Tại Hội nghị kết nối giao thương trong khuôn khổ hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và định hướng hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, được tổ chức mới đây tại TP. Nha Trang, các doanh nghiệp, nhà phân phối của TP. Hồ Chí Minh đã gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp, nhà sản xuất của các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ để bàn tính hợp tác lâu dài. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh về nội dung này.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh |
Hợp tác, phát triển các chuỗi cung ứng
- Thông thường, các nhà sản xuất sẽ tìm đến với doanh nghiệp, nhà phân phối lớn của TP. Hồ Chí Minh. Ông có nhìn nhận gì khi lần này các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh để tìm nguồn hàng?
- Chúng tôi vừa tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ tại TP. Nha Trang. Đây là lần thứ 5 TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi, vì phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, TP. Hồ Chí Minh đã nhờ có các tỉnh cung ứng hàng hóa mà tồn tại. Khi dịch bệnh được kiểm soát, thành phố vực dậy để phát triển, đạt tăng trưởng hơn 9% năm 2022. Rõ ràng nguồn lực từ các địa phương rất lớn và ngược lại, các địa phương cũng dựa vào TP. Hồ Chí Minh để cùng phát triển.
Quan điểm của TP. Hồ Chí Minh là mở rộng giao thương, mở rộng kết nối vì sự phát triển của thành phố và các địa phương. Quản lý hành chính thì có ranh giới còn kinh tế, hàng hóa thì không có ranh giới. Chính vì vậy, chúng ta kết nối lại thành chuỗi vì sự tồn lại của các thành viên trong chuỗi, tác động qua lại và mang lại lợi ích cho nhau. Chẳng hạn, doanh nghiệp nhỏ ở Nam Trung Bộ còn yếu, khó cạnh tranh, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi. Vì thế, doanh nghiệp phân phối lớn cần xem nhà sản xuất đang thiếu, yếu chỗ nào để hỗ trợ và đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn hàng hóa được bán ở hệ thống siêu thị hoặc trên các sàn thương mại điện tử. Mối quan hệ hợp tác dựa trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi, vì mục tiêu chung. Tôi thường hay nhắc nhở nhiều doanh nghiệp phân phối của TP. Hồ Chí Minh phải quan tâm các doanh nghiệp sản xuất còn non trẻ để họ sản xuất ra những sản phẩm tốt. Ngược lại, doanh nghiệp sản xuất cần nỗ lực để cho ra những sản phẩm chất lượng tốt, rộng đường đi vào hệ thống siêu thị, lên sàn thương mại điện tử.
- Ông đánh giá như thế nào về khả năng cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp, nhà sản xuất các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ?
- Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có nguồn thủy sản rất lớn, với đội tàu khai thác xa bờ hùng hậu, diện tích nuôi trồng thủy sản nhiều. Đây là nguồn cung ứng thủy sản rất quan trọng cho TP. Hồ Chí Minh. Về sản xuất nông sản, khu vực này còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân, giữa các hợp tác xã và doanh nghiệp. Tại hội nghị kết nối giao thương, tôi đã chia sẻ điều này với lãnh đạo UBND các tỉnh, doanh nghiệp trong khu vực để sớm khắc phục. Sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh luôn gắn liền với sự phát triển của các địa phương. Chính người dân Nam Trung Bộ đã cung ứng sản phẩm cho TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp phân phối của TP. Hồ Chí Minh có trách nhiệm xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả từ vùng nuôi trồng, thu hoạch, lưu trữ, chế biến, sản xuất...
Cần sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ
- Nông dân, ngư dân Nam Trung Bộ thường chịu cảnh “được mùa mất giá”, đôi khi phải “giải cứu” sản phẩm làm ra. Theo ông làm cách nào để đạt hiệu quả đôi bên cùng có lợi?
- Tôi hiểu sâu sắc sản xuất - phân phối, mỗi bên đều có nỗi lo riêng, khó khăn của mình. Nhà sản xuất phải bỏ ra nhiều tâm huyết, công sức để làm ra từng sản phẩm chất lượng. Các hệ thống phân phối cũng phải cạnh tranh với nhau, chịu áp lực lớn về doanh số của từng mã hàng đặt trên kệ siêu thị, phải cân nhắc rất kỹ trước khi mua một sản phẩm nào đó, giới thiệu cho người tiêu dùng đón nhận. Chính vì vậy, trong “luật chơi” này, nhà sản xuất cần nhận thức đầy đủ, rõ ràng về yêu cầu bắt buộc khi đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại. Trước tiên, phải có các điều kiện về quy cách, mẫu mã sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm; các khâu sau bán hàng, như: Công nợ, logistics, đổi trả hàng hóa, chăm sóc khách hàng... đều có ràng buộc trách nhiệm với nhau ngay từ đầu. Muốn làm được điều đó, nhà sản xuất và nhà phân phối phải cùng bàn bạc kỹ, thống nhất các quy định, quy chuẩn về sản phẩm, về lượng cung ứng. Từ đó, các doanh nghiệp liên kết với nông dân, ngư dân mở rộng quy mô sản xuất. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà sản xuất và nhà phân phối không được phá bỏ hợp đồng giữa chừng, dẫn đến đổ bể cả chuỗi cung ứng; phải đoàn kết mới thắng lợi lớn.
Cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang) là cảng cá có sản lượng hải sản lớn cung ứng cho TP. Hồ Chí Minh. |
- Còn vai trò của nhà quản lý như thế nào, thưa ông?
- Qua mấy ngày diễn ra chuỗi sự kiện ở TP. Nha Trang, tôi có gặp trao đổi với nhiều đồng chí lãnh đạo UBND các tỉnh, đưa ra đề nghị với các địa phương để có giải pháp, chính sách hỗ trợ nhà sản xuất, doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nuôi trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế; tạo điều kiện cho việc xây dựng kho bãi, khu sơ chế… Bởi vì, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ ở xa TP. Hồ Chí Minh nên cần có những kho chứa lớn, đến mùa vụ phải thu mua ngay. Do đó, cần có sự thống nhất, chia sẻ giữa các tỉnh, thành phố với nhau; cần có sự phối hợp chặt chẽ, phân công, phân nhiệm đầy đủ, rõ ràng. Muốn thực hiện tốt chuỗi cung ứng, cần sự phối hợp, gắn kết của “ba nhà”: Nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà quản lý.
- Xin cảm ơn ông!
HẢI LUẬN (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin