11:05, 12/05/2021

Băn khoăn sử dụng máy cuốn rơm

Hiện nay, máy cuốn rơm là công cụ phổ biến giúp nông dân tiết giảm sức lao động, tăng thêm thu nhập thông qua việc bán rơm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, về lâu dài, việc bán rơm khiến nguồn dinh dưỡng bồi đắp cho đất ngày càng kém, dẫn đến thoái hóa đất.

Hiện nay, máy cuốn rơm là công cụ phổ biến giúp nông dân tiết giảm sức lao động, tăng thêm thu nhập thông qua việc bán rơm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, về lâu dài, việc bán rơm khiến nguồn dinh dưỡng bồi đắp cho đất ngày càng kém, dẫn đến thoái hóa đất.


Sử dụng khá phổ biến


Những ngày này, ông Phan Thành Thái (xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh) luôn bận rộn với công việc gom rơm tại cánh đồng cầu Lùng. Từ ngày cánh đồng thu hoạch xong, máy cuốn rơm của ông phải hoạt động liên tục để đảm bảo rơm không bị ướt, không bị chậm. Ông Thái cho biết, thời gian trước, ông nhận hợp đồng cung cấp rơm rạ cho các nơi khác nhưng phải làm bằng thủ công rất vất vả. Vừa qua, ông đầu tư mua 1 máy cuốn rơm rồi đấu nối với máy cày để triển khai việc cuộn rơm bằng máy. Ngoài ra, ông còn thuê thêm một máy cuốn rơm để đảm bảo hợp đồng cung cấp rơm cuộn cho các tỉnh, thành: Phan Thiết, Phan Rang, Lâm Đồng. 1 máy cuốn rơm đảm bảo năng suất 500 cuộn/ngày, mỗi cuộn nặng 20kg.

 

Thu hoạch rơm trên cánh đồng Cầu Lùng, Diên Khánh.

Thu hoạch rơm trên cánh đồng Cầu Lùng, Diên Khánh.


Việc cơ giới hóa khâu xử lý rơm rạ bằng máy cuốn rơm hiện nay khá phổ biến. Ông Nguyễn Trường Sanh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Diên Lạc (Diên Khánh) cho biết, nông dân Diên Lạc đã biết bán rơm cuộn từ mấy năm nay. Xã Diên Lạc có 180ha lúa 2 vụ thì có hơn 50% diện tích sử dụng máy cuộn rơm, trừ phần diện tích manh mún, nhỏ hẹp nằm trong khu dân cư và diện tích bị ngập nước không thu hoạch được. Thu hoạch rơm bằng máy giúp tiết giảm sức lao động, rơm sử dụng vào nhiều mục đích như: Làm nấm, tủ gốc, thức ăn cho trâu bò… Hiện nay, bình quân 1ha lúa đã thu hoạch được mua với giá 600.000 đồng, giúp nông dân có thêm thu nhập từ rơm. HTX đứng ra hợp đồng với người có máy, bán rơm cho khách hàng có nhu cầu và thanh toán công nợ của xã viên với HTX từ nguồn bán rơm.


Theo ông Nguyễn Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, thời gian gần đây, nông dân trên địa bàn xã cũng đã biết bán rơm cuộn cho khách hàng. Các cánh đồng lớn hầu như thu hoạch rơm bằng máy, ước tính 70 - 80%. Xã đang khuyến khích nông dân dùng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ làm tốt đất.


Nên bồi bổ cho đất


Ưu điểm của thu hoạch bằng máy đã rõ, tuy nhiên, thông qua việc bán rơm, thu hoạch rơm bằng máy cũng nảy sinh vấn đề gây tranh cãi. Người sử dụng máy cho rằng, ngoài những ưu điểm kể trên, việc sử dụng máy cuốn rơm còn giúp cắt đứt nguồn lây lan dịch hại trên cánh đồng từ rơm rạ chưa được xử lý, tránh cho cây lúa vụ sau bị ngộ độc rơm rạ chưa xử lý, đồng thời chống được ô nhiễm khói từ việc đốt đồng... Người lo lắng cho chất màu của đất ngày càng suy kiệt thì cho rằng không nên khuyến khích việc bán rơm cuộn, vì bằng cách này nguồn dinh dưỡng từ rơm rạ ngày càng mất đi, đất sẽ thoái hóa dần vì thiếu chất hữu cơ, các vụ sau năng suất sẽ giảm dần nếu không có nguồn phân bón khác bù đắp.


Hai dòng ý kiến trên đều có lý. Tuy nhiên, thực tế, lâu nay nông dân ít quan tâm đến bồi bổ chất dinh dưỡng cho đất khiến chất đất ngày càng nghèo kiệt, nhất là khu vực đất lúa 1 vụ. Nếu như trước đây, khi các loại phân vô cơ chưa được sử dụng rộng rãi, đất khó bạc màu vì nông dân sử dụng nhiều phân hữu cơ bón cho cây trồng, ngay cả HTX cũng lo liên hệ mua phân từ các tỉnh phía bắc như lân Lâm Thao, lân Văn Điển cung cấp cho nông dân. Hiện nay, việc canh tác theo cách “mì ăn liền”, chạy theo phân vô cơ làm cho chất đất ngày càng thoái hóa nên nguồn phân bón từ rơm rạ hoai mục có ý nghĩa của nó.  


Vì lẽ đó, cán bộ khuyến nông khuyên rằng, việc thu hoạch rơm bằng máy vẫn cần thiết và phù hợp với trình độ công nghệ hiện nay. Nông dân cần quan tâm đến vấn đề bồi dưỡng dinh dưỡng cho đất khi lấy đi nguồn rơm rạ, kinh phí từ nguồn bán rơm. Chỉ như vậy mới phát huy được vai trò của máy móc cơ giới, đồng thời đất canh tác không bị thoái hóa, bạc màu.


V.L