Sau 46 năm đất nước thống nhất, Khánh Hòa đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế. Diện mạo đô thị, đời sống của người dân thay đổi theo từng năm.
Sau 46 năm đất nước thống nhất, Khánh Hòa đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế. Diện mạo đô thị, đời sống của người dân thay đổi theo từng năm.
Từ những quyết định đúng hướng
Kể từ khi hòa bình lập lại, Khánh Hòa đã bắt tay ngay vào công cuộc tái thiết, tuy nhiên những bước chuyển mình mạnh mẽ và để lại nhiều dấu ấn nhất được bắt đầu từ những năm 1990. Đây được xem như giai đoạn tạo sức bật để nền kinh tế của tỉnh bắt đầu đi lên.
Nhớ lại thời điểm quan trọng để kinh tế Khánh Hòa vươn lên, ông Phạm Văn Chi - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh bồi hồi cho biết: “Vào những năm 1990, Khánh Hòa là một trong số ít tỉnh đi đầu trong đổi mới tư duy, có những việc chúng ta làm trước rồi Trung ương mới triển khai. Tập thể lãnh đạo thời điểm bấy giờ đã có những tư duy “xé rào” để tạo động lực cho phát triển. Ngay từ đầu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định, muốn phát triển được phải xây dựng hạ tầng giao thông và thu hút đầu tư vào công nghiệp; chỉ có công nghiệp mới tạo được nguồn thu lớn”.
Với mục tiêu khá rõ ràng, vận dụng linh hoạt các chính sách của Trung ương, tỉnh đã có quyết định đầu tư đúng hướng, chủ động xây dựng cơ chế, huy động được nhiều nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Thời kỳ 1996 - 2000, tỉnh huy động khoảng 6.900 tỷ đồng đầu tư, cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng sản xuất và xã hội, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, tăng năng lực của các ngành trọng điểm. Nhiều công trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa kinh tế - xã hội to lớn đã được xây dựng, điển hình như: Đại lộ Nguyễn Tất Thành, đường Cổ Mã - Đầm Môn, đường lên Khu du lịch Hòn Bà, đường Khánh Lê - Lâm Đồng, đường Phạm Văn Đồng nối Quốc lộ 1, đường Trần Phú và hệ thống công viên bờ biển… Bên cạnh đó, tỉnh đã phát triển một số khu du lịch, khu công nghiệp (KCN) mới, đô thị mới... góp phần thúc đẩy hạ tầng cơ sở phát triển mạnh, làm cho bộ mặt đô thị và nông thôn, miền núi ngày càng khởi sắc.
Chính sự thay đổi về hạ tầng đã kéo theo sự thay đổi về kinh tế. Nền kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thời kỳ 1991 - 1995 tăng gần 14%; đến cuối năm 1995, thu nhập bình quân đầu người đạt 3,4 triệu đồng (khoảng 310 USD). Đến năm 2005, GDP tăng bình quân hàng năm gần 11%, GDP của tỉnh tăng gấp 1,7 lần so với năm 2000; thu nhập bình quân đầu người đạt 768 USD/năm.
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (năm 1996) xác định cơ cấu kinh tế là công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ và du lịch. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (năm 2001) xác định là công nghiệp - dịch vụ, du lịch - nông nghiệp. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (tháng 12-2005) quyết định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp. Năm 2000, tỷ trọng cơ cấu kinh tế của tỉnh là: Công nghiệp 35,3% - dịch vụ 37,82% - nông nghiệp 26,9%. Năm 2004, tỷ trọng tương ứng là: 40,97% - 39,6% - 19,43%. Đến năm 2005, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 40,9%, dịch vụ - du lịch 41,1%, nông nghiệp chiếm 18% trong GDP.
Ông Phạm Văn Chi khẳng định, quyết sách đúng sẽ luôn mang lại những kết quả tích cực. Chính vì đầu tư có trọng điểm nên nền kinh tế của tỉnh đã có những bước tiến dài; thu ngân sách tăng nhanh và luôn vượt kế hoạch hàng năm. Nếu như năm 1976, Trung ương còn trợ cấp cho tỉnh Phú Khánh 44% ngân sách và năm 1990, số thu ngân sách của tỉnh Khánh Hòa mới đạt 58 tỷ đồng thì đến năm 1995 đã đạt 651 tỷ đồng, năm 2005 đạt 3.400 tỷ đồng - là 1 trong 8 tỉnh có số thu ngân sách lớn nhất cả nước. Kinh tế đối ngoại được mở rộng, từng bước tranh thủ thêm được bạn hàng đối tác, tiền vốn, thị trường và phương thức hợp tác, tiếp nhận một số thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý.
Tiếp tục chuyển mình
Sau những đổi thay của những năm cuối thế kỷ XX, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục có những đột phá. Từ năm 2010 đến 2015, giá trị tổng sản phẩm (GRDP) toàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) đạt 31.079,7 tỷ đồng, năm 2015 đạt 38.688 tỷ đồng (đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5,63%/năm). GDP bình quân đầu người cũng tăng khá nhanh với 30,46 triệu đồng (năm 2011) và 42,18 triệu đồng (năm 2015). Thu ngân sách năm 2015 của tỉnh đạt 13.567,03 tỷ đồng, là một trong các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ cũng như toàn quốc có nguồn thu ngân sách lớn hơn nguồn chi.
Bước sang nhiệm kỳ 2015 - 2020, nếu không tính năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 7,7%. Quy mô GRDP của Khánh Hòa đứng thứ 23 cả nước, đứng thứ 6/14 tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; quy mô ngành dịch vụ đứng thứ 12 cả nước và đứng thứ 4/14 tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Hiện nay, Khánh Hòa tiếp tục là 1 trong 16 tỉnh, thành phố cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 64,6 triệu đồng. Thu ngân sách liên tục tăng cao, riêng năm 2018 thu tới 21.875 tỷ đồng, năm 2019 tuy có giảm nhưng vẫn đạt 19.047 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2020, tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn đạt 93,2% (số vốn giao là 2.967 tỷ đồng), nằm trong tốp 10 tỉnh, thành có kết quả tốt nhất cả nước.
Cũng trong giai đoạn này, hàng loạt khu đô thị mới với các trục giao thông lớn được hình thành; các dự án công nghiệp đang gấp rút đi vào hoạt động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 KCN và 12 cụm công nghiệp. Trong đó, KCN Suối Dầu, KCN Ninh Thủy đã hoạt động; các cụm công nghiệp: Diên Phú, Diên Phú - VCN (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh), Đắc Lộc (xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang), Chăn nuôi Khatoco (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa), Sông Cầu (xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh), Trảng É1 (xã Suối Tân, Suối Cát, huyện Cam Lâm) một số đã lấp đầy, số còn lại đã hoàn thiện hạ tầng và kêu gọi đầu tư.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa dự án đường vành đai 3 và đường nối Yang Bay - Tà Gụ vào danh sách các dự án trình Quốc hội. Nếu được thông qua, sẽ có hơn 4.000 tỷ đồng cho đầu tư công và mở ra nhiều triển vọng cho phát triển kinh tế, đô thị của tỉnh. |
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận, trong suốt những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn kế thừa định hướng phát triển của các thế hệ tiền nhiệm, đó chính là đầu tư hạ tầng giao thông và phát triển doanh nghiệp, đô thị. Hiện nay, những dự án lớn như: Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, đập ngăn mặn sông Cái, đường vành đai 2, các khu đô thị Mỹ Gia, Hà Quang, VCN… sẽ là những dự án động lực cho kinh tế của tỉnh phát triển trong thời gian tiếp theo.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước. Trong đó, tỉnh xác định phát triển theo thứ tự ưu tiên: Dịch vụ du lịch biển chất lượng cao; công nghiệp, cảng biển, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản gắn với xây dựng nông thôn mới; dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, vận tải biển - hàng không và cuối cùng là kinh tế đảo. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, công nghiệp đóng tàu, khai thác đánh bắt hải sản, du lịch biển, đảo. “Để đạt được mục tiêu đó, Đảng bộ và chính quyền tỉnh sẽ khẩn trương thực hiện quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến 2040. Đồng thời, sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ban, ngành liên quan trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư tại khu vực bán đảo Cam Ranh và trình Chính phủ Đề án về cơ chế, chính sách phát triển Khu Kinh tế Vân Phong để trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển đột phá cho tỉnh và khu vực”, ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.
Đình Lâm