Tại Khánh Hòa, 2 nông dân Lê Văn Tâm (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) chế tạo hệ thống nén áp lực đưa nước lên đồi cao và Nguyễn Thanh Tiến (xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa) vận động nông dân cải tạo đất kém hiệu quả phát triển trang trại du lịch đều là những người đi đầu làm kinh tế xanh. Những thành tích của họ đã được ghi nhận, trao giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ X (2022 - 2023).
Tưới “thả ga” không tốn điện
Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Tâm (60 tuổi, thôn Cổ Mã, xã Vạn Thọ) giữa những ngày cuối năm. Ông đón tôi tại hầm Cổ Mã trên Quốc lộ 1 và đưa về nhà cách đó vài chục mét. Đúng như hình dung, nhà ông Tâm dựa thế đồi cao, rợp mát bóng dừa, cây cối xanh tốt nhờ hệ thống dẫn nước tự động không tốn tiền điện.
- Thưa anh, tôi nghe tiếng gì lách cách đều đều? - tôi hỏi.
- Là tiếng của hệ thống nén đưa nước lên đồi đấy. Cứ vài giây thì xuất hiện một lần - ông Tâm đáp.
Ông Tâm với máy nén áp lực. |
Nghe vậy, tôi vội giục ông đưa đi xem. Không xa ngôi nhà, hệ thống nén áp lực gồm một loạt những ống nước, van chằng chịt. Ông thiết kế 2 hệ thống để đưa nước theo 2 hướng tưới cho cây. Nhìn bên ngoài, hệ thống khá đơn giản, chỉ là những chiếc ống nối với nhau. Tuy nhiên, “trái tim” của nó chính là chiếc van áp lực 1 chiều. “Cách đây không lâu, sau khi mất nhiều thời gian tìm tòi phương pháp tưới cho cây mà không hiệu quả, tôi phát hiện ra cách này, tức là dùng van 1 chiều để đẩy nước. Van hoạt động khá đơn giản. Trong van có bộ phận gọi là cửa xoay. Khi không có nước đi qua, cửa xoay đóng. Khi có nước, cửa xoay mở ra tạo nên áp lực khiến van chỉ hoạt động một chiều. Từ đó tạo nên áp lực nén khiến dòng nước chuyển động liên tục đẩy nước đi xa. Nói cách khác là van hoạt động hoàn toàn tự động mà không cần dùng điện chạy mô tơ”, ông Tâm cho hay.
Dừa là nguồn thu nhập đáng kể của trang trại |
Ông Tâm kể, khu rẫy của gia đình có mạch nước ngầm từ trên núi cao chảy xuống nhưng không có cách nào tận dụng để tưới cho cây ngoài việc lắp máy bơm. Chỉ tính tiền điện, tiền dầu mất 30.000 đồng/giờ, số tiền này không nhỏ đối với nông dân. Đã vậy, kéo cả trăm mét dây điện có khi không đủ, vướng đá tảng, đồi dốc, rất tốn kém lại còn khó bảo dưỡng. Thế rồi ông lên mạng Internet tìm hiểu mới phát hiện ra cách này và cải tiến hệ thống nhiều lần mới được như hiện nay. Từ ngày có hệ thống tưới tự động này, cả trang trại có diện tích hơn chục héc-ta với nhiều loại cây trồng, như: Sưa, gió bầu, dừa, mít, xoài, đu đủ... quanh năm xanh mát nhờ nguồn nước dồi dào.
Nói về hiệu quả của việc sáng tạo máy nén áp lực nước, ông Tâm cho hay chỉ mất khoảng 5 triệu đồng mua vật tư lắp ráp nhưng hiệu quả rất lớn. Hiện nay, chỉ tính tiền thu từ hơn 200 cây dừa trong vườn nhà ông đã có thu nhập 100 triệu đồng/năm, chưa kể những khoản thu khác. Ông Nguyễn Xuân Hoàn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ cho biết, sáng chế của ông Tâm đem lại hiệu quả rất lớn vì nông dân không cần dùng điện để chạy máy bơm, chỉ cần mở van, nguồn nước tự dẫn đến tưới cho từng gốc cây. Hội Nông dân xã đang vận động nông dân áp dụng mô hình của ông Tâm đối với những nơi cao, có mạch nước…
Biến đồi đá thành trang trại du lịch
Vườn xoài là điểm nhấn |
Bên ly trà nóng, ông Nguyễn Thanh Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Thượng vui vẻ kể về cách vận động nông dân làm sao khai thác hiệu quả hơn vùng đất bạc màu. “Những năm trước đây, khu vực quanh đồi núi ở thôn 3, xã Ninh Thượng, nông dân thường trồng các loại cây như: Mía, bắp, keo, bạch đàn... Sau đó, một số người biết chuyển đổi sang trồng xoài với các giống mới như: Đài Loan, Thái Lan, Úc... Song do một số hộ mua nhầm giống hay kỹ thuật chưa đạt nên hiệu quả không cao. Qua kinh nghiệm theo dõi nông nghiệp tại địa phương, tham gia các lớp kỹ thuật về cây trồng, đam mê tìm hiểu kỹ thuật, tôi mạnh dạn đưa ra phương pháp cải tạo vườn tạp, cải tiến kỹ thuật trồng xoài ghép trên vùng đất triền đồi, đá. Từ đó, vận động nông dân trồng xoài đúng kỹ thuật, chọn giống tốt, tạo cây trồng chủ lực thích nghi với vùng đất bạc màu. Song song đó, tôi vận động nông dân ra mắt mô hình khu sinh thái, khu du lịch vườn…” - ông Tiến kể.
Khu tắm tuyết của Suối Mơ Dốc Tình |
Đi thăm trang trại mang tên Suối Mơ Hiền Trung (ở thôn 3) chúng tôi thấy được hiệu quả của giải pháp mà ông Tiến nói. Ông Lê Quang Trung - chủ trang trại Suối Mơ Hiền Trung cho hay: “Ông Tiến đã vận động nông dân trồng xoài ghép mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây xoài Đài Loan là cây trồng chủ lực của các trang trại hiện nay. Với tán gọn, dáng thanh mảnh, vườn xoài trở thành điểm nhấn của trang trại". Ông Trung còn xây dựng tiểu cảnh, hồ nước, tận dụng suối Mơ chảy qua trang trại làm nơi nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn cho khách phương xa, từ đó hình thành khu du lịch mini… “Thu nhập từ làm du lịch chưa cao, tạm đủ chi trả lương cho 5 hộ mà tôi thuê mướn, nhưng tương lai chúng tôi có kế hoạch khai thác dài hơi sẽ rất khác…”, ông Trung tiết lộ.
Các trang trại tận dụng dòng suối thu hút khách |
Hiện nay, dọc con suối Mơ đã hình thành 3 trang trại du lịch. Đó là trang trại Suối Mơ Hiền Trung, trang trại Suối Thiên nhiên ATK, trang trại Suối Mơ Dốc Tình tận dụng thế mạnh dòng suối kinh doanh các dịch vụ. Theo ông Ngô Xuân Đại - Chủ tịch UBND xã Ninh Thượng, với quỹ đất rộng lớn, có nhiều tiềm năng để khai thác phát triển nông nghiệp du lịch sinh thái vườn, Hội Nông dân xã đã vận động nông dân thành lập các trang trại du lịch. Các điểm du lịch đã đi vào hoạt động ổn định, du khách đến tham quan tắm suối rất đông nhất là vào 3 tháng hè, số lượng 400 - 500 lượt khách/ngày, dịp cuối tuần có thể lên đến 600 lượt khách/ngày. Hiện nay, các điểm du lịch trên địa bàn chủ yếu phục vụ khách tham quan, kết hợp ăn uống, cắm trại, mua bán trái cây, quy mô còn nhỏ và mang tính tự phát. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động các chủ trang trại mở rộng quy mô, hình thức, xây dựng khu du lịch, gắn với bảo vệ môi trường, mời các ngành về tập huấn, chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm xây dựng mô hình du lịch sinh thái, phát huy thế mạnh du lịch của địa phương…
VĨNH LẠC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin