sinh anh dũng đã thể hiện rõ điều đó, tất cả đều vì thắng lợi chung. Tập thể đơn vị cũng như từng cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn luôn nêu cao ý thức và hành động theo tiếng gọi của trái tim mình, những trái tim đã thuộc về Đảng quang vinh, thuộc về nhân dân anh hùng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì mục tiêu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Ba là, nắm chắc diễn biến tình hình, hạ quyết tâm nhanh, xây dựng thế trận vững chắc, sử dụng và bố trí lực lượng hợp lý. Biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng, đó là quy luật của chiến tranh, điều đó được thể hiện ở trận chiến đấu Vườn Gòn - Đá Bàn. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đã chỉ huy bộ đội, kết hợp chặt chẽ với Lực lượng vũ trang địa phương nghiên cứu nắm chắc tình hình địch, địa hình, địa bàn tác chiến. Do vậy, sau một tuần lễ Tiểu đoàn 59 từ An Khê, lội sông Ba, vượt qua các dãy núi thuộc tỉnh Phú Yên vào đến Khánh Hòa, Tiểu đoàn đã dừng chân tại căn cứ Đá Bàn. Theo yêu cầu của Tỉnh ủy và Tỉnh đội Khánh Hoà, Tiểu đoàn đã nhanh chóng chia làm 2 bộ phận, hoạt động ở 2 khu vực: Bộ phận thứ nhất: Đứng chân tại Hòn Hèo (Đại đội 11); Bộ phận còn lại ở tại căn cứ Đá Bàn gồm 3 đơn vị: Đại đội 4, Đại đội 6, Đại đội 8. Trong trận chiến đấu chống càn, do nắm được ý định của địch, ta đã hạ quyết tâm nhanh, lựa chọn khu vực phục kích hiểm hóc, có thế chặn đầu, khóa đuôi, có thế đánh, thế bao vây, thế triển khai lực lượng từ Dốc Dài đến Cầu Gỗ Suối Sâu; chủ động chuẩn bị từ trước, tại căn cứ chiến khu ta sử dụng một lực lượng ngăn chặn địch, lực lượng còn lại vòng ra ngoài phục kích tại khu vực từ “Sở Thằng Lô” (đồn điền cũ của người Pháp) đến Vườn Gòn làm điểm quyết chiến. Bên trong căn cứ Đá Bàn, theo kế hoạch ta đánh địch từ xa dùng hầm chông, mìn gài sẵn gây cho địch nhiều tổn thất. Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn ngoài yếu tố tinh thần, tư tưởng còn do yếu tố về thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, sức mạnh tổng hợp của quân và dân, sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích… tạo nên. Tại khu vực tác chiến, lợi thế một mặt do thiên nhiên tạo ra, nhưng quan trọng là ta đã chuẩn bị sẵn thế trận. Mưu trí trong tạo lập thế trận; dũng cảm, ngoan cường trong chiến đấu; đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng trong tác chiến... Tất cả đã làm nên một thắng lợi để đời, vang dội.
Bốn là, nắm chắc thời cơ, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu. Nắm thời cơ tổ chức, điều chỉnh đội hình chiến đấu kịp thời, tạo thế có lợi là điểm nổi bật trong chống địch hành quân càn quét. Trong trận chiến đấu chống càn, ngày 19/4 chờ đêm xuống, bên trong căn cứ Đá Bàn, ta chủ động phối hợp bố trí đánh địch từ xa, dùng hầm chông, mìn gài sẵn gây cho địch nhiều tổn thất, thương vong. Mãi đến xế chiều, địch mới tiến được vào khu vực rìa căn cứ. Buổi tối, ta luân phiên pháo kích, tấn công các cụm trú quân, gây thương vong cho binh lính địch, làm tinh thần của chúng ngày càng căng thẳng, mệt mỏi. Cùng lúc đó, Tiểu đoàn 59 có thêm 1 trung đội thuộc Đại đội 700 vũ trang địa phương dẫn đường, do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu chỉ huy đã bí mật hành quân qua hẻm Eo Gió, cách Bến Ghe một cây số, vòng ra ngoài phục kích trên đoạn đường Cầu Gỗ, Suối Sâu trong Vườn Gòn của Sở Thằng Lô. (Mặc dù địch có bộ phận gác ở Bến Ghe nhưng chúng không hề hay biết). Đến 11 giờ trưa ngày 20/4 địch bắt đầu rút quân, đến 13 giờ chiều toàn bộ đội hình địch lọt vào khu vực phục kích của ta đã bố trí sẵn. Lợi dụng thời cơ địch hoang mang do bị tập kích bất ngờ, Tiểu đoàn 59 tập trung toàn bộ hỏa lực nổ súng mãnh liệt, làm cho chúng không kịp trở tay. Bọn địch phía sau bỏ chạy xuống Suối Sâu, Cầu Gỗ gặp phải mìn ta đã bố trí từ trước, làm cho địch bị hoảng loạn. Chọn đúng thời cơ, tạo ra thời cơ, duy trì thời cơ có lợi để xung phong tiêu diệt địch, đó là cách mà cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 đã thực hiện hết sức hiệu quả. Điển hình khi một khẩu đại liên địch bắn mạnh vào sườn cánh quân ta, đồng chí Nguyễn Điểu đã dũng cảm chọn đúng thời cơ xông ra dùng báng súng phang mạnh vào cánh tay tên xạ thủ, nâng bổng nòng súng của địch lên cao, cùng lúc đó hai người còn lại trong tổ là đồng chí Lực và đồng chí Hồng đã nhanh chóng cướp khẩu đại liên, dùng súng địch để đánh địch. Trận đánh đã vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu là nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong hơn một tháng hoạt động tại Khánh Hoà, Tiểu đoàn 59 đã vận dụng lối đánh đặc công tiêu diệt 10 tháp canh; khi chống địch càn quét, đơn vị đã vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật phục kích, tập kích, vận động đánh công kiên, hiệp đồng binh chủng với quy mô cấp tiểu đoàn để tiêu diệt địch.
Năm là, chỉ huy kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo, bộ đội chiến đấu dũng cảm, mưu trí hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận. Đối với người chỉ huy, tính quyết đoán là không thể thiếu được, đặc biệt là trong các tình huống gay go, ác liệt, cần phải tạo và nắm thời cơ có lợi để tiêu diệt địch. Muốn vậy, người chỉ huy phải hết sức linh hoạt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, không rập khuôn máy móc mà bỏ lỡ thời cơ diệt địch. Chỉ huy kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo, bộ đội chiến đấu dũng cảm, mưu trí, đã nhanh chóng tiêu diệt hàng loạt tháp canh, bắt hàng trăm tù binh, thu nhiều vũ khí, làm cho bọn địch khiếp sợ, ăn không ngon, ngủ không yên. Trong trận chiến đấu chống càn, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đã chọn địa hình hiểm trở bất ngờ nhanh chóng triển khai đội hình phục kích, chờ cho cánh quân địch vào trận địa sẽ xuất kích. Theo lệnh chỉ huy, các bộ phận, các mũi tiến công của ta dùng đại liên, trung liên và súng các loại tập trung chế áp mạnh vào các hỏa điểm địch, bắn điểm xạ chính xác dồn dập vào đội hình địch. Với tinh thần bình tĩnh, quả cảm, quân ta luôn bám sát nhau, hiệp đồng chặt chẽ, thường xuyên giữ liên lạc và cự ly chiến đấu giữa các bộ phận, từng tổ ba người lợi dụng địa hình, địa vật bắn tỉa, để địch vào gần bất ngờ xông ra dùng báng súng, lưỡi lê đánh giáp lá cà, xung phong tiêu diệt địch. Với quyết tâm chiến đấu ngoan cường của Tiểu đoàn 59, trận đánh kéo dài từ 13 giờ sáng đến 16 giờ chiều đã gây cho địch thiệt hại nặng, không cho địch thực hiện được âm mưu, buộc phải rút lui. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu, trực tiếp chỉ huy Đại đội 6 chặn đầu đội hình quân địch khi chúng vừa đến đập tràn Hòa Huỳnh (cuối Vườn Gòn). Đại đội 4 đã phối hợp hiệp đồng chia cắt lực lượng địch làm cho chúng không thể chỉ huy và liên kết, Đại đội 8 thực hiện tốt nhiệm vụ khoá đuôi và đón lõng số quân địch bỏ chạy về phía sau khu vực Sở Thằng Lô.
Ngày hôm nay, sau 70 năm, trận chiến đấu chống càn tại Vườn Gòn - Đá Bàn của Tiểu đoàn 59 và nhân dân Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa vẫn luôn là chiến thắng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và vận dụng sáng tạo trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng khu vực phòng thủ, phát huy thế trận lòng dân… Những kinh nghiệm đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cần tiếp tục được nghiên cứu và phát triển vận dụng linh hoạt, sáng tạo, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
. Thượng tướng PGS, TS Võ Tiến Trung - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân -
Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên QUTW - Nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin