Thời điểm cuối năm, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được các ngành chức năng tăng cường thực hiện. Trong đó, các đơn vị tập trung tuyên truyền, xây dựng mô hình cung cấp thực phẩm an toàn; kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm.
Thời điểm cuối năm, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được các ngành chức năng tăng cường thực hiện. Trong đó, các đơn vị tập trung tuyên truyền, xây dựng mô hình cung cấp thực phẩm an toàn; kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm.
Tuyên truyền và nhân rộng mô hình
Ông Nguyễn Ngọc Việt - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, 11 tháng năm 2022, đơn vị đã tổ chức 23 lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP cho hàng trăm nông dân, chủ tàu cá, chủ cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản, 3 lớp tập huấn nhân rộng mô hình chuỗi theo tiêu chuẩn VietGAP và 2 lớp tập huấn quy trình sản xuất VietGAP cho các hộ nông dân trồng tỏi, hành, rau củ quả; treo hơn 250 băng rôn tuyên truyền ATTP tại một số tuyến đường. Trong quá trình thanh tra, thẩm định tại cơ sở, đơn vị đã kết hợp tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản về các quy định của pháp luật, vận động người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản áp dụng các giải pháp nuôi trồng an toàn sinh học; đảm bảo ATTP trong quá trình giết mổ, sơ chế, chế biến và kinh doanh sản phẩm động vật; tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; hướng dẫn nâng cấp các cơ sở nhằm đảm bảo ATTP và khuyến cáo thực hiện sản xuất, kinh doanh theo quy trình thực hành sản xuất tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (SSOP)...
Cùng với hoạt động tuyên truyền, đơn vị còn đẩy mạnh nhân rộng các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, như: Rau an toàn Ninh Đông, tỏi Ninh Vân - Ninh Phước (Ninh Hòa); bưởi da xanh, xoài, sầu riêng (Khánh Vĩnh); sầu riêng (Khánh Sơn); thịt gà an toàn Cam Thành Nam (Cam Ranh); nem chua, chả lụa an toàn (Nha Trang - Diên Khánh); xoài an toàn (Cam Lâm); thủy sản VietGAP đối với tôm hùm, ốc hương, tôm thẻ chân trắng, tỏi sẻ (Vạn Ninh).
Ông Nguyễn Ngọc Việt cho biết: “Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 21 địa điểm kinh doanh thực phẩm an toàn được xác nhận, từng bước là địa chỉ quen thuộc đối với người tiêu dùng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Từ đầu năm đến ngày 15-11, kết quả giám sát 67 mẫu sản phẩm đang kinh doanh tại các điểm này cho thấy, 100% mẫu đều đạt yêu cầu về ATTP theo quy định. Ngoài ra, đơn vị tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được chứng nhận trong việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc điện tử, người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm nhanh chóng, thuận tiện thông qua điện thoại thông minh, máy tính bảng…”.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Bà Đào Thị Kim Chi - Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, 11 tháng qua, đơn vị đã thực hiện lấy ngẫu nhiên 116 mẫu sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý để giám sát các chỉ tiêu về chất lượng, ATTP. Kết quả, có 113 mẫu đạt yêu cầu, 3 mẫu không đạt về nhóm chất phụ gia thực phẩm (Natri benzoat, Kali sorbate) trên mẫu sản phẩm chả lụa, giò thủ, bò viên. Về công tác hậu kiểm, với 60 mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản tại các cơ sở có sản phẩm tự công bố để giám sát hậu kiểm được lấy ngẫu nhiên, kết quả cho thấy 59 mẫu đạt yêu cầu, chỉ có 1 mẫu chả lụa có phụ gia (Natribenzoat) không đạt yêu cầu.
Ngoài ra, trong số 30 mẫu thủy sản nuôi gồm 27 mẫu tôm chân trắng và 3 mẫu tôm sú lấy mẫu giám sát ngẫu nhiên, tất cả đều không phát hiện dư lượng các chất độc hại vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Kết quả thanh tra chuyên ngành cũng cho thấy, sau 7 đợt thanh tra chuyên ngành đối với 204 cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản trên toàn tỉnh, thu thập ngẫu nhiên 43 mẫu sản phẩm thực phẩm nông thủy sản để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn (vi sinh, hóa học) chỉ có 1 mẫu không đạt yêu cầu. “Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh có các mẫu không đạt yêu cầu, cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý và nghiêm cấm đưa sản phẩm ra thị trường khi chưa có kết quả phân tích bổ sung đạt yêu cầu. Đồng thời, tổ chức cho cơ sở thực hiện cam kết khắc phục các nguyên nhân gây mất ATTP, đơn vị chuyên môn thực hiện lấy mẫu giám sát lại để kiểm tra kết quả khắc phục của cơ sở” - ông Nguyễn Ngọc Việt nói.
Hiện nay, nhiều nhóm sản phẩm thực phẩm của ngành Nông nghiệp như: các sản phẩm từ tổ yến (nước yến, cháo yến, trà yến…), rong nho, các sản phẩm phối trộn, rau quả muối, rau quả khô, sản phẩm chế biến từ cá và thủy sản (cá hấp nóng, hun khói, chả cá, chả mực, cá đông lạnh, cá tươi) chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia quy định các chỉ tiêu về chất lượng và mức giới hạn cho phép đối với các chỉ tiêu an toàn. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong quá trình kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, những kết quả đạt được từ đầu năm đến nay đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm soát chất lượng ATTP nông lâm thủy sản, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về ATTP của người sản xuất kinh doanh. Từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ tăng cường thanh kiểm tra, giám sát về chất lượng ATTP đối với sản phẩm nông lâm thủy sản.
Hồng Đăng