22:32, 11/05/2023

Kỳ vọng kinh tế tăng trưởng cao

ĐÌNH LÂM

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch tăng trưởng kinh tế đến năm 2025. Qua đó, đặt mục tiêu phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2021 - 2025 tăng từ 7,8 đến 9%/năm. 

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Nước giải khát Sanest Khánh Hòa.

Tập trung nhiều nhiệm vụ trọng tâm

Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung tổ chức triển khai hiệu quả chương trình hành động thực hiện nghị quyết của đại hội đảng các cấp và các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh; đẩy mạnh cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung phát triển các nhóm ngành quan trọng, mang lại giá trị đóng góp cao cho kinh tế của tỉnh. Trong đó, tỉnh sẽ chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, cao cấp, độc đáo; đa dạng hóa thị trường khách du lịch, hướng đến thị trường khách du lịch nội địa và các thị trường khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và khách châu Âu, châu Úc, châu Mỹ. Đồng thời, đẩy nhanh phát triển dịch vụ cảng biển, vận tải biển và logistics; xây dựng các trung tâm nghiên cứu, giáo dục tiên tiến và phát triển đô thị thông minh; đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. 

Hoạt động nhập hàng trên Cảng tổng hợp Nam Vân Phong.

Ngoài ra, UBND tỉnh đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả phát triển ngành nông nghiệp, phát triển mạnh ngành khai thác thủy sản gắn với trung tâm nghề cá lớn và ngành nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tập trung vào các mặt hàng có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu. Cùng với đó, tỉnh sẽ tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư kết cấu hạ tầng; kiên quyết cắt giảm các dự án chưa cấp bách, chưa thật sự cần thiết và không còn phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển tỉnh. Đồng thời, tập trung chỉ đạo đôn đốc, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ quy định, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công công trình đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang và Dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; những dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và một số dự án hạ tầng quan trọng khác. Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong giai đoạn đến năm 2025 theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Việc ban hành Kế hoạch tăng trưởng kinh tế đến năm 2025 chính là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành cao nhất chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 xây dựng và phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. UBND tỉnh đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là người đứng đầu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gắn với lộ trình phù hợp để tập trung chỉ đạo đạt kết quả cao nhất. 

Tăng cường các giải pháp đột phá

Để thực hiện được các nhiệm vụ đặt ra một cách hiệu quả, tỉnh sẽ có những đột phá trong thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng cường thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch với cơ cấu tổ chức và nhân sự phù hợp, có đủ năng lực triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư. Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong những ngành quan trọng, như: Du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics, cảng biển, thủy sản và hậu cần nghề cá, công nghệ thông tin; đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi ngành, lĩnh vực, phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp và du khách.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đặt ra các giải pháp phát triển đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó tăng cường hạ tầng kết nối giữa khu vực nội địa và ven biển, giữa các trung tâm sản xuất với các cửa ngõ xuất khẩu, kết nối các khu vực phát triển du lịch quan trọng của tỉnh. Tỉnh cũng sẽ quan tâm phát triển hệ thống cảng biển hiện đại phục vụ cung cấp dịch vụ hậu cần cảng biển, logistics cho cả khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Từ đó, tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên cơ sở tăng cường liên kết, bao gồm liên kết nội tỉnh và liên kết vùng; chủ động lập và triển khai các chương trình, kế hoạch liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển các khu vực tạo động lực phát triển kinh tế, như: Khu Kinh tế Vân Phong, khu vực Cam Lâm…

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sau khi kế hoạch được ban hành, UBND tỉnh đã giao cho lãnh đạo các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và quá trình thực hiện kế hoạch để có giải pháp xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch và kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

ĐÌNH LÂM