Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã tạo điều kiện để những dự án đầu tư thứ cấp ở các cụm công nghiệp (CCN) sớm triển khai. Tuy nhiên, do còn một số khó khăn chung nên việc thu hút nhà đầu tư và đưa dự án thứ cấp đi vào hoạt động chưa đạt yêu cầu đặt ra.
Nhiều dự án chậm triển khai
Trên địa bàn tỉnh, các CCN đang gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng và đưa những dự án thứ cấp đi vào hoạt động. Ngoài 2 CCN: Đắc Lộc (TP. Nha Trang) và Diên Phú (huyện Diên Khánh) đã lấp đầy 100% diện tích cho thuê (CCN Đắc Lộc thu hút được 18 dự án, CCN Diên Phú thu hút được 31 dự án), các CCN còn lại đa phần đều chưa đạt tỷ lệ lấp đầy đã đề ra. Đặc biệt, với các CCN mới thành lập, số dự án thứ cấp hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động vẫn còn chậm. Trong đó, CCN Diên Phú - VCN (Diên Khánh) thu hút được 15 dự án đầu tư thứ cấp, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, nhưng hiện nay mới có 7 dự án đi vào hoạt động (chiếm 50% diện tích). CCN Trảng É (huyện Cam Lâm) đã thu hút được 11 nhà đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, nhưng trong năm mới chỉ có 4 dự án chính đi vào hoạt động. CCN và Chăn nuôi Khatoco - Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) đã thành lập từ lâu, nhưng đến nay chỉ có 3 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh; tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 69%. CCN Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh) có 7 nhà đầu tư thứ cấp đăng ký thuê đất, tỷ lệ lấp đầy đạt 78%, nhưng đến tháng 12-2023 mới chỉ có 1 doanh nghiệp (DN) chính thức đi vào hoạt động... Riêng CCN Diên Thọ (Diên Khánh), vào cuối năm 2022, UBND tỉnh đã chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (lần thứ 2), trong đó xác định thời gian hoàn thành giải phóng mặt bằng, hoàn tất các thủ tục về đất đai, song đến nay vẫn chưa thực hiện được các bước tiếp theo.
Các cụm công nghiệp Trảng É. |
Ông Phạm Thanh Phong - Giám đốc Ban Quản lý CCN Sông Cầu cho biết, năm 2023, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế chung nên khá nhiều dự án đầu tư thứ cấp ở CCN trên địa bàn gặp khó khăn. Nhiều chủ đầu tư có kế hoạch thực hiện dự án để đi vào hoạt động nhưng phải tạm dừng và gia hạn thời gian thi công. Thị trường và nguồn vốn là 2 vấn đề lớn khiến các DN phải tính toán lại suất đầu tư cho hợp lý. Hy vọng trong năm 2024, tình hình kinh tế ổn định sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư thứ cấp sớm thực hiện dự án và đưa vào hoạt động, qua đó tạo sự phát triển chung cho công nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút đầu tư
Theo các nhà đầu tư, bên cạnh những khó khăn do sự biến động chung về kinh tế, các CCN trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, xử lý môi trường, thủ tục pháp lý để triển khai dự án đầu tư thứ cấp. Tại các CCN Trảng É, đến nay vẫn còn nhiều diện tích đất chưa giải phóng mặt bằng nên chưa thể triển khai các bước tiếp theo. CCN và Chăn nuôi Khatoco - Ninh Ích, đã đi vào hoạt động từ năm 2010 nhưng đến nay hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống quan trắc nước thải tự động, hệ thống phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải vẫn chưa đồng bộ, thiếu nguồn nước sạch để phục vụ sản xuất. Đây là nguyên nhân chính khiến hơn 6ha đất còn lại vẫn chưa có nhà đầu tư thứ cấp thuê. Các CCN khác như: Diên Thọ; Ninh Xuân (Ninh Hòa) ngoài gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng còn vướng mắc về quy hoạch xây dựng... Ngoài ra, vấn đề về thay đổi hình thức cho thuê đất từ một lần sang thuê đất trả tiền hàng năm đã gây khó khăn cho việc thu hút, kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động trong các CCN trên địa bàn tỉnh. Các DN thuê đất trả tiền hàng năm sẽ bất lợi trong vay vốn từ ngân hàng.
Doanh nghiệp mới đi vào hoạt động tại Cụm Công nghiệp Trảng É 1. |
Ông Phan Hoài Phương - Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Bất động sản Khatoco cho biết, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thứ cấp sớm xây dựng và đưa nhà máy đi vào hoạt động, chủ đầu tư đã kiến nghị với UBND tỉnh những vấn đề vướng mắc nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN sớm triển khai dự án. Sang năm 2024, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, cũng như sự phục hồi chung của kinh tế thế giới, hy vọng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào các CCN.
Ông Phạm Thanh Phong cho biết, CCN Sông Cầu đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi như giảm giá thuê đất cho nhà đầu tư thứ cấp thuê hạ tầng với diện tích từ 2 đến 5ha; thanh toán tiền thuê đất gắn với cơ sở hạ tầng theo tiến độ 18 tháng chia thành 5 lần; miễn phí quản lý điều hành và bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật trong vòng 2 năm. Bên cạnh đó, còn có các chính sách ưu đãi của Nhà nước và tỉnh hỗ trợ thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu và giá thuê mặt bằng.
Hoạt động sản xuất của Nhà máy Chế biến nguyên liệu Yến sào Sanvinest Khánh Hòa tại Cụm Công nghiệp Sông Cầu. |
Ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, sở sẽ tạo điều kiện hết mức cho các DN đầu tư thứ cấp. Đối với các thủ tục hành chính, ngay từ đầu năm, lãnh đạo sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ DN, tạo mức tăng trưởng cho công nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh được thuận lợi, nhanh chóng. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đề án mô hình "một cửa" theo hướng hiện đại nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ hành chính công; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN, giải quyết hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đẩy nhanh tiến độ và đưa vào hoạt động các dự án mới nhằm tạo năng lực mới góp phần tăng trưởng kinh tế.
ĐÌNH LÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin