10:06, 24/06/2022

Để liên kết vùng hiệu quả hơn

Sáng 24-6, các ông: Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng chủ trì tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ trong bối cảnh mới".

Sáng 24-6, các ông: Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng chủ trì tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ trong bối cảnh mới”. Tham dự còn có các ông: Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh.

 

Các ông: Trần Tuấn Anh, Nguyễn Hải Ninh, Nguyễn Hồng Sơn cùng chủ trì tọa đàm.
Các ông: Trần Tuấn Anh, Nguyễn Hải Ninh, Nguyễn Hồng Sơn cùng chủ trì tọa đàm.

 


Thiếu vai trò “nhạc trưởng”


Tiểu vùng Nam Trung bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa rộng lớn; có nhiều eo, cửa sông, vũng, vịnh thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, vận tải. Đây là khu vực gần TP. Hồ Chí Minh và là cửa ngõ của Tây Nguyên ra biển Đông. Tiểu vùng này có điều kiện phát triển các khu kinh tế biển như: Vân Phong, Nam Phú Yên… gắn với phát triển công nghiệp cơ khí đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, khí cụ điện, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng, dệt, đường và các ngành công nghiệp nhẹ khác; có lợi thế phát triển khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản; thuận lợi để xây dựng hệ thống các âu thuyền và cầu tàu ở các vùng cửa sông và đảo nhỏ ven bờ. Đặc biệt, tất cả các tỉnh trong tiểu vùng đều có thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa dân tộc gắn với phát triển các đô thị ven biển như: TP. Tuy Hòa (Phú Yên), TP. Nha Trang (Khánh Hòa), TP. Phan Thiết (Bình Thuận)…

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại buổi tọa đàm.
Ông Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại buổi tọa đàm.


Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Tuấn Anh, hiện 3/4 tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách; quy mô nền kinh tế nhỏ và dễ bị tổn thương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương chậm, chưa có sự đột phá; tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn khá lớn. Trong quá trình phát triển vừa qua, đã xuất hiện tình trạng xung đột lợi ích giữa các địa phương, lợi ích giữa từng địa phương với lợi ích tiểu vùng, toàn vùng. Liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; thiếu vai trò “nhạc trưởng” định hướng, dẫn dắt của Nhà nước, lợi thế quy mô nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.

 

Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho rằng, có thời điểm, khâu quy hoạch của các tỉnh chỉ tập trung cho địa phương mình, chưa có không gian liên kết. Đến nay, khi bối cảnh đã thay đổi, các địa phương tiểu vùng Nam Trung bộ đã nhận thức rõ tính tất yếu của liên kết vùng. Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Tuân nhận định, tuy thời gian qua việc liên kết vùng đã đạt được một số kết quả, song vẫn còn nhiều hạn chế nhất định. Trong thời gian tới, nếu không có một “nhạc trưởng” thì việc liên kết vùng vẫn phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo từng địa phương.


Nhiều đề xuất


Để liên kết vùng hiệu quả hơn, các đại biểu tham dự tọa đàm khẳng định, cần phải có những thay đổi trong nhận thức, tư duy; việc liên kết cần toàn diện hơn.


Theo ông Nguyễn Hải Ninh, trong thời gian tới, Khánh Hòa sẽ rà soát lại tất cả những nội dung công tác liên kết đã triển khai để đánh giá những việc làm được, chưa được, thậm chí những việc cần phải loại bỏ vì không còn phù hợp với cơ chế, điều kiện cũng như bối cảnh mới. Địa phương cũng chủ động làm việc với các địa phương trong tiểu vùng để xác định lại, thiết kế lại những cơ chế tham mưu với cơ quan có thẩm quyền để có những cơ chế chính sách phù hợp hơn với điều kiện, bối cảnh phát triển và cơ hội phát triển mới. Các tỉnh sẽ cùng nhau xác định những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên hợp tác liên kết, những việc phù hợp với tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, hài hòa với lợi ích chung của tiểu vùng và vùng. Có như vậy, việc hợp tác liên kết mới bảo đảm sự phát triển một cách hiệu quả và bền vững.

 

Một góc huyện Cam Lâm.

Một góc huyện Cam Lâm.

 

Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: “Trung ương, các cơ quan có thẩm quyền nên tính toán một cơ chế liên kết vùng thực chất và hiệu quả, cần phải có một cơ chế quản lý có đủ thẩm quyền. Sự liên kết phải bảo đảm theo định hướng chung với tầm nhìn của một quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, cần phải có cơ chế kiểm tra, đánh giá định kỳ về nội dung hợp tác liên kết để kịp thời khắc phục những điểm bất cập, hạn chế”.

Ông Nguyễn Tấn Tuân đề nghị: Các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận lâu nay chỉ tập trung quan tâm về phía biển. Chúng ta cần phải liên kết về phía miền núi. Sự liên kết không đơn thuần về kinh tế mà còn phải liên kết về văn hóa của các dân tộc anh em. Để tăng tính ràng buộc liên kết vùng, cần có nghị quyết về liên kết vùng, trong đó vai trò của Ban Cán sự Đảng, hội đồng vùng là điều quan trọng và xuyên suốt.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đưa ra giải pháp là lập quy hoạch vùng, hình thành trung tâm để điều tiết liên kết vùng; phải kiện toàn bộ máy chức năng thẩm quyền theo hướng hội đồng vùng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cơ chế về hội đồng điều phối vùng cũng cần cân nhắc, cần đưa vào luật, nếu không trái với Hiến pháp thì điều chỉnh Luật Tổ chức chính quyền địa phương.


Kết luận tọa đàm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu. Tổ biên tập sẽ tập hợp và phục vụ cho công tác tổng kết Nghị quyết 39 để đảm bảo có đầy đủ các cơ sở luận cứ từ thực tiễn và hình thành các cơ sở luận cứ mang tính khoa học. Sau đó, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39 sẽ tập hợp báo cáo Bộ Chính trị nhằm có nghị quyết cho phát triển của vùng trong giai đoạn tiếp theo.

ĐÌNH LÂM