Để phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với lợi thế về phát triển nông nghiệp, thời gian qua, huyện Khánh Sơn đã thành lập nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn.
Thành lập nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác
Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, đến nay, nông nghiệp đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Địa phương là “thủ phủ” cây ăn quả chất lượng cao của tỉnh và cả khu vực Nam Trung Bộ. Hiện nay, toàn huyện có 4.911ha sản xuất nông nghiệp, trong đó có 3.941ha cây trồng lâu năm. Đặc biệt, trong đó có 3.308ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, gồm: 2.600ha sầu riêng (1.700ha cho thu hoạch), 349ha bưởi da xanh, 38ha quýt, 51ha chôm chôm và nhiều diện tích cây ăn quả khác. Với lợi thế này, thời gian qua, Khánh Sơn đã chú trọng liên kết các nhà vườn, nông dân để phát triển các HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là trồng cây ăn quả, với nhiều đơn vị hoạt động hiệu quả như: HTX Điền Thanh (xã Sơn Hiệp), HTX cây ăn quả Sơn Bình (xã Sơn Bình), HTX sầu riêng hữu cơ Sơn Trung (xã Sơn Trung), HTX nông nghiệp xanh Thành Sơn (xã Thành Sơn), tổ hợp tác trái cây Ba Cụm Bắc, tổ hợp tác sầu riêng Ba Cụm Nam, tổ hợp tác sầu riêng Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp)…
Người dân mua sầu riêng của một hợp tác xã ở huyện Khánh Sơn tham gia Phiên chợ đặc sản vùng miền Khánh Hòa năm 2024. Ảnh: C.VÂN |
Ông Phan Trường Nam - Chủ tịch UBND xã Sơn Trung chia sẻ: “Thời gian qua, xã Sơn Trung chú trọng hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác và HTX trồng cây ăn quả nhằm phát huy lợi thế về nông nghiệp của địa phương. Đến nay, xã đã thành lập 3 tổ hợp tác, 1 HTX, thu hút hơn 50 nhà vườn tham gia. Nhờ phát triển kinh tế tập thể, nhiều sản phẩm của các tổ hợp tác, HTX trồng cây ăn quả của xã đã được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; nhiều diện tích trồng sầu riêng của nông dân được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc…”.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện, để phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, thời gian qua, huyện tập trung phát triển các HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 11 HTX và 28 tổ hợp tác hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng các loại cây đặc sản của địa phương; cung ứng các dịch vụ đầu vào, tiêu thụ nông sản. Toàn huyện đã phát triển được 34 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 33 sản phẩm đạt 3 sao, chủ yếu của các chủ thể kinh tế tập thể. Trong số 15 chủ thể được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, có đến 13 chủ thể là các HTX, tổ hợp tác… Hoạt động của các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn cơ bản ổn định, hỗ trợ thành viên trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập; góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội huyện.
Tiếp tục hỗ trợ kinh tế tập thể
Tuy được địa phương quan tâm, nhưng các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động khi quy mô còn nhỏ, ít thành viên. Hoạt động của các HTX, tổ hợp tác chưa có sức lan tỏa nhiều; đa phần dừng lại ở việc liên kết hộ chứ chưa gắn kết được các thành viên, nhà vườn; việc tiếp nhận tiến bộ sản xuất mới còn chậm…; người quản lý HTX, tổ hợp tác còn hạn chế về năng lực, trình độ, nguồn vốn để phát triển còn hạn chế…
Ông Doãn Trọng Toan - đại diện HTX cây ăn quả Sơn Bình kiến nghị: “Để phát triển kinh tế tập thể, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh; giới thiệu cho các HTX, tổ hợp tác và thành viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất kinh doanh và phát triển thành viên mới; tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia nhiều hơn các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; kết nối tiêu thụ hàng hóa mà các thành viên HTX, tổ hợp tác làm ra. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác trong việc hoàn thiện tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, xây dựng mã số vùng trồng…”.
Người dân tham quan gian hàng sầu riêng của một hợp tác xã tham gia Lễ hội trái cây Khánh Sơn năm 2024. |
Theo ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể trên địa bàn, gắn với lợi thế phát triển nông nghiệp, tiềm năng du lịch của huyện. Muốn vậy, các cấp ủy, chính quyền cơ sở trên địa bàn cần tập trung cho công tác tuyên truyền để phát triển kinh tế tập thể theo tinh thần Nghị quyết số 20 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và chương trình hành động của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu các hoạt động hỗ trợ thiết thực để các HTX, tổ hợp tác củng cố hoạt động, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả gắn với định hướng của huyện chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”. Huyện cũng chú trọng tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá các sản phẩm, liên kết các chủ thể kinh tế tập thể với doanh nghiệp để hình thành các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ, ổn định đầu ra cho sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác… Cùng với đó, huyện sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án để hỗ trợ kịp thời cho kinh tế tập thể phát triển; phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất nông nghiệp, hạ tầng giao thông; thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với du lịch để hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển bền vững…
HẢI LĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin