Với ý nghĩa hoạt động kinh tế "không rác thải", nền kinh tế tuần hoàn đang được một số cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện, hứa hẹn nhiều triển vọng hướng tới nền kinh tế xanh.
Với ý nghĩa hoạt động kinh tế “không rác thải”, nền kinh tế tuần hoàn đang được một số cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện, hứa hẹn nhiều triển vọng hướng tới nền kinh tế xanh.
Chiết xuất enzyme từ xoài
Mô hình kinh tế tuần hoàn, thuộc dự án “Yêu thương Việt Nam” do Thạc sĩ Nguyễn Thu Hồng - Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Cam Ranh (Carafoods) khởi xướng đã mở ra hướng đi mới cho vùng nguyên liệu xoài Cam Lâm. Là người nghiên cứu khoa học, nhiều năm dẫn dắt các bạn trẻ khởi nghiệp, bà Hồng trăn trở về hoạt động kinh tế “không rác thải”. Và những trăn trở từ quả xoài Cam Lâm - vùng trồng xoài lớn nhất tỉnh trước sức ép của thị trường có những bất ổn đã khiến bà mạnh dạn nghiên cứu và chiết xuất enzyme từ quả xoài, mang lại giá trị gia tăng cho quả xoài.
Được biết, enzyme là những chất xúc tác quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, có thể đến từ quá trình lên men của trái cây và rau quả. Việc chiết xuất enzyme mang lại ý nghĩa rất lớn và tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế hơn hẳn gấp nhiều lần so với sản phẩm thô. Trong hạt xoài có hàng ngàn tinh chất khác nhau có thể chiết xuất làm mỹ phẩm, dược liệu…; dịch phân hủy từ vỏ xoài có thể cung cấp phân bón cho cây trồng... Từ những nghiên cứu, bà và cộng sự đã chiết xuất enzyme từ quả xoài thành loạt sản phẩm có giá trị như: Nước enzyme, paste enzyme, rong sụn enzyme xoài, mỹ phẩm xoài.
Thực tế những năm qua, xoài Cam Lâm không ít lần chịu cảnh “bỏ rơi” đầy gốc vì không có người mua. Vì vậy, việc nghiên cứu và chiết xuất enzyme từ quả xoài cũng là giải pháp giải quyết bài toán “được mùa mất giá” mà bấy lâu nay nông dân trăn trở. Năm 2020, năm đầu thử nghiệm về enzyme xoài, Carafoods đã tiêu thụ hơn 4 tấn xoài cho các hộ trồng xoài ở khu vực Cam Lâm. Năm 2021, dự án Yêu thương Việt Nam đã hỗ trợ tiêu thụ gần 15 tấn xoài với giá thu mua từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg (cao hơn thị trường 3-4 lần). Ngoài ra, đơn vị còn tiêu thụ hàng tấn dứa, mận, chuối cho nông dân để nghiên cứu các sản phẩm mới từ trái cây.
Bà Hồng chia sẻ, khi rớt giá, xoài loại 1 cũng chỉ có giá 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nếu chế biến sâu, một chai enzyme xoài 350ml có thể bán với giá 108.000 đồng, 1kg mứt rong sụn chứa enzyme xoài có giá 350.000 đồng. Trong khi 1 lít enzyme xoài chỉ cần 3kg xoài tươi và các thành phần khác (mận, dứa, gừng, tỏi…). Như vậy, nếu biết vận dụng, mô hình này sẽ làm tăng giá trị rất lớn cho quả xoài. Với mô hình chuẩn, có thể giải quyết bài toán đầu ra cho các vùng trồng xoài trong tỉnh.
Trồng nấm để cải tạo đất
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường: Nền kinh tế tuần hoàn được quy định tại Điều 142, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Sở đang chờ văn bản hướng dẫn của Trung ương để khuyến khích, phát triển nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh. |
Mô hình trồng nấm bào ngư khép kín của anh Nguyễn Hữu Lộc (xã Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa) cũng là mô hình dựa theo kinh tế tuần hoàn. Tốt nghiệp Trường Đại học Nha Trang, anh trăn trở làm gì để có thu nhập, giúp đỡ người dân địa phương. Sau khi ra trường, anh kinh doanh trang trại để phát triển hướng đi riêng của mình. Đầu tiên, anh trồng nấm rơm, nhưng sau 2 năm theo đuổi vẫn thất bại. Thế là anh tìm tòi và phát hiện nấm bào ngư không chỉ có giá cao, dễ bảo quản mà còn được thị trường tiêu thụ tốt. Đầu năm 2020, anh bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm snack nấm. Tháng 8-2020, sản phẩm đã hoàn thiện; tháng 5-2021, sản phẩm chính thức tung ra thị trường. Anh thu nhập từ sản xuất nấm 30 triệu đồng/tháng.
Trong quá trình trồng nấm, lượng mùn cưa thải ra sau khi kết thúc quá trình sản xuất mỗi vụ khá lớn. Anh nhận thấy đây là nguồn nguyên liệu rất tốt để làm phân hữu cơ, có thể sử dụng để cải tạo đất thoái hóa, bạc màu. Từ đó, anh có thêm ý tưởng mới là tạo ra những sản phẩm nông sản hữu cơ dựa vào nguồn nguyên liệu phân bón có sẵn. Hiện nay, mô hình đang được triển khai thí điểm trên diện tích 3.000m2. Với quá trình cải tạo đất gần 2 năm, bước đầu đã có sự phục hồi về sinh thái và môi trường.
Theo anh, thời gian tới, sau khi sản xuất nấm đi vào ổn định, việc cải tạo vườn, rừng tạo ra sản phẩm nông sản hoàn toàn tự nhiên (organic), anh sẽ xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm giúp trẻ em hiểu thêm về mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình sản xuất “không rác thải”…
V.L