Với 26 chỉ tiêu khác nhau, một bộ hồ sơ sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có thể từ 300 đến 500 trang giấy.
Với 26 chỉ tiêu khác nhau, một bộ hồ sơ sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có thể từ 300 đến 500 trang giấy. Hồ sơ mỗi lần bổ sung, chỉnh sửa sẽ rất khó khăn, chưa kể quá trình quản lý, khai thác hồ sơ còn nhiều bất cập. Sắp đến, những hạn chế này sẽ được giải quyết nhờ phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Bất cập hồ sơ giấy
Cuối tháng 5-2022, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Cổ phần phát triển Dược Khoa - đơn vị tư vấn xây dựng đề án thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025 đã làm việc với Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị xã: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn để tư vấn hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2022, tìm hiểu về tiềm năng, ý tưởng cho sản phẩm OCOP. Những người trực tiếp làm ra sản phẩm tại các địa phương này cơ bản đều nắm được những ưu việt, thế mạnh và cách thức để phát triển sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, hầu hết chủ thể ngại tham gia OCOP vì quá nhiều thủ tục, giấy tờ rườm rà, phức tạp.
Ông Huỳnh Quang Thành - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Tổ trưởng Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng OCOP tỉnh cho biết: Bộ hồ sơ của một sản phẩm OCOP có thể lên đến 300 - 500 trang giấy A4, không chỉ gây tốn kém chi phí mà trong trường hợp sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh của năm nay muốn tiếp tục phát triển lên 4 sao ở năm sau, chủ thể phải làm lại toàn bộ hồ sơ, giấy tờ mà không kế thừa, kết nối được bất kỳ dữ liệu nào với bộ hồ sơ cũ. Đây là một sự bất cập, khi các dữ liệu bằng giấy chưa được quản lý đồng bộ, thống nhất, gây khó khăn trong việc tra cứu, truy xuất, chỉnh sửa, bổ sung thông tin và không có tính kế thừa, hệ thống.
Những yêu cầu trên không chỉ gây phiền toái, khó khăn cho các chủ thể, mà còn tạo áp lực cho hội đồng đánh giá các cấp. Nguyên nhân hồ sơ chủ yếu vẫn là sổ sách, giấy tờ, khi cần tra cứu thông tin sẽ mất nhiều thời gian, chưa kể việc sắp xếp, lưu trữ hồ sơ giấy gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các hồ sơ giấy không có khả năng kết nối trực tiếp, đa phương tiện tới các chủ thể có sản phẩm được đánh giá và chứng nhận OCOP.
Xây dựng dữ liệu sản phẩm OCOP
Tháng 4-2022, UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết xây dựng phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ủy quyền cho Chi cục Phát triển nông thôn hợp đồng với Công ty Cổ phần Giải pháp KYC - đơn vị tư vấn xây dựng phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP theo quy định. Cuối tháng 10 vừa qua, 51 chủ thể của 80 sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2022 và các thành viên Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện, thành viên Tổ tư vấn giúp việc hội đồng cấp tỉnh đã được tiếp cận về những nội dung cơ bản, cách vận hành của phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nêu trên.
Theo đơn vị cung cấp, phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tích hợp quy trình triển khai - quản lý cơ sở dữ liệu toàn bộ hồ sơ sản phẩm, thông tin đánh giá, xếp hạng OCOP trên toàn tỉnh. Quy trình này bao gồm từ bước chủ thể OCOP đăng ký tham gia nộp hồ sơ sản phẩm cho đến khi hồ sơ được đánh giá, xếp hạng các cấp, kiểm soát chất lượng sau khi đánh giá. Trong quy trình này, phần mềm hỗ trợ chủ thể kỹ năng cơ bản để nộp hồ sơ, gửi câu hỏi/yêu cầu phản hồi; hỗ trợ tổ giúp việc và hội đồng chấm sắp xếp viện dẫn tiêu chí chấm; tự động tổng hợp số điểm của từng thành viên, tự động xếp hạng và giúp cơ quan quản lý bao quát toàn bộ quy trình nhờ các chỉ số thống kê, biểu đồ, báo cáo được tự động tổng hợp cập nhật liên tục... Thông qua hệ thống phần mềm, các đối tượng của Chương trình OCOP sẽ chủ động tham gia, thực hiện nghiệp vụ và tạo nên một hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện.
Ông Huỳnh Quang Thành đánh giá, phần mềm đã đáp ứng được các tiêu chí cơ bản, cần thiết như: Quản lý toàn diện, trực tiếp, thống nhất, minh bạch toàn bộ dữ liệu của sản phẩm và Chương trình OCOP; quá trình thao tác trên phần mềm trực quan, dễ sử dụng. Với những kết quả đó, ngày 2-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị triển khai sử dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Phần mềm dành cho 4 đối tượng gồm: Chủ thể, cơ quan quản lý, hội đồng đánh giá và tổ tư vấn, giúp việc. Người dùng có thể truy cập vào trang web: https://sohoaocop.vn để thực hiện các công việc của mình. Trong vai trò chủ thể, người dùng có thể đăng tải toàn bộ hồ sơ, giấy tờ minh chứng sản phẩm lên phần mềm, rồi đăng ký tham gia. Cán bộ OCOP cấp huyện sẽ tiếp nhận đăng ký của chủ thể và xử lý hồ sơ hoàn toàn online. Trong trường hợp cần bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ, trao đổi, hướng dẫn giữa chủ thể và cơ quan tiếp nhận hồ sơ đều được thực hiện gần như tức thì trên môi trường trực tuyến. Với cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh, việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến còn giúp chuẩn hóa dữ liệu hồ sơ đầu vào, phục vụ việc quản lý, lưu trữ, chiết xuất thông tin, rà soát hồ sơ, chấm điểm, tổng hợp kết quả chấm điểm…; giúp tiết kiệm thời gian, công sức, minh bạch hóa quá trình công nhận sản phẩm OCOP. |
Công Định