11:07, 28/07/2021

Gian nan thu hồi nợ tàu 67

Từ tháng 4-2018 đến nay, các khoản vay theo Nghị định 67 đã phát sinh nợ xấu với xu hướng ngày càng tăng, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của các ngân hàng. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có chỉ đạo cụ thể để hạn chế nợ xấu và đảm bảo triển khai hiệu quả chính sách tín dụng của Nghị định 67.

Từ tháng 4-2018 đến nay, các khoản vay theo Nghị định 67 đã phát sinh nợ xấu với xu hướng ngày càng tăng, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của các ngân hàng. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có chỉ đạo cụ thể để hạn chế nợ xấu và đảm bảo triển khai hiệu quả chính sách tín dụng của Nghị định 67.


Nợ xấu có xu hướng tăng


Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khánh Hòa, các chi nhánh NH thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng tín dụng cho vay 31 tàu gồm 28 tàu đóng mới và 3 tàu nâng cấp (2 tàu dịch vụ, 29 tàu khai thác) với số tiền cam kết cho vay 292,56 tỷ đồng. Đến ngày 30-6, các NH đã giải ngân 288,45 tỷ đồng, đạt 98,59%, thu nợ gốc 35,94 tỷ đồng, dư nợ 252,52 tỷ đồng. Từ tháng 4-2018, các khoản vay theo Nghị định 67 bắt đầu phát sinh nợ xấu và có xu hướng ngày càng tăng. Cụ thể, có 22 tàu phát sinh nợ xấu với số tiền 211,42 tỷ đồng, tỷ lệ 83,72%. Trong đó, nợ xấu tại Vietcombank Nha Trang 3,32 tỷ đồng, tỷ lệ 100% (1 tàu); BIDV Khánh Hòa 45,14 tỷ đồng, tỷ lệ 67,88% (6 tàu); Agribank Khánh Hòa 162,96 tỷ đồng, tỷ lệ 89,18% (15 tàu). Chỉ tính trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, dư nợ cho vay theo Nghị định 67 chỉ giảm 7,62 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ 2,93%) nhưng nợ xấu tăng tới 108,79 tỷ đồng (106,01%).

 

Hoạt động ra khơi, đánh bắt thủy sản tại cảng Hòn Rớ, TP. Nha Trang.  (Ảnh minh họa: B.La)

Hoạt động ra khơi, đánh bắt thủy sản tại cảng Hòn Rớ, TP. Nha Trang. (Ảnh minh họa: B.La)


Ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, ngoài các nguyên nhân khách quan như nguồn lợi hải sản suy giảm, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến doanh thu của ngư dân, nợ xấu phát sinh còn do nhiều nguyên nhân chủ quan như: Ngư dân không đủ năng lực khai thác hoặc khai thác không hiệu quả, công tác xác nhận thiệt hại chậm trễ; quá trình giải quyết bồi thường bảo hiểm xảy ra nhiều tranh chấp. Việc ngư dân không thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình khai thác vào sổ nhật ký hoặc bán hải sản khai thác trên biển làm cho NH gặp khó khăn trong quản lý dòng tiền và thu hồi nợ vay. Với thực trạng đó, các NH đã triển khai nhiều giải pháp như: Tuyên truyền các chủ tàu hiểu rõ về ý nghĩa, ưu đãi được hưởng theo Nghị định 67 (được vay đến 95% giá trị con tàu mà không thế chấp tài sản, lãi suất cho vay thấp 7%/năm nhưng chỉ trả 1%, ngân sách cấp bù 6%) và đề nghị chủ tàu thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng hợp đồng đã ký kết; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đối thoại với ngư dân vay vốn để bàn hướng xử lý các khoản nợ vay; thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu; khởi kiện chủ tàu không trả nợ NH. Bên cạnh đó, các NH đã chủ động triển khai giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân nhằm hạn chế phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu gồm: Cơ cấu nợ; chấp thuận một thời gian trả chậm; cho vay vốn lưu động, làm việc với từng khách hàng để xác định lộ trình trả nợ quá hạn (trả chậm hơn so với hợp đồng tín dụng); tìm kiếm các khách hàng chuyển đổi theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu, kéo dài thời gian vay…


Triển khai nhiều giải pháp


Trong quá trình quản lý, thu hồi nợ tàu 67, các NH nhận thấy có nhiều vướng mắc, bất cập. Hầu hết các chủ tàu đều báo cáo doanh thu từ khai thác thủy sản suy giảm, không đủ bù đắp chi phí nhưng vẫn thanh toán đúng hạn các khoản vay thương mại khác (phải thế chấp tài sản) mà không trả khoản nợ theo Nghị định 67. Việc kê khai thông tin khai thác chủ yếu do chủ tàu tự thực hiện, không có căn cứ để NH xác minh, đánh giá thông tin. Các chủ tàu cũ không có khả năng trả nợ, phát sinh nợ xấu, giá trị tài sản đảm bảo là con tàu ngày càng giảm dần do tàu xuống cấp, dư nợ vay lúc này lớn hơn giá trị tài sản đảm bảo; khi chuyển đổi chủ tàu, chủ tàu mới chỉ đồng ý nhận chuyển giao con tàu theo giá trị thực tế thẩm định tại thời điểm nhận tàu, không đồng ý nhận cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa thanh toán cho NH. Khi khởi kiện và tiến hành bán đấu giá tàu cá cũng gặp khó khăn do giá trị tài sản lớn, nhu cầu chuyển nhượng không nhiều…


Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để hạn chế nợ xấu tiếp tục phát sinh và đảm bảo triển khai hiệu quả chính sách tín dụng của Nghị định 67, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm, huyện Vạn Ninh phối hợp với ngành NH rà soát, xác minh và phân loại 22 chủ tàu đang phát sinh nợ xấu. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị và ngành NH có giải pháp xử lý phù hợp với từng trường hợp; vận động và tuyên truyền các chủ tàu đã được vay vốn theo Nghị định 67 hiểu rõ về ý nghĩa, ưu đãi của chính sách và nghĩa vụ thực hiện trả nợ theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký kết. NHNN chi nhánh Khánh Hòa phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, trong đó có kiến nghị về mức hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm theo Nghị định 67. Các NH tiếp tục triển khai giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các chủ tàu cá có hoàn cảnh khó khăn thật sự, giúp các chủ tàu tiếp tục vươn khơi bám biển theo chủ trương, chính sách của Nhà nước.


MAI HOÀNG