Phiên giao dịch chứng khoán ngày 1/2, thị trường chứng khoán Việt Nam lại trải qua những cung bậc thăng - trầm. Đầu phiên sáng, chỉ số VN-Index khởi động tháng mới với tín hiệu tích cực, nhưng nhà đầu lo lắng đợt dịch Covid-19 bùng phát mới đã đẩy mạnh bán ra, khiến chỉ số VN-Index giảm trên 21 điểm.
Phiên giao dịch chứng khoán ngày 1/2, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lại trải qua những cung bậc thăng - trầm. Đầu phiên sáng, chỉ số VN-Index khởi động tháng mới với tín hiệu tích cực, nhưng nhà đầu lo lắng đợt dịch Covid-19 bùng phát mới đã đẩy mạnh bán ra, khiến chỉ số VN-Index giảm trên 21 điểm.
Thanh khoản hạn chế
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, TTCK Việt Nam khởi động đầu tháng mới với các chỉ số chính đều tăng điểm tốt.
Trên HOSE, nhóm cổ phiếu VN30 tuy phân hoá nhưng vẫn hỗ trợ tích cực cho chỉ số VN-Index tăng lên 1.071 điểm ngay đầu phiên. Sau đó, chỉ số này có hạ độ cao, nhưng vẫn giao dịch trên tham chiếu trên ngưỡng 1.060 điểm. Nhưng bất ngờ đến 11 giờ trưa VN-Index lao mạnh xuống mức 1.039 điểm.
Lực cung tăng mạnh trên thị trường, nhóm cổ phiếu bluechip nhiều mã rơi thẳng về mức giá sàn. VN30 phân hoá mạnh với 13 mã tăng và 15 mã giảm. Một số mã quay đầu mất giá như BID, HPG, MBB; còn MWG có lúc giảm sàn, đóng cửa còn giảm 5,7%; các mã giảm sâu trên dưới 3% như: PNJ, SSI và TCH.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 91 mã tăng và 349 mã giảm (trong đó có 37 mã giảm sàn), chỉ số VN-Index tăng 1,56 điểm tương đương tăng 0,15% lên 1.058,17 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 384,32 triệu đơn vị, giá trị 7.977 tỷ đồng, giảm mạnh 42,2% về khối lượng và 45,43% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước.
Bước vào đầu phiên chiều, lực cầu vẫn tốt nên chỉ số VN-Index duy trì trên tham chiếu hơn 1 giờ giao dịch. Đến gần 14 giờ 10, chỉ số VN-Index lại lao mạnh xuống mốc 1.038 điểm. Cũng tại mức điểm này, lực mua tăng mạnh giúp cho chỉ số VN-Index bật lên sát mốc 1.050 điểm. Khác với phiên sáng, phiên chiều lực mua không còn mạnh, khiến cho chỉ số này tiếp tục quay đầu đi xuống thêm 1 lần nữa. Đặc biệt, đợt khớp ATC, lực cung ồ ạt đẩy vào thị trường, nhưng lực cầu lại yếu, khiến chỉ số VN-Index không có cơ hội đảo chiều đi lên mà nằm tại mức điểm thấp nhất ngày.
Nhóm cổ phiếu VN30 chỉ còn 4 mã tăng, 26 mã giảm, trong đó có một số mã giảm sàn gây áp lực mạnh lên chỉ số. SSI và TCH cùng giảm sàn đứng tại 26.800 và 20.450 đồng/CP và trắng bên mua. Còn MWG và SBT cũng có lúc giảm sàn, chốt phiên vẫn mất lần lượt 6,8% về 123.700 đồng/CP và 6,7% xuống 16.800 đồng/CP.
Ngoài ra, còn một số mã giảm từ 4% đến trên 6% như: KDH, MBB, MSN, BVH, PNJ, SBT, VHM, VRE. Còn những mã giảm trên dưới 2% như TPB, VCB, POW, PDR, BID, GAS. Nhóm này chỉ có CTG tăng giá tích cực với mức tăng 4,9% lên 32.000 đồng/CP; FPT tăng 1,3% và TCB tăng 0,6%.
Chốt phiên chiều, sàn HOSE có 90 mã tăng và 369 mã giảm (trong đó có 101 mã giảm sàn, tăng 64 mã so với phiên sáng), chỉ số VN-Index giảm 21,1% điểm, tương đương mất 2% xuống mức thấp nhất ngày tại 1.035,51 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 634,33 triệu đơn vị, giá trị 13.651,4 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 20,5% về khối lượng và giảm 23,5% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (29/1).
Cơ hội mua cổ phiếu giá rẻ
Sau những rung lắc mạnh và mất điểm trong phiên hôm nay, một số chuyên gia nhận định do một phần bởi tâm lý nhà đầu tư đã nóng vội lo sợ dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh trong cộng đồng, sẽ khiến sản xuất, kinh doanh thêm một lần bị ảnh hưởng; một phần là do một nhà đầu tư đang thu hồi vốn chuyển kênh đầu tư vào tài sản hỗ trợ rủi ro là vàng. Hơn nữa, thị trường vàng đang tiến gần đến ngày Vía Thần tài, dịp mà nhiều nhà đầu cơ tìm kiếm cơ hội chốt lời. Chính vì thế lượng mua cổ phiếu đã giảm hẳn cả về giá trị và khối lượng trong phiên hôm nay.
Chuyên gia cho rằng, TTCK đang phụ thuộc vào tâm lý nhà đầu tư. Bởi kể từ 25/1 đến nay, các phiên giao dịch mất điểm sâu, đều xen kẽ với tăng điểm mạnh của chỉ số chứng khoán. Phần lớn lực bán mạnh ở nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán mới vào thị trường. Trong khi NĐT trong nước bán mạnh lại là cơ hội mua vào của NĐT nước ngoài.
Theo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, về dài hạn TTCK vẫn được hỗ trợ bởi những yếu tố tích cực cả về kinh tế vĩ mô và các yếu tố nội tại của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết theo báo cáo tài chính quý IV/2020 (chưa kiểm toán) ghi nhận trên 80,7% doanh nghiệp có lãi, tương đương với quý IV/2019 và lợi nhuận sau thuế quý IV/2020 của các công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Với những phân tích kể trên, một số công ty chứng khoán khuyến cáo NĐT nên hạn chế bán tháo cổ phiếu và bắt đáy những nhóm cổ phiếu đang có tín hiệu tăng tốt như: Nhóm bất động sản, dầu khí, tiêu dùng; nhóm chứng khoán cũng đã bị điều chỉnh sâu về vùng giá rẻ sau giai đoạn mất điểm vừa qua. Vì vậy, NĐT nên tập trung vào các nhóm cổ phiếu này chờ cơ hội chốt lời.
Theo kinhtedothi