11:07, 01/07/2021

Giải ngân vốn vay cho hộ nghèo: Nhiều giải pháp

Tuy nhu cầu vay của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh khá lớn nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Khánh Hòa lại khó giải ngân vốn vay cho nhóm đối tượng này. Nguyên nhân chính là hộ nghèo không có phương án sản xuất kinh doanh.

Tuy nhu cầu vay của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh khá lớn nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Khánh Hòa lại khó giải ngân vốn vay cho nhóm đối tượng này. Nguyên nhân chính là hộ nghèo không có phương án sản xuất kinh doanh.


Giải ngân chậm


Theo số liệu của NHCSXH huyện Cam Lâm, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo đến cuối tháng 6-2021 là 23,1 tỷ đồng với 606 hộ vay. 6 tháng đầu năm, ngân hàng chỉ giải ngân được cho 35 hộ vay hơn 1,96 tỷ đồng. Ông Trần Văn Khuê - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cam Lâm cho biết, năm 2021, trên địa bàn huyện có 469 hộ nghèo. Trong đó, 125 hộ đã được vay vốn, 18 hộ đủ điều kiện nhưng chưa có nhu cầu, 226 hộ không đủ điều kiện vay vốn. Ngoài đối tượng già cả neo đơn, tàn tật, không có sức lao động do ốm đau bệnh tật, phần lớn hộ không đủ điều kiện vay do không có phương án sản xuất kinh doanh (68 hộ). Đây chính là nguyên nhân khiến việc giải ngân cho đối tượng hộ nghèo gặp khó khăn trong thời gian qua.

 

Giải ngân tín dụng chính sách tại xã Diên Thạnh (huyện Diên Khánh). (Ảnh tư liệu)

Giải ngân tín dụng chính sách tại xã Diên Thạnh (huyện Diên Khánh). (Ảnh tư liệu)


Huyện Diên Khánh cũng là địa phương có mức giải ngân cho hộ nghèo vay đạt thấp. Trong 318 hộ nghèo được phê duyệt năm 2021, có 104 hộ được vay vốn; 7 hộ đủ điều kiện nhưng không có nhu cầu vay vốn; 24 hộ không có phương án sản xuất kinh doanh, còn lại là các hộ già cả neo đơn, tàn tật, không có sức lao động do ốm đau bệnh tật. 6 tháng đầu năm, NHCSXH huyện Diên Khánh đã giải ngân cho 21 hộ nghèo vay hơn 1,43 tỷ đồng; dư nợ của chương trình này hiện nay đạt hơn 10 tỷ đồng với 294 hộ vay.


Từ đầu năm đến nay, NHCSXH Chi nhánh Khánh Hòa đã giải ngân cho 405 hộ nghèo vay 16,5 tỷ đồng. Dư nợ ước đến cuối tháng 6 của chương trình cho vay hộ nghèo gần 204,3 tỷ đồng với 6.720 hộ vay, giảm 31,6 tỷ đồng so với đầu năm và giảm 63,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ giảm một phần do cho vay mới giảm và số hộ vay cũ đến kỳ trả gốc. Tình hình giải ngân cho nhóm hộ nghèo gặp khó khăn, không đạt chỉ tiêu theo kế hoạch nên NHCSXH Chi nhánh Khánh Hòa đã tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH điều chuyển nguồn vốn qua nhóm cận nghèo, mới thoát nghèo.   


Tăng cường phối hợp, tuyên truyền


Ông Lê Văn Thành - Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ tín dụng, NHCSXH Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, đến ngày 31-5, qua rà soát tổng hợp, toàn tỉnh chỉ có 2.774 hộ nghèo đã vay vốn, còn 4.194 hộ nghèo chưa vay vốn (chiếm 60% tổng số hộ nghèo theo quyết định năm 2021). Nguyên nhân chủ yếu do hộ nghèo không có phương án sản xuất kinh doanh, không còn sức lao động, già cả neo đơn, các đối tượng hưởng chính sách, bảo trợ xã hội; hộ nghèo không có uy tín do chây lười lao động, cờ bạc, rượu chè... Mức cho vay bình quân đối với hộ nghèo chỉ đạt 31 triệu đồng/hộ, thấp hơn nhiều so với mức cho vay tối đa theo quy định là 100 triệu đồng/hộ. Đối tượng tiếp cận vốn vay ngày càng ít ngoài nguyên nhân do nhiều hộ đã thoát nghèo, còn có tình trạng một số hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn chưa mạnh dạn kết nạp hộ nghèo vào tổ vay vốn do tâm lý sợ họ không trả được nợ.


Để nâng mức giải ngân trong 6 tháng cuối năm, NHCSXH Chi nhánh Khánh Hòa tích cực tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp phân bổ nguồn vốn kịp thời và chỉ đạo thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được cấp trên giao. Đặc biệt, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh để triển khai các chương trình tín dụng chính sách theo hướng ưu tiên các xã miền núi, biển đảo, xây dựng nông thôn mới. NHCSXH sẽ phối hợp với UBND, hội, đoàn thể cấp xã rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo kịp thời để tạo điều kiện cho các đối tượng này được vay vốn, đảm bảo 100% hộ đủ điều kiện được vay vốn và có nhu cầu vay mức tối đa 100 triệu đồng/hộ, không để trường hợp nào thiếu vốn sản xuất phải vay vốn tín dụng đen. Bên cạnh đó, NHCSXH cùng với hội, đoàn thể tuyên truyền để hộ nghèo có ý thức vươn lên, có phương án sản xuất kinh doanh để tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách nhằm thoát nghèo bền vững.


MAI HOÀNG