15:40, 29/08/2023

Thúc đẩy các giải pháp gỡ “thẻ vàng” IUU của EC 

CHÍ TRUNG

Ngày 29-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố vùng biển. Tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

EC đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình chống khai thác IUU sau hơn 6 năm (từ 23-10-2017) bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đã có những chuyển biến đáng kể. Qua kết quả đợt thanh tra lần thứ 3 (tháng 10-2022), EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU, một số nội dung đã triển khai các giải pháp xử lý và có kết quả cập nhật, trao đổi kịp thời. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Hòa Nam cho biết, trong năm 2023, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành 151 văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp về chống khai thác IUU; tổ chức 5 lớp tuyên truyền cho 176 cán bộ là lãnh đạo, công chức, viên chức làm việc tại UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển; tổ chức 9 lớp tuyên truyền về Luật Thủy sản và chống khai thác IUU cho 724 người là các chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 699 tàu cá có chiều dài 15m trở lên; từ đầu năm đến nay, đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 665/669 tàu cá (đạt  99,4%); trạm giám sát tàu cá đã gửi 184 thông báo/ 241 lượt tàu mất kết nối đến Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng đã xác minh 167 trường hợp/232 lượt tàu bị mất kết nối. Từ đầu năm đến nay, tổng số tàu cá ra vào cảng là 6.408 lượt, tổng sản lượng qua cảng đạt 46.443 tấn hải sản; kiểm tra tàu cá rời cảng, cập cảng lên cá cho 2.704 lượt; kiểm tra cấp xác nhận nguyên liệu thủy sản với 159 giấy/ 4.225 tấn hải sản; cấp chứng nhận thủy sản khai thác 101 lô hàng/ 1.196 (trong đó EU: 91 lô hàng, thị trường khác 10 lô); kiểm tra hành chính 135 phương tiện, tạm giữ 1 lồng cào, tịch thu 16 súng điện, đã xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực thủy sản 825 triệu đồng/ 66 trường hợp và tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng các tàu cá trên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam cũng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương dự hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam cũng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương dự hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam phát biểu tại hội nghị.
Ông Trần Hòa Nam phát biểu tại hội nghị.

Thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa xác định việc triển khai thực hiện các giải pháp chống thai khác IUU, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” EC là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân của tỉnh Khánh Hòa vi phạm vùng biển nước ngoài; giao các sở, ngành, địa phương trên địa tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đối với các tổ chức cá nhân có liên quan trong công tác chống khai thác IUU, đặc biệt là các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá thường xuyên hoạt động xa bờ; tổ chức kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng; kiên quyết không cho xuất bến, nhập bến đối với các tàu cá không đảm bảo các quy định IUU. Đồng thời, tỉnh đã giao UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng: rà soát nắm chắc vị trí hiện tại của tàu cá đã ngừng kết nối dịch vụ giám sát hành trình; xác minh, thống kế bổ sung các chủ tàu ngư trường khai thác, thường xuyên hoạt động, tạm trú tại các địa phương ngoài tỉnh; rà soát, thống kê các tàu cá “3 không” từ 6m trở lên hiện có trên địa bàn để có biện pháp tuyên truyền, quản lý đối với các đối tượng trên tàu cá.

Quyết tâm gỡ “thẻ vàng”

Dự kiến trong tháng 10, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam về chống khai thác IUU; đây là thời điểm quan trọng để ngành thủy sản Việt Nam có thể gỡ “thẻ vàng” hoặc có nguy cơ bị rút “thẻ đỏ”. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu bị EC rút “thẻ đỏ”, Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hàng hải sản (khai thác và nuôi) sang thị trường châu Âu, thiệt hại khoảng 500 triệu đô la/ năm; uy tín ngành thủy sản Việt Nam bị giảm sút; cùng với đó sẽ tác động trực tiếp tới công ăn, việc làm của hàng triệu lao động lĩnh vực thủy sản và các ngành kinh tế khác cũng bị ảnh hưởng.  

Ngư dân tỉnh Khánh Hòa đánh bắt thủy sản.
Ngư dân tỉnh Khánh Hòa đánh bắt thủy sản.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, bên cạnh những thách thức, khó khăn thì đây cũng cơ cơ hội để Việt Nam gỡ được “thẻ vàng” của EC, lấy lại uy tín, vị thế của Việt Nam trên thế giới. Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ giao: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch những việc cần tập trung làm ngay và chủ động ứng phó những sự việc có thể phát sinh; có lý lẽ chứng minh, thuyết phục EC những việc Việt Nam đã nỗ lực và làm được trong gần 6 năm qua; Bộ Ngoại giao tìm kiếm sự ủng hộ từ phía EC; Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm tra giám sát, không để tàu Việt Nam bị bắt ở nước ngoài; Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông Trung ương và cấp ủy các cấp tăng cường công tác dân vận, tuyên truyền, phổ biến pháp luật thủy sản, đặc biệt là quy định chống khai thác IUU đến cấp xã, phường, ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương ven biển: tiếp tục quản lý chặt chẽ tàu cá, cảng cá trên cơ sở tuân thủ các quy định về IUU; tuân thủ quy định về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản; phối hợp các cơ quan trung ương và địa phương khác giải quyết các vướng mắc, xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn tại… Qua đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, chặt chẽ, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc gỡ “thẻ vàng” tại đợt Thanh tra của EC lần thứ 4 sắp tới.

CHÍ TRUNG