21:20, 23/02/2024

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa:
Tập trung hỗ trợ các mô hình chất lượng cao

HỒNG ĐĂNG

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiệu quả, có tính ứng dụng cao. Năm 2024, trung tâm tập trung vào các mô hình trồng trọt theo chuẩn VietGAP, chăn nuôi thân thiện với môi trường, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao…

Đem lại hiệu quả

Ông Huỳnh Kim Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, năm 2023, từ nguồn kinh phí khuyến nông Trung ương, trung tâm đã triển khai 3 dự án khuyến nông. Trong đó, Dự án “Xây dựng mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, rải vụ thu hoạch gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2023” được triển khai trên tổng diện tích 22ha ở thị trấn Cam Đức và 2 xã Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây (huyện Cam Lâm). Qua đó, góp phần tăng diện tích xoài VietGAP, vừa làm tăng chất lượng sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc minh bạch, rõ ràng vừa giúp tăng năng suất hơn 15% so với hình thức canh tác truyền thống. Ngoài ra, Hợp tác xã cây ăn quả Cam Thành Bắc đã ký kết tiêu thụ 100% sản phẩm xoài VietGAP của các hộ dân tham gia mô hình, giải quyết được bài toán đầu ra ổn định. Đến nay, dự án đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, sơ kết, tọa đàm liên kết tiêu thụ sản phẩm và tập huấn nhân rộng mô hình, đồng thời nghiệm thu cơ sở năm 2023 và dự kiến kết thúc vào tháng 3 năm nay.

Tại huyện Khánh Vĩnh, Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản tạo vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái” được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai trong 3 năm (2023 - 2025). Năm 2023, dự án thực hiện tại xã Khánh Trung và Khánh Phú với quy mô 105 con; trong đó có 5 con giống dê đực ngoại, 80 con giống dê cái lai Boer và 20 con dê cái bách thảo. 2 hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ 70% dê giống, vật tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Đến nay, đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt, mô hình phù hợp với chủ trương phát triển chăn nuôi của tỉnh, nhất là phù hợp với trình độ chăn nuôi của người dân Khánh Vĩnh. Dự án này đã tổ chức 2 lớp tập huấn, hội nghị tham quan mô hình và hội nghị sơ kết năm 2023 nhằm nhân rộng mô hình.

Tại thị xã Ninh Hòa, Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất muối sạch theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm” được triển khai trên diện tích 1,5ha cho 1 hộ dân. Đến nay, dự án đã tiến hành tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư bạt nhựa HDPE và triển khai các bước sản xuất muối sạch. Dự án đã tổ chức tập huấn nhân rộng mô hình và hội nghị tổng kết năm 2023, thu hút hàng trăm diêm dân tham gia, tìm hiểu.

Diêm dân phường Ninh Diêm (thị xã Ninh Hòa) tham gia mô hình sản xuất muối sạch theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất sạch, an toàn

Theo ông Huỳnh Kim Khánh, năm nay, trung tâm dự kiến triển khai thực hiện 15 mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi về an toàn, thân thiện với môi trường và có khả năng truy xuất nguồn gốc, được chứng nhận. Trong đó, đối với trồng trọt có mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, thâm canh mãng cầu Thái, bưởi VietGAP, sầu riêng VietGAP, rau VietGAP và trồng cây tre điền trúc chuyên để lấy măng. Với chăn nuôi, trung tâm tập trung vào mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học có sử dụng đệm lót, nuôi bò sinh sản và ủ chua thức ăn xanh, nuôi dê sinh sản chất lượng cao, chăn nuôi heo đen thương phẩm. Với nuôi trồng thủy sản, trung tâm dự kiến triển khai mô hình nuôi tôm sú kết hợp với cá dìa, cá giò; nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc; nuôi lươn không bùn và mô hình ứng dụng hầm bảo quản hải sản trên tàu cá bằng vật liệu Polyurethane (PU).

Cùng với việc tiếp tục thực hiện các dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản tạo vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái”, “Xây dựng mô hình sản xuất muối sạch theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm”, trong năm 2024, trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại TP. Cam Ranh. Mô hình hỗ trợ lồng nuôi vật liệu HDPE để nuôi tôm, cá đối với 10 hộ dân. Hệ thống lồng nuôi này có camera giám sát, định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7; được trang bị máy cho ăn tự động; lồng nuôi có khả năng chống chịu tốt với sóng gió, có thể nuôi ở vùng biển hở, nuôi quy mô lớn. Qua đó, từng bước thực hiện hiệu quả mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2030 sẽ chuyển đổi 100% lồng bè nuôi truyền thống sang nuôi lồng HDPE và nuôi công nghiệp vùng biển xa bờ, ứng dụng công nghệ cao, với phương thức quản lý hiện đại… 

HỒNG ĐĂNG