Sau khi Báo Khánh Hòa đăng loạt bài: “Tràn lan nuôi trồng thủy sản ngoài vùng quy hoạch”, với tư cách là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV đã đưa ra nhiều gợi mở để góp phần phát triển nghề nuôi biển của tỉnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi. |
- Thưa ông, Khánh Hòa là một trong những tỉnh ven biển với nhiều lợi thế vốn có, trong đó có tiềm năng rất lớn để phát triển nghề NTTS. Ông đánh giá như thế nào về công tác quy hoạch NTTS của tỉnh trong thời gian qua?
- Khánh Hòa hưởng dụng một vùng biển mở, nằm gần bồn trũng nước sâu ở Biển Đông nên có điều kiện môi trường sinh thái “kiểu đại dương”, sông đổ vào biển ít phù sa nên thuận lợi cho phát triển NTTS. Thời gian qua, lĩnh vực thủy sản, bao gồm NTTS đã đóng góp không nhỏ (khoảng 50%) trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp của tỉnh. Cùng với khai thác, NTTS là nghề gắn với sinh kế truyền thống của người dân ven biển và trên đảo của tỉnh Khánh Hòa. NTTS luôn được xem là một trong những hướng ưu tiên của tỉnh và là yếu tố không thể tách rời của kinh tế biển Khánh Hòa - một trụ cột phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mặc dù tiềm năng lớn song để phát triển NTTS thực sự hiệu quả, bền vững cần phải giải quyết thật tốt hai khâu cuối của chuỗi cung ứng: Môi trường và thị trường thông qua quy hoạch và ứng dụng giải pháp công nghệ tiên tiến, thân thiện. Về nguyên tắc, quy hoạch phải đi trước các hành động phát triển (đầu tư, sản xuất, tiêu thụ). Đồng thời, xử lý được mâu thuẫn sử dụng không gian vùng cửa sông, vũng, vịnh ven biển và vùng biển ven bờ trong bối cảnh sử dụng đa ngành trong một khu vực tương tác biển - đất liền, nơi gặp gỡ giữa đất và biển. Đây là đặc trưng cơ bản, phổ quát không chỉ của vùng bờ biển Khánh Hòa mà trên phạm vi cả nước, cần được cân nhắc, tôn trọng khi tiến hành quy hoạch NTTS và ngược lại. Tuy nhiên, thực tế công tác quy hoạch ở nước ta nói chung, biển và vùng bờ biển tỉnh nói riêng vẫn còn đi sau các hành động phát triển. Hậu quả là, quy hoạch thiếu tính dự báo cung cầu. Ở Khánh Hòa cũng vậy, nhu cầu NTTS ngày càng tăng cao, trong khi quy hoạch thu hẹp, dẫn tới NTTS tự phát, gây ra nhiều hệ lụy. Vì thế, vấn đề này đã được đặt ra, nhận diện để thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch phát triển kinh tế biển nói chung và NTTS nói riêng theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị.
- Trong bối cảnh Khánh Hòa đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị nhưng quy hoạch các vùng nuôi chưa được phê duyệt, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nghề nuôi biển của tỉnh. Ông có thể gợi mở một vài giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để phát triển ngành nghề này?
- Điều 4, Điều 6 của Luật Quy hoạch năm 2017 nêu rõ: Các quy hoạch khai thác, sử dụng biển ở cấp địa phương phải tuân thủ và phù hợp với Quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia khác, quy hoạch vùng có liên quan; khi có mâu thuẫn, chồng chéo thì phải tuân thủ quy hoạch cấp cao hơn.
Rất tiếc, đến thời điểm này, các quy hoạch quan trọng như vậy vẫn chưa được Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn nên dù cho Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố vào ngày 1-4, bao gồm các vùng NTTS thì vẫn tiếp tục bị bế tắc khi triển khai. “Độ trễ” của các quy hoạch cấp cao nói trên đã dẫn đến hệ lụy là quy hoạch chi tiết các vùng NTTS của tỉnh buộc phải “treo", chờ, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nghề NTTS trên biển của tỉnh và lợi ích của các bên liên quan. Tình hình quy hoạch nói trên đã được Quốc hội và Chính phủ có chủ trương tháo gỡ. Theo đó, cho phép các quy hoạch các cấp được triển khai song song với các quy hoạch cấp cao hơn, sau đó sẽ ráp nối, rà soát và điều chỉnh theo nguyên tắc của Luật Quy hoạch năm 2017, kể cả quy hoạch cấp thấp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khánh Hòa là một trong số ít tỉnh ven biển được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh sớm và đang tích cực, chủ động thể chế hóa, hiện thực hóa bằng Nghị quyết số 42 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Rõ ràng, căn cứ pháp lý cho quy hoạch NTTS đã có, bài học từ thực tiễn triển khai các nghị quyết bước đầu cũng đã thấy; giờ đây chỉ cần trợ giúp của các giải pháp “kỹ thuật” để rà soát, sớm có căn cứ ráp nối và kịp thời điều chỉnh khi Quy hoạch không gian biển quốc gia được phê duyệt. Việc xác định tối ưu các vùng NTTS và quy mô của chúng đã được tỉnh thực hiện trong quá trình lập quy hoạch tỉnh vừa qua. Nhưng hiện nay, người dân, doanh nghiệp vẫn mong muốn mở rộng diện tích các vùng nuôi, vượt xa diện tích dự kiến quy hoạch. Đó là chưa nói đến mong muốn ấy nếu thiếu luận cứ có thể sẽ tạo xung đột với các ngành, lĩnh vực kinh tế biển khác trong cùng một không gian khai thác, sử dụng biển, trái với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 09. Vậy, cần sớm làm sáng tỏ các vấn đề này thông qua: Phân tích, đánh giá nhanh mâu thuẫn lợi ích và xung đột không gian giữa quy hoạch dự kiến các vùng NTTS hiện nay; tiến hành phân vùng chức năng sử dụng các khu vực biển đã quy hoạch các vùng NTTS. Trên cơ sở đó, đưa ra phương án lựa chọn để sẵn sàng, chủ động đối chiếu với Quy hoạch không gian biển quốc gia và các quy hoạch khác có liên quan ngay sau khi các quy hoạch được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt.
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, người dân mới chỉ NTTS một cách đơn thuần, theo phương thức truyền thống. Vậy, xu hướng phát triển ngành nghề này trong thời gian tới sẽ như thế nào, có hướng đi nào để phát triển đối với ngành nuôi biển, thưa ông?
- Đặc trưng của ngành thủy sản nước ta là tồn tại song hành giữa nghề cá truyền thống, quy mô nhỏ và nghề cá thương mại, quy mô lớn. Đặc trưng này cũng thấy đậm nét ở Khánh Hòa. Đây là hai đối tượng có chính sách khác nhau, nhưng có mối quan hệ gắn bó nên người làm chính sách cần phân biệt. Đến nay, chính sách đối với nghề cá quy mô nhỏ và lớn ở nước ta đều cho chung vào “một gói” nên hiệu lực, hiệu quả triển khai còn thấp.
Ở Khánh Hòa, hoạt động NTTS hiện nay tập trung cao ở vùng ven biển, cửa sông, trong các vũng, vịnh ven bờ. Hoạt động NTTS này có biểu hiện thiếu bền vững; mâu thuẫn lợi ích, xung đột không gian với các hoạt động du lịch, cảng - hàng hải, đô thị hóa, hoạt động bảo đảm an ninh - quốc phòng trên biển có chiều hướng gia tăng. Theo tinh thần Nghị quyết số 09 và Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030 và xa hơn thì tỉnh đã tính toán để giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột nêu trên. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách triển khai cụ thể, từng bước chuyển dịch cơ cấu trong NTTS, nhất là quy hoạch vùng nuôi thân thiện, thích ứng. Xu hướng chung và lâu dài là phát triển NTTS “ra xa hơn, xuống sâu hơn” với sự can thiệp của công nghệ cao, thân thiện môi trường, bảo đảm lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Điều đó có nghĩa là tiếp tục hỗ trợ người dân duy trì sinh kế NTTS truyền thống nhưng thân thiện với môi trường, quy mô an toàn ở khu vực ven biển. Đồng thời, khuyến khích các mô hình liên kết NTTS, tạo “lợi ích kép” với du lịch (câu cá giải trí, ngắm cá giải trí, nuôi cá cảnh rạn san hô, trải nghiệm NTTS…). Ngoài ra, cũng tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp tận dụng dư địa nuôi biển quy mô hàng hóa, công nghệ cao ở khu vực biển 6 hải lý, trước mắt ra đến 3 hải lý gắn với du lịch biển trải nghiệm. Đó cũng là xu hướng chung phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển, là bài học thành công trên thế giới cần tiếp thu có chọn lọc và triển khai theo lộ trình. Từ góc nhìn quy hoạch, bằng cách đó Khánh Hòa sẽ vừa giải quyết mục tiêu ngắn và dài hạn, vừa hài hòa được lợi ích của người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan khác trong khai thác, sử dụng bền vững cùng một khu vực biển.
- Xin cảm ơn ông!
MẠNH HÙNG - VĂN KỲ (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin