12:03, 24/03/2023

Thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh và bền vững ở Việt Nam

Ngày 24-3, tại TP. Nha Trang, Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Việt Nam, Hội nghề Cá Việt Nam (VINAFIS), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (Greenhub) tổ chức hội thảo "Quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh và bền vững ở Việt Nam".

Ngày 24-3, tại TP. Nha Trang, Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Việt Nam, Hội nghề Cá Việt Nam (VINAFIS), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (Greenhub) tổ chức hội thảo “Quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh và bền vững ở Việt Nam”.
 
Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận và lấy ý kiến đóng góp về quy định pháp luật và chính sách liên quan đến thành lập và quản lý khu bảo tồn biển, đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; bàn giải pháp quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển. Đồng thời cho ý kiến về dự thảo Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2012 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển nhằm đạt mục tiêu 3% diện tích vùng biển Việt Nam đến 2025 và 6% đến năm 2030.
 
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo
Trước đó, các đại biểu cũng được tập huấn Tích hợp nâng cao năng lực quản lý hiệu quả mạng lưới Khu bảo tồn biển, vườn quốc gia  tại Việt Nam. Với việc kết hợp hại hoạt động tập huấn và hội thảo, ngoài những kiến thức kỹ năng được tập huấn, đại diện các khu bảo tồn biển và vườn quốc gia trên cả nước có cơ hội gặp gỡ, trao đổi chia sẻ thông tin kinh nghiệm và hợp tác, đồng thời đóng góp ý kiến cho các quy định và đề án nói trên. Sự tham gia của mạng lưới khu bảo tồn biển và vườn quốc gia trên trong quá trình tham vấn nhằm giúp cho cơ quan quản lý có thêm những đóng góp từ kinh nghiệm thực tiễn, góp phần thúc đẩy hiệu quả quản lý mạng lưới các khu bảo tồn biển và vườn quốc gia trên tại Việt Nam.
 
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi phát biểu tại hội thảo
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi phát biểu tại hội thảo
Đại diện Tổng cục Thủy sản cho rằng, kinh tế biển xanh hiện đã được hầu hết các quốc gia công nhận là giải pháp phát triển bền vững biển và dần đưa thành yêu cầu bắt buộc trong chiến lược, chính sách phát triển. Kinh tế biển xanh được hiểu là “sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, đại dương nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, đồng thời bảo tồn sức khỏe của các hệ sinh thái biển, đại dương”. Nghị quyết số 36 ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam cũng xác định kinh tế biển xanh là nền tảng cho phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Các hệ sinh thái biển, ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các hệ sinh thái này đã tạo tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất to lớn và cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển các ngành, nghề kinh tế biển theo hướng bền vững như nghề cá, nuôi trồng, du lịch biển…
 
 
Khu bảo tồn biển Hòn Mun trong vịnh Nha Trang
Khu bảo tồn biển Hòn Mun trong vịnh Nha Trang
 
Lặn ngắm san hô tại Hòn Mun
Lặn ngắm san hô tại Hòn Mun
 
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, hệ thống các kinh tế biển xanh được thành lập không chỉ góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm chức năng điều hoà môi trường, cung cấp nguồn giống và nguồn lợi hải sản mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế ở địa phương lâu dài. Việc mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển trở thành nội dung quan trọng của kinh tế biển xanh, được xem là một trong những phương thức hữu hiệu, ít tốn kém để duy trì, quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo đảm nhu cầu sinh kế của ngư dân. Quản lý hiệu quả mạng lưới các khu bảo tồn biển là một phần không thể tách rời khi đầu tư vào kinh tế biển xanh song song với đầu tư cho nguồn vốn thiên nhiên và cho các hệ sinh thái. Thời gian tới, Việt Nam cần tiến hành các hoạt động kiểm kê, đánh giá các “nguồn vốn tự nhiên biển, đảo” và các hoạt động quy hoạch không gian biển dựa vào hệ sinh thái để tối ưu hóa lợi ích, giảm thiểu xung đột trong khai thác, sử dụng biển.
 
 
VĂN KỲ