20:21, 12/07/2024

Nuôi biển công nghệ cao: Tìm hướng mở rộng mô hình thí điểm

BÍCH LA

Chiều 12-7, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa chủ trì hội nghị chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giải pháp mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa. Tham dự hội nghị có các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và địa phương ven biển trong tỉnh; các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS), sản xuất vật tư phục vụ nuôi biển…

Những bước đi đầu tiên

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Nghị quyết số 42/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động số 30 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đều xác định: Công tác xây dựng và triển khai Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế biển của tỉnh. Đề án này được xác định là đề án mới và khó bởi có nội dung lớn, khối lượng công việc nhiều, phạm vi rộng từ khu vực ven bờ đến 6 hải lý mặt nước biển thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Sau một thời gian nỗ lực triển khai, với nhiều lần lấy ý kiến tham vấn của chuyên gia, nhà khoa học, góp ý của các bộ, ngành liên quan, đến nay, Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo quy định.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Song song với việc hoàn thiện Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa, cuối năm 2022, UBND tỉnh đã có Quyết định triển khai xây dựng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở xã Cam Lập (TP. Cam Ranh) do Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup tài trợ. Tháng 5-2023, mô hình thí điểm này đã được triển khai trên thực tế, với 10 hộ dân nuôi biển trên địa bàn Cam Ranh đã được hỗ trợ tổng cộng 16 lồng tròn HDPE (thể tích 1 lồng 800m3) để nuôi cá biển, 12 ô lồng vuông HDPE (thể tích 24m3/ô lồng, nuôi 2 tầng) để nuôi tôm hùm. Ngoài ra, các hộ còn được tài trợ hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử…

Báo cáo kết quả thực hiện mô hình thí điểm này, ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Sau 1 năm triển khai, năng suất, sản lượng, lợi nhuận mang lại cho các hộ tham gia mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển mở xã Cam Lập cao hơn so với nuôi theo kiểu truyền thống. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận của hộ nuôi cá bớp tham gia mô hình đạt 172% so với hộ nuôi cùng quy mô bằng lồng bè gỗ truyền thống; của hộ nuôi tôm hùm đạt 112%. Kết quả thí điểm còn cho thấy, đây là cơ sở quan trọng để người dân thay đổi phương thức sản xuất trong nuôi biển, gắn với bảo vệ môi trường nuôi; giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; làm đẹp cảnh quan, có thể kết hợp phát triển du lịch sinh thái…”.

Hướng đến nhân rộng mô hình

Hiện nay, số lượng lồng NTTS trên địa bàn tỉnh rất lớn, chủ lực là tôm hùm, cá biển. Người dân chủ yếu nuôi theo phương thức truyền thống bằng lồng bè gỗ, với công nghệ nuôi lạc hậu, đa số sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi rất lớn và nuôi tràn lan ngoài vùng quy định nên rủi ro về môi trường, thiên tai, dịch bệnh rất lớn. Tình trạng người dân lấn chiếm công trình hàng hải để nuôi cũng xuất hiện tràn lan ở nhiều địa phương trong tỉnh. Từ thực tế này, việc thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển mở Cam Lập là một bước đi quan trọng trong quá trình cụ thể hóa Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm từng bước thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, với định hướng "phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường”.

Ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, Khánh Hòa là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển nuôi biển công nghệ cao. Tỉnh cần từng bước nhân rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao để đưa ngành nuôi biển trở thành ngành mang lại giá trị gia tăng cao; mang lại thu nhập cao cho người dân. Tham dự hội nghị, lãnh đạo nhiều đơn vị cho rằng, để mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, cần phải giải quyết được nhiều vấn đề đang đặt ra, như: Quy hoạch vùng nuôi; giao mặt nước biển, cấp phép NTTS cho người dân, doanh nghiệp; rà soát, quản lý chặt chẽ NTTS tại các địa phương ven biển trong tỉnh; chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm để người dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình nuôi sang ứng dụng công nghệ cao; công nghệ nuôi nào là phù hợp với thực tế nuôi biển trong tỉnh; khả năng liên kết, thành lập các hợp tác xã nuôi biển để chuyển đổi, phát triển nuôi biển công nghệ cao; định hướng phát triển thức ăn, con giống, vật tư phục vụ nuôi biển… Lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NTTS, sản xuất vật tư phục vụ nuôi biển đã có nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất để ông Nguyễn Hải Ninh xem xét, chỉ đạo giải quyết những vấn đề này. Cũng tại hội nghị, đại diện Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup chia sẻ sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong việc nhân rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao ra một số địa phương khác, với quy mô lớn hơn so với mô hình thực hiện tại xã Cam Lập. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay, Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đang được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đã xác định rõ các vị trí nuôi biển trên địa bàn tỉnh. Để phát triển nuôi biển công nghệ cao, tỉnh đã sẵn sàng về khu vực nuôi, đối tượng nuôi, quy trình nuôi… và sẵn sàng tiếp nhận các dự án phát triển nuôi biển công nghệ cao. Đối với các chính sách hỗ trợ nuôi biển công nghệ cao theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh sẽ xây dựng nghị quyết về hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè NTTS và trên các phương tiện phục vụ cho hoạt động NTTS trên biển; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển tại tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo công tác rà soát, đánh giá lại toàn bộ các khu vực đang nuôi biển; tăng cường công tác quản lý để giảm thiểu tình trạng nuôi tự phát tràn lan ngoài vùng quy định để có định hướng phát triển nuôi biển công nghệ cao hướng ra xa bờ và đảm bảo sinh kế cho người dân…

Ông NGUYỄN HẢI NINH - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Những ý kiến, đề xuất, kiến nghị tại hội nghị giúp tỉnh nhận diện được vấn đề cần tập trung nghiên cứu để triển khai nhân rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại tỉnh; hoàn thiện Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa; cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương về phát triển tỉnh. Mặc dù các nhóm vấn đề nêu ra tại hội nghị này đều là những khó khăn, thách thức trong phát triển nuôi biển công nghệ cao của tỉnh, nhưng phải xác định tinh thần, khó cũng phải làm, làm cho bằng được, khó khăn đến đâu phải tháo gỡ đến đó để thực hiện mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành tỉnh mạnh về phát triển kinh tế biển, trong đó có nuôi biển công nghệ cao. Nội dung nào thuộc về cơ chế, chính sách của tỉnh, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ; nội dung nào thuộc thẩm quyền của Trung ương, tỉnh sẽ kiến nghị tháo gỡ; nội dung nào thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân thì tỉnh tuyên truyền, thúc đẩy, hỗ trợ, đồng hành thực hiện.

Sau hội nghị này, UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, như: Khảo sát, xác định rõ vùng nuôi trồng thủy sản trên biển để xác định cụ thể vùng nuôi tiềm năng; rà soát, thống kê, phân loại các hộ dân nuôi trồng thủy sản tại các địa phương và tăng cường quản lý, kiểm soát để không mở rộng các vùng nuôi trái phép - trách nhiệm này thuộc về UBND các địa phương có biển, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. UBND tỉnh cần thực hiện quy hoạch vùng nuôi, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản cho người dân, doanh nghiệp; chỉ khi xác định được vị trí nuôi trồng mới thực hiện được việc chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao. Đối với chính sách tín dụng phát triển nuôi biển công nghệ cao, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp nghiên cứu đề xuất 1 chính sách tín dụng đủ hấp dẫn để khuyến khích người dân chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao. Đối với vấn đề bảo hiểm con người, tài sản trong nuôi biển, cơ quan bảo hiểm có đề xuất cụ thể đối với tỉnh; riêng chính sách bảo hiểm theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội, UBND tỉnh cần chủ trì xây dựng chính sách hỗ trợ. Về công nghệ nuôi biển, UBND tỉnh phải xác định được một hệ tiêu chí lồng bè nuôi biển công nghệ cao, cùng với đó là việc kiểm định, phân loại cụ thể; các doanh nghiệp sản xuất lồng bè HDPE cần nghiên cứu hạ giá thành sản phẩm, có chính sách ưu đãi đối với hộ dân đầu tư chuyển đổi sang lồng HDPE. Đối với thức ăn, con giống, UBND tỉnh kết nối giữa nhà khoa học, doanh nghiệp để nghiên cứu thức ăn, con giống; mời gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi biển trong tỉnh; khuyến khích người dân sử dụng thức ăn công nghiệp. Liên minh Hợp tác xã tỉnh phải thành lập được ít nhất 1 hợp tác xã nuôi biển công nghệ cao trong tỉnh. Các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản hàng đầu trên địa bàn liên kết với các hộ nuôi trong tỉnh để phát triển nuôi biển công nghệ cao. UBND tỉnh nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để giải quyết đối với những vấn đề như: Hậu cần, hạ tầng nuôi biển, thị trường tiêu thị, nuôi biển kết hợp du lịch…; chủ trì xây dựng đề án giải pháp mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại tỉnh. Tỉnh đề nghị Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup tiếp tục hỗ trợ thực hiện đề án giải pháp mở rộng thí điểm này.

BÍCH LA