07:00, 01/08/2023

Giá lúa gạo tăng cao: Nông dân phấn khởi

Thời gian gần đây, giá gạo trên thị trường liên tục tăng. Giới kinh doanh cho rằng, do nhu cầu xuất khẩu tăng đột biến, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước đang “hút” lượng hàng lớn nên đã đẩy giá gạo bán lẻ trên thị trường tăng lên. Tại Khánh Hòa, nông dân cũng đã bắt đầu bước vào thu hoạch lúa hè thu. Giá lúa tăng, năng suất ổn định nên nông dân rất phấn khởi.

Giá gạo tăng từng ngày

Dạo qua một số đại lý bán lẻ gạo trên địa bàn TP. Nha Trang sáng 30-7, chúng tôi ghi nhận giá gạo đang ở mức cao. Theo các tiểu thương kinh doanh gạo, từ đầu năm đến nay, giá gạo trên thị trường luôn ở mức cao, nhất là 2 tuần qua giá tăng liên tục. Đến nay, giá gạo trên thị trường đã tăng trung bình từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg so với đầu năm. Trong đó một số loại gạo địa phương như: thơm ruộng, dẻo ruộng, thơm nở, gạo tròn… mức tăng khoảng 1.000 đồng/kg. Còn các loại gạo thường miền Tây có giá tăng từ 1.000 đồng đến 1.700 đồng/kg, thậm chí có loại tăng 2.000 đồng/kg. Chẳng hạn như gạo thơm Đài Loan (Gò Công) hiện có giá 20.000 đồng/kg; thơm lài 15.000 đồng/kg; thơm Thái Lộc Phượng 16.500 đồng/kg; lài sữa: 17.000 đồng/kg; thơm tứ quý 18.400 đồng/kg; tài nguyên Chợ Đào từ 18.000 đồng đến 19.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.000 đồng/kg… Riêng dòng gạo thơm cao cấp giá tăng nhẹ, dao động từ 500 -700 đồng/kg.

Người dân chọn mua gạo tại một cửa hàng trên đường Thích Quảng Đức, TP. Nha Trang.

Ông Nhật Minh - chủ quán cơm trên đường Phú Nông, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang cho biết: “Quán ăn của tôi thường dùng gạo dẻo ruộng để nấu cơm. Cách đây ít tháng, giá gạo ổn định ở mức 12.500 đồng/kg, nhưng gần đây đã tăng lên thành 13.500 đồng/kg”. Tương tự, bà Nguyễn Thị Hạnh (xã Vĩnh Hiệp) cho biết: “Trước đây, tôi mua gạo Lộc Phượng giá 14.500 đồng/kg, nhưng nay đã tăng lên 16.000 đồng/kg. Đầu tháng, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ, gia vị… tăng giá, cuối tháng gạo tăng giá. Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, trong khi thu nhập không tăng, tình hình này những người lao động nghèo như chúng tôi sẽ rất khó khăn”.

Theo bà Đặng Thị Mai - chủ đại lý gạo trên đường Thích Quảng Đức, TP. Nha Trang, gần 2 tuần qua, trung bình 2 ngày, nhà phân phối điều chỉnh tăng giá một lần, từ 200 đồng đến 300 đồng/kg; trong đó ngày 29-7 điều chỉnh tăng 400 đồng/kg. Mặc dù giá gạo tăng nhưng đại lý vẫn rất khó nhập hàng. Cách đây 5 ngày, bà đặt một nhà máy gạo ở Vĩnh Long 10 tấn gạo, nhưng họ chỉ giao 5 tấn vì không có hàng. Nhà phân phối cho biết, thời điểm này giá gạo được tính theo ngày. Dự báo, mấy ngày tới, giá gạo sẽ tiếp tục tăng vì hiện tại tất cả các kho của nhà máy đều đã hết gạo dự trữ, gạo xát tới đâu hết tới đó. "Việc giá gạo liên tục tăng không chỉ ảnh hưởng đến khách hàng mà các đại lý gạo cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi đối với khách hàng lẻ, đại lý có thể điều chỉnh tăng một phần theo giá thị trường, còn đối với các nhà hàng, khách sạn đã làm hợp đồng từ đầu năm vẫn phải xuất theo giá cũ", bà Mai cho biết.

Giá lúa lập đỉnh mới

Trong hơn 18.000ha lúa hè thu năm nay trên toàn tỉnh, đến thời điểm này, bà con nông dân đã thu hoạch được khoảng 2.000ha. Diện tích thu hoạch chủ yếu nằm ở huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa. Tại Vạn Ninh, trong số 3.247ha lúa hè thu, đến nay nông dân đã thu hoạch được khoảng 1.000ha, năng suất ước đạt 58 tạ/ha, tương đương với năm trước. Thời gian qua, giá lúa tăng mạnh nên hiệu quả kinh tế của lúa hè thu đến thời điểm này là cao hơn so với năm trước.

Nông dân phấn khởi khi giá lúa tăng cao hoặc nông dân khánh hòa bắt đầu thu hoạch lúa hè thu
Nông dân phấn khởi khi giá lúa tăng cao hoặc nông dân khánh hòa bắt đầu thu hoạch lúa hè thu

Ông Lê Lễ - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh cho biết, vụ hè thu năm nay HTX có 560ha lúa, hầu hết là giống ML202. Các thành viên HTX vừa thu hoạch xong toàn bộ diện tích, năng suất ước đạt khoảng 67 tạ/ha. “Điều đáng mừng là giá lúa phổ biến đạt tới 7.400 đồng/kg, cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với năm trước. Với giá bán này, doanh thu mỗi hec-ta lúa lên tới gần 50 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí, nông dân thu lãi hơn 25 triệu đồng/ha, cao hơn khoảng 5-7 triệu đồng/ha so với vụ hè thu năm trước”.

Ở Ninh Hòa, ông Lương Công Vân - Giám đốc HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang cũng phấn khởi: “Giá lúa đang tăng từng ngày đã giúp cho người trồng lúa năm nay đạt hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù gần 1 tháng nữa mới thu hoạch đại trà ở Ninh Hòa, nhưng qua khảo sát tình hình thị trường hàng ngày, giá lúa đang không ngừng tăng lên. Đến nay, lúa thường đã đạt khoảng 7.700 đồng/kg, trong khi lúa thơm chất lượng cao đã chạm mốc 8.300 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay. Việc giá lúa tăng cao đã giúp cho bà con nông dân trồng lúa có được lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cao”. Ông Lương Công Vân cho biết thêm, HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang vừa tổ chức sản xuất lúa, đồng thời thu mua lúa cho thành viên và chế biến thành gạo Ngọc Quang chất lượng cao. Do giá đầu vào tăng nên trong 2 tháng gần đây, gạo Ngọc Quang cũng tăng từ 15.000 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg và không loại trừ khả năng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian đến.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh gạo, nguyên nhân giá gạo trên cả nước nói chung và thị trường Khánh Hòa nói riêng tăng do nguồn cung trên thị trường hiện nay hạn chế. Ấn Độ là quốc gia sản xuất gạo hàng đầu và chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới. Từ đầu năm, do thời tiết hạn hán ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, dẫn đến thiếu hụt lương thực nên Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu gạo. Đến ngày 20-7, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, cùng với nguồn cung trên thế giới gần đây thiếu hụt, nhiều khách hàng chuyển sang đặt hàng gạo Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đang tập trung trả hàng cho các đơn hàng xuất khẩu gạo đã ký trước đó, nhiều doanh nghiệp chấp nhận không có lãi, thậm chí lỗ để mua được hàng giao cho đối tác. “Thực tế, dù một số địa phương đang thu hoạch lúa rộ, nhưng khó có thể kéo giảm được giá gạo, khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ vẫn chưa được nới lỏng. Dự báo, thị trường gạo thời gian tới vẫn tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng”, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh gạo tại Nha Trang cho biết.


Trao đổi về khả năng thiếu hụt nguồn cung hoặc hiện tượng găm hàng gây xáo động thị trường, lãnh đạo của một số HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa và Diên Khánh cho biết, quy mô sản xuất lúa gạo của Khánh Hòa cũng đang nằm ở mức độ vừa phải, không tác động quá lớn đến thị trường lúa gạo như một số địa phương ở Tây Nam bộ hoặc đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, từ trước tới nay, lúa gạo Khánh Hòa vẫn chủ yếu được bán tươi ngay tại ruộng, nông dân không mang về nhà nên khó có chuyện găm hàng. Chưa kể phần lớn lúa do nông dân Khánh Hòa sản xuất đã có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp lúa giống, lúa gạo thương phẩm. Trong các hợp đồng này đều thể hiện rõ về sản lượng, phương thức mua bán và cách tính giá cả... Vì vậy, việc găm hàng hoặc gây khan hiếm trên thị trường là rất khó xảy ra.

 

Ông VÕ PHI HẢI - Giám đốc Siêu thị Co.omart Nha Trang: Những ngày qua, tình hình kinh doanh mặt hàng gạo tại siêu thị vẫn diễn ra bình thường, giá gạo ổn định từ đầu năm đến nay. Thực tế, bên cạnh ký hợp đồng ổn định về giá cả và sản lượng gạo với các nhà cung cấp lớn, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Coop) còn có kho dự trữ gạo, luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách hàng trên toàn hệ thống siêu thị nên không có hiện tượng khan hàng, tăng giá bất hợp lý. Ngoài đảm bảo sản lượng, hiện Siêu thị Co.omart Nha Trang còn thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá từ 6-28% một số loại gạo; thực hiện chương trình mua nhiều ưu đãi lớn, từ ngày 27-7 đến 9-8, khách hàng mua 1 túi gạo thơm ST25 thượng hạng Coop Finest 5kg với giá 189.000 đồng sẽ được mua túi thứ 2 chỉ với giá 89.000 đồng.

KHÁNH HÀ - HỒNG ĐĂNG