10:04, 24/04/2019

Quỹ tín dụng nhân dân Ninh Hòa: Hoạt động hiệu quả

Hoạt động hiệu quả của Quỹ tín dụng nhân dân Ninh Hòa đã giúp nhiều người dân được vay vốn làm ăn, nâng cao đời sống, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở địa phương.

Hoạt động hiệu quả của Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Ninh Hòa đã giúp nhiều người dân được vay vốn làm ăn, nâng cao đời sống, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở địa phương. 


Vay vốn làm ăn


Bà Nguyễn Thị Minh Đào (thôn Thuận Mỹ, xã Ninh Quang) cho biết, sau cơn bão số 11 cuối năm 2017 làm nhà hư hỏng nặng, gia đình bà vay thế chấp 150 triệu đồng từ QTDND Ninh Hòa để sửa chữa lại nhà ở, một phần mua ruộng làm ăn. Hiện nay, gia đình có 5 mẫu ruộng, vụ lúa vừa qua thu hoạch đạt 400kg/sào nên rất phấn khởi. Vợ chồng chịu khó làm ăn, đan giỏ gia công, nuôi gà vịt, làm ruộng, lúc rảnh chồng làm thêm phụ hồ, làm mướn nên mỗi tháng trả nợ đúng hạn.


Gia đình ông Biện Hiền (thôn Tân Quang, xã Ninh Quang) được giới thiệu là mô hình nuôi gà lớn nhất ở địa phương. Trong khu chuồng trại của gia đình, có khu vực nuôi riêng 1.000 con gà giống cỡ nắm tay mới nhập từ Bình Định, khu vực nuôi gà nhỡ và một khu nuôi gà chuẩn bị xuất chuồng hàng ngàn con. Hiện nay, gà cồ trung bình 2,2kg/con có giá 65.000 đồng/kg, gà mái gần 2kg/con có giá 70.000 đồng/kg, giá cả ổn định có nhích hơn thời điểm trước nên gia đình rất phấn khởi. Ông Hiền cho biết, bên cạnh làm ruộng, vợ chồng ông nuôi thêm gà đã 4 năm. Ban đầu vốn ít, chuồng trại chưa có nên chỉ nuôi 200 - 300 con. 2 năm nay, ông mở rộng quy mô nhờ nguồn vốn vay từ QTDND Ninh Hòa. Gia đình ông vay 200 triệu đồng, với lãi suất 11%/năm để đầu tư con giống, xây dựng chuồng trại và mua thức ăn. Tổng đàn gà hiện nay của gia đình khoảng 5.000 con. Chăn nuôi gối đầu liên tục nên hầu như tháng nào gia đình cũng xuất bán khoảng 1.000 con, thu 100 - 110 triệu đồng, trong đó chi phí khoảng 80 triệu đồng, lãi hơn 20 triệu đồng. Vừa làm ruộng, vừa chăn nuôi hiệu quả nên gia đình thu nhập ổn định, hoàn vốn tốt, trả nợ đều đặn mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng.


Mở rộng địa bàn hoạt động


QTDND Ninh Hòa được thành lập ngày 30-11-2016, tại địa chỉ thôn Thạch Thành, xã Ninh Quang. Ban đầu, quỹ hoạt động trên địa bàn xã Ninh Quang, đến cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa chấp thuận cho quỹ mở rộng hoạt động sang địa bàn phường Ninh Hiệp. Nguồn vốn cho vay hầu hết cho nông dân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương chợ phát triển kinh tế gia đình và phục vụ nhu cầu đời sống, sinh hoạt. Ông Võ Nguyễn Trị An - Giám đốc QTDND Ninh Hòa cho biết, đến cuối năm 2018, tổng nguồn vốn hoạt động của quỹ gần 44 tỷ đồng, tăng 364%. Trong đó, vốn huy động gần 30,1 tỷ đồng, tăng 39,2% (mức tăng toàn tỉnh 5,31%); dư nợ cho vay gần 39 tỷ đồng, tăng 39% (mức tăng toàn tỉnh 17%); với hơn 700 thành viên vay vốn. Hiện nay, cho vay sản xuất nông nghiệp chiếm 32,2%; cho vay lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 17%, cho vay tiêu dùng chiếm 49,4%, cho vay khác chiếm 1,4% tổng dư nợ. Quỹ cho vay tín chấp tối đa 30 triệu đồng đối với hội viên phụ nữ và nông dân, tối đa đến 200 triệu đồng đối với giáo viên; cho vay có thế chấp tài sản đến 700 - 800 triệu đồng. Để hỗ trợ các địa phương phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chương trình mỗi xã một sản phẩm, tại kỳ đại hội thành viên tháng 3-2019, quỹ đã đề xuất với NHNN Chi nhánh Khánh Hòa mở rộng địa bàn hoạt động sang phường Ninh Giang, nếu được chuẩn y quỹ sẽ ký kết với phường Ninh Giang về việc tài trợ vốn cho làng hoa cúc.


Ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, chi nhánh thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của QTDND Ninh Hòa, tăng trưởng vốn huy động và dư nợ cho vay cao hơn nhiều mức tăng chung toàn tỉnh, không có nợ xấu; kết quả kinh doanh có lãi. Địa bàn hoạt động của quỹ có sản phẩm nông nghiệp truyền thống được tỉnh công nhận như: gạo Ngọc Quang ở xã Ninh Quang, chế biến nem chua, chả lụa ở phường Ninh Hiệp; nếu mở rộng địa bàn hoạt động sang xã Ninh Giang thì có thêm sản phẩm truyền thống là chế tác đá mỹ nghệ, trồng hoa cúc. Vì thế, thời gian tới, quỹ cần quan tâm chương trình cho vay các sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, dành vốn cho vay tiêu dùng để góp phần hạn chế cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”.


NAM DU