Qua 2 đợt bóc tách đất từ Lâm trường Khánh Sơn, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Khánh Sơn (nay là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa) vào các năm 2006 và 2014 để giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nghèo thiếu đất sản xuất, đến nay, huyện Khánh Sơn vẫn còn gần 1.448ha đất đã bóc tách nhưng không thể giao được; trong đó có đến hơn 1.067ha đất do 582 hộ ĐBDTTS và người Kinh đang canh tác.
Canh tác lâu năm trên đất đã bóc tách
Con đường đất dẫn vào khu sản xuất Suối Phèn (thôn Liên Hiệp, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn) mùa này lầy lội bùn đất. Chở theo thùng đựng nước, máy bơm, cần xịt thuốc, ông Mấu Hồng Tý (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp) tất bật lên rẫy để chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình mình ở Suối Phèn. Trên đường đi, ông Tý chỉ cho chúng tôi những vườn sầu riêng, cà phê của người dân địa phương canh tác xen lẫn với lâm phận của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Khánh Sơn, trước khi Nhà nước có quyết định bóc tách diện tích này để giao cho hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất vào năm 2014. Ông Tý kể: “Gia đình tôi có gần 2.150m2 đất sản xuất tại khu vực Suối Phèn. Đây là diện tích đất mà bố mẹ tôi đã canh tác từ rất lâu trước đó, đến năm 1996 chia lại cho để canh tác. Trước đây, tôi trồng lúa rẫy, bắp, mì nhưng không hiệu quả nên cách nay 3 năm, gia đình tôi đã trồng sầu riêng trên toàn bộ diện tích này. Tôi không hiểu vì sao đất gia đình tôi canh tác lâu năm như vậy lại thuộc lâm phận của lâm trường, rồi nằm trong danh sách bị thu hồi”.
Một góc khu vực Suối Phèn, nơi người dân xã Sơn Hiệp đang canh tác trên quỹ đất bóc tách. |
Nghe hỏi chuyện đất bóc tách, ông Bo Bo Niễng - người dân thôn Xà Bói, có đất canh tác tại khu vực Suối Phèn tìm sang trò chuyện. Chỉ tay về 4 khoảnh rẫy đang trồng sầu riêng, cà phê… với tổng diện tích hơn 2,1ha của anh em trong gia đình, ông Niễng cho hay, toàn bộ diện tích này trước đây của bố mẹ ông. Đến năm 2002, khi bố mẹ ông già yếu thì để lại cho anh em trong gia đình ông canh tác. “Năm 2014, Nhà nước bóc tách đất từ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Khánh Sơn để giao cho hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất; toàn bộ các khoảnh đất của gia đình tôi đã canh tác lâu năm trước đó nằm trong danh sách bóc tách”, ông Niễng cho hay.
Rời khu vực sản xuất Suối Phèn, chúng tôi được công chức địa chính xã Sơn Bình đưa đến khu vực sản xuất Suối Sóc (nơi sản xuất của người dân 2 thôn Xóm Cỏ và Liên Bình, xã Sơn Bình). Theo ông Huỳnh Chương - công chức địa chính xã Sơn Bình, tại khu vực này có 54 thửa đất, với tổng diện tích khoảng 772.420m2 của ĐBDTTS nghèo, cận nghèo, người Kinh đang canh tác thuộc diện bóc tách từ đất lâm trường, thu hồi để giao cho hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất theo quyết định của UBND tỉnh vào năm 2014. Trong số đó, có nhiều diện tích mà người dân đã canh tác ổn định nhiều năm trước khi có quyết định thu hồi đất. Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực này, một số diện tích đã được người dân trồng sầu riêng, có cả lâu năm và mới trồng.
Một góc khu vực Suối Sóc, nơi người dân thôn Xóm Cỏ và thôn Liên Bình đang canh tác trên quỹ đất bóc tách. |
Để tìm hiểu thêm chuyện bóc tách đất từ Ban Quản lý Rừng phòng hộ để giao cho hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn và được ông Đông cho biết: “Việc thu hồi đất từ các nông, lâm trường để giao cho hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất được triển khai tại Khánh Sơn qua 2 đợt (năm 2006 và năm 2014), với tổng diện tích đất hơn 2.480ha từ Lâm trường Khánh Sơn, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Khánh Sơn quản lý. Về mặt pháp lý, quỹ đất sau khi bóc tách, thu hồi từ lâm trường là đất sạch nhưng thực tế, đa số diện tích này người dân đã xâm canh, khai phá làm nương rẫy từ trước đó. Thậm chí, có những thửa đất người dân trồng cây lâu năm trước năm 2002. Do đó, đến thời điểm này, địa phương chỉ thực hiện giao được hơn 1.032ha cho 423 hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất. Trong điều kiện quỹ đất hạn chế, vẫn còn nhiều hộ ĐBDTTS trên địa bàn thiếu đất sản xuất, địa phương đang tìm cách để tháo gỡ. Hiện nay, vẫn còn gần 1.448ha đất sản xuất đã bóc tách giao cho địa phương quản lý nhưng không thể giao được cho người dân”.
Đề xuất phương án xử lý
Trở lại câu chuyện với ông Mấu Hồng Tý, ông chia sẻ với chúng tôi rằng, gia đình ông thuộc diện nghèo của xã, thu nhập của cả nhà 5 người chỉ trông chờ vào phần đất gần 2.150m2 tại Suối Phèn và việc làm thuê theo thời vụ. Ông Tý chia sẻ, mặc dù là hộ nghèo, có đất canh tác lâu năm nhưng vì nằm trong quỹ đất bóc tách nên gia đình ông không được hỗ trợ giống cây sầu riêng theo chương trình hỗ trợ của Nhà nước mà phải tích góp để mua giống về trồng, chăm sóc. “Đất gia đình tôi canh tác đã mấy chục năm nay, Nhà nước giao đất cho lâm trường bao trùm lên diện tích đất của gia đình tôi, sau đó lại bóc tách ra để giao cho người khác sản xuất là không đúng. Nguyện vọng lớn nhất của gia đình tôi là được cấp sổ đỏ đối với diện tích này để yên tâm canh tác, chăm sóc sầu riêng mong sớm thoát nghèo”, ông Tý nói.
Lãnh đạo UBND xã Sơn Bình, UBND xã Sơn Hiệp xác nhận: Qua tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, cử tri địa phương, nhất là các hộ ĐBDTTS trên địa bàn canh tác lâu năm trên quỹ đất bóc tách này đã nhiều lần kiến nghị tỉnh xem xét giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân yên tâm canh tác. Trong số các hộ này, có rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo không có đất sản xuất nào khác ngoài những vị trí này. Cũng do đang canh tác trên quỹ đất bóc tách nên khi triển khai các chính sách hỗ trợ cho người dân, chính quyền cơ sở không thể hỗ trợ; các hộ nghèo, cận nghèo không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Bo Bo Niễng thu hoạch cà phê đã trồng nhiều năm tại khu vực Suối Phèn. |
Ông Nguyễn Quốc Đông cho biết thêm: “Qua rà soát, thống kê, trên khoảng 78% diện tích đất bóc tách chưa giao đã có 582 hộ dân đang canh tác, chủ yếu ở các xã: Sơn Hiệp, Sơn Bình, Ba Cụm Bắc và Ba Cụm Nam; phần chưa sử dụng còn lại chủ yếu ở khu vực đồi núi cao, có độ dốc lớn, xa khu dân cư, đi lại rất khó khăn. Để giải quyết vấn đề liên quan đến quỹ đất bóc tách này, UBND huyện Khánh Sơn đã đề xuất phương án giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp bóc tách trên địa bàn cho từng nhóm đối tượng”.
Theo đó, đối với diện tích đất bóc tách mà 582 hộ dân đang canh tác, huyện Khánh Sơn đề xuất phương án cụ thể đối với từng nhóm đối tượng. Cụ thể: Đối với hơn 455,7ha mà 238 hộ ĐBDTTS nghèo, cận nghèo đang canh tác, để ổn định đời sống, sản xuất, địa phương kiến nghị tiến hành giao đất trên cơ sở hợp thức hóa cho các hộ thiếu đất sản xuất. Đối với hơn 440,8ha mà 261 hộ ĐBDTTS không thuộc hộ nghèo thiếu đất sản xuất đang sử dụng trên quỹ đất bóc tách, nếu thu hồi thì các hộ này sẽ thiếu đất sản xuất; vì vậy, địa phương kiến nghị tiến hành giao đất trên cơ sở hợp thức hóa cho các hộ đã sử dụng ổn định. Đối với hơn 171ha do 83 hộ người Kinh chủ yếu là lấn chiếm để sản xuất, trên đất đã trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng, măng cụt, bưởi… nếu thu hồi đất để giao cho các hộ khác gặp rất nhiều khó khăn do phải có nguồn kinh phí lớn để hỗ trợ hoa màu và cây trồng trên đất. Do đó, địa phương kiến nghị tỉnh xem xét việc cho các hộ người Kinh đang sử dụng trên quỹ đất bóc tách còn lại chưa giao được trực tiếp sản xuất theo hình thức cho thuê. Đối với phần diện tích đất còn lại chưa sử dụng, huyện kiến nghị giao cho UBND các xã quản lý, xây dựng phương án giao đất cho các hộ ĐBDTTS nghèo, cận nghèo thiếu đất sản xuất phát sinh hàng năm ở các địa phương.
Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Đông, ngày 20-10, UBND tỉnh có công văn giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xem xét nội dung đề xuất của UBND huyện Khánh Sơn để tham mưu UBND tỉnh giải quyết đúng quy định về chủ trương giao đất sản xuất trên cơ sở hợp thức hóa cho các hộ ĐBDTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo đang xâm canh, sử dụng ổn định trên quỹ đất bóc tách chưa giao theo ý kiến đề xuất của UBND huyện Khánh Sơn.
HẢI LĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin