21:43, 11/12/2023

Phát triển ngành chế biến thủy sản: Cần nâng chất lượng, giá trị sản phẩm

HẢI LĂNG

Mới đây, tại TP. Nha Trang, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức hội nghị về giải pháp thực hiện “Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch của Bộ NN-PTNT triển khai đề án”. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá những hạn chế và thảo luận các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả đề án.

Tập trung nâng cao giá trị

Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu của đề án là phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030. Mục tiêu của đề án không chỉ là tăng sản lượng mà còn tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Cá ngừ vây vàng mắt to là một trong những sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
Cá ngừ vây vàng mắt to là một trong những sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Được biết, Việt Nam đang hướng tới trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chế biến sâu và tạo ra các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao. Điều này đòi hỏi những địa phương có thế mạnh về khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản như Khánh Hòa phải có sự chuyển đổi, từ việc tập trung vào số lượng sang chất lượng và giá trị. Việc tăng cường chế biến sâu không chỉ giúp tăng giá trị cho các sản phẩm, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản chiếm lĩnh thị trường.

Ông Lê Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Khánh Hòa có lợi thế về phát triển kinh tế thủy sản, được xác định là một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Thủy sản cũng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đóng góp tích cực vào chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo việc làm cho gần 83.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp trong ngành chế biến thủy sản khoảng 21.600 người. Để phát triển ngành chế biến thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai, bước đầu đã đạt được một số kết quả trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến các sản phẩm thủy sản từ khai thác và nuôi trồng.  

Vẫn còn nhiều khó khăn

Khánh Hòa được xác định là một trong những trung tâm chế biến thủy sản lớn của cả nước, với 64 cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản được Bộ NN-PTNT chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu của tỉnh đã có mặt tại 64 thị trường trên thế giới và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của tỉnh. Do khó khăn chung của thị trường, đến tháng 10-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản tỉnh đạt 511,4 triệu USD, giảm 19,15% so với cùng kỳ năm 2022. “Việc triển khai Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp một số khó khăn và hạn chế. Cụ thể như: Thị trường đầu ra một số sản phẩm thủy sản chưa thật sự ổn định, sản phẩm thủy sản chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, đông lạnh mà chưa có sản phẩm chế biến sâu; ngành nuôi biển của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản thủy sản, nhất là thủy sản nuôi chưa mang tính bền vững. Do đó, cần nhìn nhận, đánh giá những chính sách hiện có, đề ra những giải pháp phù hợp để phát triển ngành chế biến thủy sản theo đúng mục tiêu của đề án”, ông Lê Văn Hoan cho hay.

Theo thông tin từ Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, đến hết tháng 10-2023, tổng trị giá xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt khoảng 693 triệu USD, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm 2022. Việc thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ thông qua quản lý và giám sát nghề cá sẽ giúp phát triển bền vững ngành chế biến cá ngừ xuất khẩu. Do đó, ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh cần thực hiện tốt công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhằm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu. Trong xuất khẩu thủy sản, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm và thị trường; tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong việc phát triển nguồn lợi cá ngừ.

Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cho rằng, hiện nay, sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, trong khi các yếu tố bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao, giá trị gia tăng trong sản phẩm thủy sản còn khiêm tốn, chưa đẩy mạnh chế biến sâu… Trong xu thế hiện nay, các doanh nghiệp chế biến đang tiếp tục củng cố chất lượng thông qua các hoạt động liên quan đến chứng nhận quốc tế, tập trung vào các vấn đề liên quan đến kinh tế xanh nhằm phát triển thương hiệu và khả năng quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu…

HẢI LĂNG